Đột phá đào tạo nghề, thỏa đáng chính sách người có công

(Baohatinh.vn) - Như Báo Hà Tĩnh điện tử đưa tin, trong khuôn khổ chương trình làm việc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (18/4), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn về chính sách người có công, đào tạo nghề...

dot pha dao tao nghe thoa dang chinh sach nguoi co cong

Buổi làm việc đã nghe 16 câu hỏi chất vấn, đến từ đại biểu các đoàn: Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bến Tre, Hải Dương, Kiên Giang, Hậu Giang, Gia Lai, Cần Thơ, Bình Định, Tiền Giang, Trà Vinh, Kon Tum, Cà Mau, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Nội dung các vấn đề chất vấn đi sâu vào từng khía cạnh, lĩnh vực của ngành.

Chủ động quy hoạch mạng lưới, đột phá trong đào tạo nghề

Trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến công tác đào tạo nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận: Vẫn còn tình hình xây dựng cơ sở đào tạo “đắp chiếu”, lãng phí; tuyển sinh nhiều nghề còn thấp; thiết bị mua không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp...

Trước tình hình đó, Bộ đang triển khai rà roát, đánh giá tổng thể mạng lưới đào tạo nghề; không thành lập mới các cơ sở công lập mà không cam kết tự chủ; xây dựng danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp thực tế địa phương; xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra... Đồng thời, đề nghị các trường, trung tâm đào tạo nghề cấp huyện chủ động quy hoạch mạng lưới và quản lý các vấn đề trong phạm vi cho phép.

dot pha dao tao nghe thoa dang chinh sach nguoi co cong

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. (Ảnh chụp qua màn hình)

Cùng đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp Bộ đã đề xuất 10 nhóm giải pháp cơ bản, được thể hiện qua việc xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó, tập trung vào 3 đột phá: tăng cường tính tự chủ các cơ sở đào tạo nghề, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - cơ sở đào tạo - người lao động và tập trung xây dựng các chuẩn đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Bổ sung thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT gắn với đào tạo nghề; thắt chặt chuẩn đầu vào đại học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề...

Giải quyết thỏa đáng chính sách người có công

Đây là nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi. Cụ thể, đối với đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng nhiễm chất độc da cam, cựu TNXP...

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định, Bộ xác định công tác giải quyết tồn đọng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, ưu tiên tập trung thực hiện với quan điểm khẩn trương nhưng đảm bảo chặt chẽ, tuyệt đối không để các đối tượng trục lợi chính sách.

Đối với những trường hợp hưởng sai, hưởng chưa đủ chế đô, Bộ đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát lại từng trường hợp để có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý. Trong năm 2017, Bộ sẽ tập trung giải quyết 5.900 hồ sơ đã kê khai đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, hưởng chế độ như thương binh,...

dot pha dao tao nghe thoa dang chinh sach nguoi co cong

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh về việc giải quyết chế độ cho người có công đối với đối tượng không còn hồ sơ và đề xuất cần có hệ thống cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ việc quản lý nhà nước về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu và cho biết Bộ sẽ cố gắng triển khai hệ thống dữ liệu xuống tận cơ sở. Đây cũng là 1 trong 3 khâu đột phá của Bộ trong thực hiện cải cách hành chính.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về câu hỏi "trong năm 2017, Bộ có giải pháp nào để xử lý căn cơ 28.500 bộ hồ sơ đã được kê khai nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách trong cả nước?", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ: không phải tất cả 28.500 bộ hồ sơ đã kê khai thì sẽ được giải quyết chế độ chính sách mà phải qua rà soát, xem xét lại một cách đầy đủ, chính xác, đúng đối tượng.

Về giải quyết vấn đề đối với TNXP, Bộ trưởng cho biết, việc đề ra và thực thi chính sách đối với TNXP, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để xây dựng chính sách. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Hội TNXP rà soát đánh giá tổng thể, thống nhất về số liệu đối tượng chính sách; tập trung giải quyết dứt điểm, chính xác các hồ sơ đang còn tồn đọng (nằm trong 5900 hồ sơ các địa phương đề nghị giải quyết). Trong đó, tổ chức thí điểm ở 3 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, đến năm 2018 sẽ triển khai đại trà.

Về công tác tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, với tinh thần tổ chức các hoạt động trang trọng nhưng thiết thực, Bộ trưởng cho biết Bộ đã tham mưu Chính phủ và ban hành kế hoạch triển khai 16 hoạt động ở cấp Quốc gia.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cũng trả lời bổ sung về kinh phí thực hiện chính sách đối với người có công; tu bổ các công trình tri ân liệt sỹ và lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ...

dot pha dao tao nghe thoa dang chinh sach nguoi co cong

Giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, đối tượng xuất ngũ

Bộ trưởng LĐTBXH mong muốn, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả, linh hoạt các văn bản, chỉ thị liên quan đến công tác đào tạo nghề, trong đó có đề án 1956 của Thủ tưởng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông thôn, Bộ trưởng cho biết, kinh phí đào tạo nghề sẽ được tích hợp với kinh phí chương trình xây dựng nông thôn mới, theo nguyên tắc chỉ đào tạo nghề khi dự báo được mức độ thu nhập và khả năng có việc làm của người lao động, gắn chặt kế hoạch đào tạo nghề với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển ngành phù hợp với thế mạnh, mục tiêu kinh tế - xã hội của từng địa phương....; đồng thời bản thân thanh niên chủ động học nghề.

Bộ trưởng cũng nêu ra một số giải pháp giải quyết việc làm cho người tàn tật, hộ nghèo; thông tin một số chương trình xuất khẩu lao động... Bộ trưởng khẳng định sẽ cố gắng ở mức cao nhất với quyết tâm chính trị cao nhất để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho các các đối tượng. Đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan xây dựng Đề án về tổ chức dự báo cung cầu thị trường lao động...

Xung quanh nội dung này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời thêm về vấn đề giải quyết việc làm, dạy nghề và các thông tin chính sách ưu tiên dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Phiên chất vấn cũng được nghe Bộ trưởng LĐ-TB&XH thông tin về tình hình học viên cai nghiện, nguyên nhân xảy ra vụ việc các học viên trốn trại và giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này; về quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ...

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn với Bộ trưởng LĐTB&XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự nghiêm túc và cầu thị của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; sự phối hợp tích cực, có trách nhiệm của Bộ trưởng các Bộ liên quan trong trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, phối hợp chặt với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ngành liên quan, Bộ LĐ-TB&XH cần tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng, kịp thời trình Chính phủ để ban hành chính sách phù hợp với tình hình mới; bố trí kinh phí hợp lý giải quyết chế độ chính sách nhà ở dành cho người có công... Phát huy sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể trong phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lạm dụng, vi phạm, trục lợi; rà soát hợp lý từng đối tượng...

Về công tác đào tạo nghề, cần khẩn trương triển khai rà soát quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; triển khai giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo nghề; xem xét, nghiên cứu thí điểm đào tạo nghề cho nhóm bộ đội, công an xuất ngũ; tăng cường dự báo, nâng cao khả năng phân luồng cho học sinh... Phối hợp với Bộ GD&ĐT, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác đào tào nghề.

Về việc chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện, Bộ cần tiếp tục đổi mới có hiệu quả công tác cai nghiện; kiên quyết từ bỏ cách làm hành chính, hời hợt; nghiên cứu thêm về công tác quản lý, phối hợp quản lý. Các cơ quan Quốc hội sẽ tăng cường giám sát các nội dung được đề cập.

Đối với các vị đại biểu Quốc hội còn có câu hỏi chất vấn tiếp tục gửi về Thư ký Quốc hội để chuyển đến Bộ trưởng và sẽ có trả lời bằng văn bản.

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast