Minh bạch và sòng phẳng với lương

Tuần trước Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về chính sách tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước. Yêu cầu này xuất phát từ việc một số doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định liên quan đến chính sách lao động, tiền lương mà gần đây nhất là vụ bốn doanh nghiệp công ích trả lương cao “kỷ lục” cho nhóm lãnh đạo doanh nghiệp gây xôn xao dư luận.

Trồng hoa trên đường phố TPHCM. Ảnh: Kinh Luân
Trồng hoa trên đường phố TPHCM. Ảnh: Kinh Luân

Đi kèm với yêu cầu này, Thủ tướng Chính phủ cũng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về lao động, tiền lương.

Mặc dù ở đây nói chuyện lương của khối doanh nghiệp nhà nước nhưng để hình dung sự phức tạp của hệ thống lương, phải tính cả khối hành chính sự nghiệp, trong đó có nhiều đơn vị kinh tế trực thuộc hoạt động không khác gì một doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp công ích.

Thực tế cho thấy mặc dù đã có rất nhiều văn bản, rất nhiều định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức lao động... việc chi trả lương cho khối doanh nghiệp nhà nước, khối hành chính sự nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp công ích là một mớ bòng bong. Nhiều người thú thật họ không biết chính xác lương họ là bao nhiêu, hệ số như thế nào, thu nhập thực tế gồm những khoản nào bên cạnh lương. Nhiều đơn vị sự nghiệp có thu, dù tự chủ về mặt tài chính, tức không nhận đồng nào từ ngân sách, lại vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc cứng nhắc khi chi trả lương cho người lao động bất kể kết quả hoạt động.

Hiện nay, theo kết quả điều tra mới nhất của Tổng cục Thống kê, cả nước có 3.308 doanh nghiệp nhà nước (tuyển dụng 1,66 triệu lao động) và 146.600 đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp (thu hút 3,4 triệu lao động), trong đó có 8.181 đơn vị kinh tế thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp. Không thể nào biên soạn nổi các văn bản quy định chính sách chi trả lương cho từng ấy đơn vị với những đặc thù khác nhau hoàn toàn. Bởi trong hàng chục ngàn đơn vị sự nghiệp có nơi thì tự chủ về tài chính, có nơi nhận ngân sách nhà nước; có đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, có đơn vị chỉ tự bảo đảm một phần, phần còn lại được ngân sách nhà nước cấp...

Nhà nước phải thay đổi cách suy nghĩ về các đơn vị sự nghiệp, cùng với việc yêu cầu phải hạch toán độc lập, là trao quyền tự chủ thật sự cho họ. Một khi họ không nhận kinh phí từ ngân sách thì họ phải được quyền định đoạt cách trả lương cho nhân viên thuộc quyền sao cho giữ chân được người tài, loại bỏ người kém năng lực trên nguyên tắc thị trường.

Các đề xuất sửa đổi, vì thế, phải mang tính đột phá, bao quát và lâu dài. Hướng đi chính là trước khi sửa đổi chính sách lương, cần phải làm gọn nhẹ bộ máy bằng nhiều phương thức sau đó là sòng phẳng, trung thực với nhau để lương ra lương (không còn chuyện lương thì thấp mà chạy ghế vào vị trí hưởng lương thấp đó lại cao ngất).

Trước hết cần tách các cơ quan hành chính nhà nước sang một bên bởi việc cải cách tiền lương của khối này là một đề tài khác, sẽ nói bên dưới. Với doanh nghiệp nhà nước, con đường cổ phần hóa là chọn lựa không thể tránh được, không chỉ vì hiệu quả kinh tế như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mà ở đây còn là việc tự chủ trong kinh doanh, chi trả lương cho người lao động và giới quản lý. Một khi đã là doanh nghiệp cổ phần thì tất cả phải do quy luật thị trường chi phối.

Ở những doanh nghiệp nhà nước không thể cổ phần hóa, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, ngoài hiệu quả kinh doanh cũng phải đẩy mạnh quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Họ có trả lương đúng giá trị thị trường thì mới có thể tuyển dụng người giỏi cho mình để hoàn thành nhiệm vụ. Tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước lớn với hàng chục ngàn lao động hoàn toàn có thể được trả lương cao như người đồng cấp trong khu vực tư nhân nếu kết quả kinh doanh, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao phó là tốt.

Với rất nhiều đơn vị sự nghiệp có thu, chuyển sang dạng công ty cổ phần, hạch toán độc lập, không nhận tiền từ ngân sách nữa là chuyện hoàn toàn khả thi. Một đoàn ca nhạc nhẹ thì cứ mạnh dạn cổ phần hóa hoàn toàn; lúc đó ngân sách vừa giảm nhẹ gánh, Nhà nước không còn phải lo thang bậc lương, kể cả các loại tiền phụ cấp “thanh, sắc” rất lạ lùng. Với rất nhiều đơn vị sự nghiệp có thu, Nhà nước hoàn toàn không cần can thiệp vào chuyện trả lương nếu không dính đến ngân sách.

Cũng tương tự như vậy, để bộ máy nhà nước ngày càng tinh gọn, phải tính đến chuyện gọi thầu mọi dịch vụ mang tính công ích để khu vực tư nhân tham gia thực hiện. Lúc đó, Nhà nước đâu còn phải lo chuyện thang bậc lương hay định mức lao động, định mức kỹ thuật nữa. Trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, các doanh nghiệp tư nhân sẽ cạnh tranh để được nhận thầu.

Với bộ máy gọn nhẹ còn lại, nỗ lực cải cách tiền lương, kể cả cho bộ máy hành chính, mới có thể đi vào thực chất, để cán bộ nhà nước có thể yên tâm sống được bằng đồng lương của mình. Thực tế, ai cũng nói không ai có thể sống bằng đồng lương nhà nước nhưng tất cả đều “xoay xở” bằng một cách nào đó, cũng từ ngân sách nhà nước. Tại sao không công khai, minh bạch hết để tất cả đưa vào lương - một đồng lương đủ sống, làm động lực cho tăng năng suất, kích thích sự sáng tạo và người hưởng lương cũng thấy mình xứng đáng được như thế.

Trước mắt, Nhà nước phải thay đổi cách suy nghĩ về các đơn vị sự nghiệp, cùng với việc yêu cầu phải hạch toán độc lập, là trao quyền tự chủ thật sự cho họ. Một khi họ không nhận kinh phí từ ngân sách thì họ phải được quyền định đoạt cách trả lương cho nhân viên thuộc quyền sao cho giữ chân được người tài, loại bỏ người kém năng lực trên nguyên tắc thị trường. Làm như thế còn hay hơn nhiều lần để các đơn vị phải bị đẩy vào chỗ khai báo không trung thực, lương kê một đằng mà thu nhập thực nhận một nẻo.

Vấn đề cuối cùng là làm sao để những nơi còn nhận ngân sách nhà nước hay những doanh nghiệp công ích cần thiết phải duy trì không thể lợi dụng các khe hở luật pháp, lạm dụng chính sách lương theo một cách nào đó có lợi cho họ mà gây thiệt hại cho ngân sách. Thiết nghĩ, lúc đó, bộ máy đã được tinh gọn, hoàn toàn có thể rà soát lại các quy chế lương thưởng một cách toàn diện để tất cả đưa vào lương một cách công khai minh bạch với những thang bậc rõ ràng mà nước nào cũng phải xây dựng cho hệ thống hành chính của mình.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast