Tai nạn giao thông (bài 2): Ám ảnh những con số

(Baohatinh.vn) - Theo đánh giá chung của ngành chức năng, thời gian gần đây TNGT tuy có giảm nhưng không đáng kể. Số liệu thống kê sơ bộ từ Ban ATGT tỉnh cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có hơn 800 người chết vì TNGT, nhưng trên thực tế, con số đó có thể còn lớn hơn.

>> Bài 1): Nỗi đau người trong cuộc…

Những thống kê... giật mình!

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 146 vụ TNGT, làm chết 116 người và bị thương 118 người (giảm 5 vụ, 2 người chết và 18 người bị thương so cùng kỳ năm trước). Đáng báo động là những tháng cuối năm, tình trạng TNGT lại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, những “điểm đen” về ATGT trên tuyến QL 1A thuộc các xã Kỳ Trinh, Kỳ Liên, Kỳ Phương đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống xung quanh khu vực và các phương tiện lưu thông trên đường. Đó cũng chính là lý do để Kỳ Anh trở thành một trong những địa bàn gia tăng đột biến về TNGT với 29 vụ, làm chết 32 người; tăng 7 vụ, 9 người chết so với cùng kỳ.

Một vụ tai nạn tại thôn 5, xã Sơn Diệm (Hương Sơn - Hà Tĩnh) giữa 2 xe khách giường nằm đi ngược chiều

Một vụ tai nạn tại thôn 5, xã Sơn Diệm (Hương Sơn - Hà Tĩnh) giữa 2 xe khách giường nằm đi ngược chiều

Trong một điều tra xã hội gần đây cho thấy, đối tượng gây TNGT chủ yếu là giới trẻ có độ tuổi trung bình từ 18-30 (chiếm 70% các vụ tai nạn). Đây là lực lượng lao động chính trong gia đình và xã hội, vì thế, hệ lụy của TNGT không chỉ là nỗi đau, sự mất mát về tinh thần mà còn là gánh nặng cho mỗi gia đình khi mất đi chỗ dựa về kinh tế.

Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Chấn thương - Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, Khoa Chấn thương tiếp nhận khoảng 3.300 ca, trong đó, hơn một nửa là do TNGT. Nhẹ thì gãy chân, gãy tay, xây xát phần mềm, nặng thì chấn thương sọ não. Những ca bị chấn thương sọ não, nếu sống được thì phần lớn đều để lại di chứng, rất nhiều người trong số đó bị bại liệt, thậm chí, sống thực vật, trở thành gánh nặng cho gia đình. Có những ca, mặc dù đã nỗ lực hết mình, đội ngũ y, bác sỹ vẫn phải bó tay, bất lực nhìn tử thần cướp đi mạng sống của nạn nhân. Những cái chết như thế luôn làm chúng tôi băn khoăn, day dứt”.

Không hoàn toàn do ý thức

Để góp phần giảm thiểu TNGT, thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT được xem là biện pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài và được các cấp, ngành duy trì thường xuyên. Vì thế, vấn đề tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hình thành kỹ năng chấp hành ATGT, góp phần thay đổi hành vi là mục tiêu mà Ban ATGT tỉnh hướng tới.

Đội Thanh niên tình nguyện ứng cứu nhanh TNGT phát tờ rơi tại cầu Bến Thủy...
Đội Thanh niên tình nguyện ứng cứu nhanh TNGT phát tờ rơi tại cầu Bến Thủy...

Công tác tuyên truyền được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng như: ký cam kết đảm bảo trật tự ATGT trong mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện các chương trình phối hợp để huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể; xây dựng các nội dung, tiêu chí cho khu dân cư; tổ chức các cuộc thi hình thức sân khấu hóa… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao và thực trạng TNGT vẫn đang còn nhức nhối.

Qua thực tế và phân tích, tổng hợp của các ngành chức năng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến TNGT vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, thể hiện ở việc điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm; phóng nhanh, vượt ẩu; tình trạng xe chở quá tải; người dân sử dụng lòng, lề đường trái phép gây cản trở giao thông, hư hỏng mặt đường; việc tổ chức ký cam kết nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức và hầu như không tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả… Tuy nhiên, đó chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân gây ra TNGT.

Ông Hoàng Minh Việt - Phó ban ATGT tỉnh chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, các phương tiện giao thông tăng khoảng 15%, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông lại chưa được đảm bảo. Tình trạng vừa thi công, vừa khai thác cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây TNGT. Một tuyến đường đẹp không chỉ rộng, phẳng, mà phải có đầy đủ cơ sở hạ tầng đảm bảo ATGT, nhưng thực tế, trên địa bàn vẫn có những tuyến đường thiếu một vài hạng mục cần thiết như vòng xuyến, hệ thống đèn tín hiệu… Những chi tiết ấy khi đưa vào tổng mức đầu tư thì chỉ là một khoản nhỏ, nhưng nếu bổ sung khi công trình đã đi vào sử dụng là cả một vấn đề”.

Những năm gần đây, công tác tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT được triển khai quyết liệt với nhiều cách làm hay và mang lại hiệu quả thiết thực. Dù vậy, lực lượng tuần tra, xử lý vẫn chưa khép kín địa bàn, chỉ mới tập trung trên các tuyến trọng điểm. Khi xảy ra tai nạn, tình trạng can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm của lực lượng chức năng vẫn tồn tại, do đó, đối với nhiều vụ việc, mức độ xử lý còn nhẹ. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng toàn tỉnh mới chỉ khởi tố điều tra 38 vụ; phê chuẩn 35 quyết định khởi tố bị can để điều tra, xử lý hình sự; truy tố và đưa ra xét xử 26 vụ án. Điều đáng nói, một số bị cáo vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả nghiêm trọng chỉ bị xử phạt hành chính và án treo!

Rõ ràng, vấn đề mất ATGT hiện nay không thể hoàn toàn do ý thức của người tham gia giao thông. Xin được mượn lời một cán bộ của cơ quan chức năng để kết thúc bài viết này: Đừng đổ lỗi nhiều cho ý thức của người tham gia giao thông, trước hết, phải xem lại vấn đề xử lý đã được giải quyết tận gốc hay chưa? Các công trình giao thông đã thực sự đảm bảo an toàn… Và, để giảm thiểu tình trạng TNGT, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Chủ đề Tai nạn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast