Sáp nhập trường nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (12/10), Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện chủ trì buổi đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hương Bình (Hương Khê) về việc thực hiện chủ trương sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào Trường THCS Hòa Hải và Trường THCS Phúc Đồng.

>> Học sinh Hương Bình phải nghỉ học đến bao giờ?!

Sáp nhập trường nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế ảnh 1
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình: Để đảm bảo yêu cầu phát triển của ngành giáo dục và của tỉnh cả trước mắt và lâu dài, chúng ta không thể để tình trạng trường lớp manh mún như hiện nay.

Chủ trương sáp nhập, quy hoạch trường lớp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương trong tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện trong thời gian qua. Đến nay các trường học sau khi sáp nhập đã đi vào học tập đảm bảo ổn định, chất lượng hơn so với trước khi nhập.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân vài xã có ý kiến, đề xuất, nguyện vọng. “Các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con là hoàn toàn chính đáng. Để đảm bảo yêu cầu phát triển của ngành giáo dục và sự phát triển chung của tỉnh cả trước mắt và lâu dài, chúng ta không thể để tình trạng trường lớp manh mún như hiện nay. Tại buổi đối thoại này, chúng ta phải làm rõ cái gì được nhất, cái gì chưa hay, chưa được để cùng mổ xẻ, làm rõ, tạo sự đồng thuận cao” – Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình động viên người dân Hương Bình sớm cho con em tiếp tục đến trường để đảm bảo chương trình học tập, nắm vững kiến thức, hướng tới tương lai.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình động viên người dân Hương Bình sớm cho con em tiếp tục đến trường để đảm bảo chương trình học tập, nắm vững kiến thức, hướng tới tương lai.

Trong không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở và đầy tính xây dựng, nhân dân xã Hương Bình bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình và được lãnh đạo chính quyền các cấp giải thích thấu tình đạt lý.

Các bậc phụ huynh cho rằng, việc giải thể và sau khi sáp nhập, con em Hương Bình phải đi học xa, đường đi khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và đuối nước trong mùa mưa lũ (thường bị ngập lũ khi đến Trường THCS Hòa Hải, từ Hương Bình đến Trường THCS Phúc Đồng phải đi qua đường Hồ Chí Minh nên không an toàn). Trường THCS Hương Bình có bề dày truyền thống, sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy học, điểm trường thuận lợi, không bị ngập lũ; chủ trương sáp nhập trường đúng nhưng triển khai vội vàng, chưa bàn bạc kỹ nên chưa được đa số nhân dân đồng tình; cơ sở vật chất các trường mới sáp nhập liệu có đủ điều kiện?...

Sáp nhập trường nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế ảnh 3
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Việc sáp nhập trường là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước và của tỉnh, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong điều kiện của xã Hương Bình hiện nay.

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo huyện Hương Khê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện đã giải thích rõ những băn khoăn của người dân trong việc sáp nhập trường. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện khẳng định: Việc sáp nhập trường là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước và của tỉnh, có ý nghĩa kết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong điều kiện của xã Hương Bình hiện nay.

Không chỉ ở Hương Bình, hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn 144 trường THCS/262 xã phường, thị, trấn (giảm 43 trường so với trước khi thực hiện đề án). Sau sáp nhập, hoạt động dạy - học có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục đảm bảo; được cán bộ, đảng viên, phụ huynh, học sinh và nhân dân đồng tình cao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện cũng cho rằng, những băn khoăn của bà con là hoàn toàn chính đáng và từng bước được tháo gỡ một cách phù hợp. Hiện tỉnh đang triển khai thi công đường vượt lũ từ Hương Bình đến Hòa Hải để tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách và đặc biệt là không phải đi qua đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trung ương, tỉnh, huyện cũng đã có các chính sách ưu đãi (áp dụng theo từng đối tượng cụ thể - PV) đối với các em học sinh Hương Bình như: miễn các khoản đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện nhà ở nội trú, hỗ trợ gạo, xe đạp…

Sáp nhập trường nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế ảnh 4
Ông Nguyễn Xuân Cung, người dân xã Hương Bình trình bày một số băn khoăn, lo lắng trong quá trình nhập trường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện yêu cầu cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân Hương Bình thực hiện chủ trương sáp nhập trường của tỉnh, của huyện; tiếp tục tổ chức họp thôn, xóm, chi bộ để tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập trường lớp.

Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình khẳng định, chủ trương sáp nhập trường THCS Hương Bình là hoàn toàn đúng đắn, là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Đây là chủ trương lớn nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế tại các trường, tránh lãng phí trong bố trí các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, tạo điều kiện tập trung đầu tư nguồn nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị bà con, mỗi đảng viên, đoàn viên, hội viên trong toàn xã Hương Bình bằng hành động cụ thể của mình, tiếp tục tuyên truyền vận động đưa con em đến trường, đừng để con em thất học; cùng chung tay xây dựng Hương Bình ngày càng phát triển.

Như Báo Hà Tĩnh đã thông tin, từ tháng 8/2014, do không đồng tình với việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào Trường THCS Hòa Hải và Trường THCS Phúc Đồng, một số phụ huynh ở xã Hương Bình đã tụ tập trước cổng trường để phản đối.

Không dừng lại ở đó, không ít phụ huynh còn tiếp tục gây sức ép lên chính quyền bằng việc không cho con em từ bậc mầm non đến THCS đến trường. Đến ngày 12/10, toàn xã Hương Bình vẫn còn 575/717 học sinh các bậc học nói trên chưa được đến lớp do phụ huynh ngăn cấm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast