Khi én về miền chân sóng

Hội Thuỷ là xóm chài nằm trải dài dọc bờ đê sông Lam, ngay mép biển Cửa Hội, Xuân Hội, Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Người dân Hội Thuỷ từ bao đời nay sống nhờ vào biển. Khi những cánh én chao nghiêng dệt mùa xuân nơi cửa biển cũng là lúc những ngư dân xóm chài miền chân sóng tất bật mở đầu một mùa nuôi trồng và đánh bắt…

Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Xuân Hội Nguyễn Xuân Tùng giới thiệu với tôi trong tiếng rì rào của sóng biển: Hội Thuỷ không chỉ có đội tàu xa bờ chiếm đa số trong đội tàu của xã Xuân Hội, mà còn có hàng trăm tàu thuyền nhỏ mỗi năm mang về cho dân làng hàng chục tỷ đồng. Nguồn lợi từ biển đã giúp người dân xóm chài này xây cất cửa rộng nhà cao, tạo nên bộ mặt làng biển nơi đầu sóng ngọn gió mang dáng dấp như một khu đô thị thời mở cửa.

Vươn mình ra phía biển

Bí thư Tùng dẫn tôi vào thăm gia đình chủ tàu Lê Hồng Giang đúng lúc anh vừa từ bến tiễn các thuyền viên trở về. Dáng chắc đậm, người cao to, mực thước, gương mặt rắn rỏi, nụ cười thân thiện, anh Giang dễ tạo cho người tiếp chuyện cảm giác tin tưởng, dễ gần. Anh Giang cho biết, từ đời cụ kỵ đến đời ông bà rồi đời anh cùng 4 đứa em đều làm nghề đi biển. Năm 2009, anh đầu tư gần 3 tỷ đồng đóng mới 1 cặp tàu 400CV, nâng số tàu của bố con, anh em của anh lên 3 cặp trong số 10 cặp tàu đánh bắt xa bờ của xã. Trong số 3 cặp tàu này, có 1 cặp tàu dự án được Nhà nước đầu tư vốn đóng từ năm 1997, một cặp anh mua cho cậu con trai đầu cách đây vài năm và cặp tàu mới do anh đứng chủ.

Hiện xã Xuân Hội có 10 cặp tàu đánh bắt xa bờ cùng hàng trăm tàu nhỏ mỗi năm khai thác gần 4 ngàn tấn hải sản, giá trị ước đạt 45 tỷ đồng.
Hiện xã Xuân Hội có 10 cặp tàu đánh bắt xa bờ cùng hàng trăm tàu nhỏ mỗi năm khai thác gần 4 ngàn tấn hải sản, giá trị ước đạt 45 tỷ đồng.

Theo anh Giang, sở dĩ hầu hết các đội tàu xa bờ của ta lần lượt tan rã là do ngư dân không được trang bị kiến thức về kỹ thuật đánh bắt xa khơi và cách thức tổ chức quản lý các đội tàu. Tồn tại và phát triển nghề này đến được hôm nay, anh Giang cho rằng, ngoài chút ít kinh nghiệm đi biển của bản thân, cần phải biết học hỏi các bạn tàu về công tác quản lý và tổ chức đánh bắt. Chỉ có bằng cách ấy, các chủ tàu mới tự vươn mình ra biển lớn được.

Anh Giang cho biết: Ngư trường đánh bắt của ta chủ yếu nằm trong vùng Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển từ 45-50 hải lý. Đây là vùng đánh bắt chung của ngư dân các tỉnh Bắc Trung bộ, không chỉ tàu xa bờ mà các loại tàu nhỏ trên dưới 150CV vẫn có thể khai thác nên nguồn lợi hải sản đang từng ngày cạn kiệt. Từ đây ra đến phao số không còn trên dưới 50 hải lý, đây là ngư trường đánh bắt chung của các đội tàu quốc tế. Các đội tàu của ta vẫn thường ra đây đánh bắt, chi phí cho mỗi chuyến đi từ 4-5 ngày cho mỗi cặp tàu hết khoảng 40-50 triệu đồng, có thể thu về 80-90 triệu đồng. Thường mỗi cặp tàu có 15-20 thuyền viên, mỗi chuyến đi biển xa ngày mỗi người có thể thu nhập từ 500-800 ngàn đồng. Riêng 3 cặp tàu của gia đình anh Giang, năm 2009 tổng thu đạt trên 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên 40 lao động, mức lương bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng.

Trên công trường thi công cảng Xuân Hội những ngày đầu năm 2010.
Trên công trường thi công cảng Xuân Hội những ngày đầu năm 2010.

Bí thư Đảng uỷ Võ Văn Tùng cho biết thêm, để giúp ngư dân duy trì sản xuất, Xuân Hội đã thành lập tập đoàn đánh bắt xa bờ, các chủ tàu liên kết với nhau, tổ chức thành một dây chuyền đánh bắt, gồm các tổ đánh bắt, tổ vận chuyển và tổ ma-két-tinh. Các cặp tàu luân phiên nhau đánh bắt dài ngày ở ngư trường xa, sau đó gom hàng cho tổ vận chuyển vào bờ để tiết kiệm chi phí, đồng thời có sự điều chỉnh lượng hàng thích hợp tránh tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, dễ bị tư thương ép giá. Đây là giải pháp tối ưu có tính chiến lược lâu dài giúp các con tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Xuân Hội tiếp tục nhổ neo vươn mình ra phía khơi xa. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt năm 2009 của xã đạt gần 4 ngàn tấn, giá trị ước đạt trên 45 tỷ đồng, vượt 20% so với năm 2008.

Xôn xao đồng tôm nơi cửa biển

Một thế mạnh khác của người dân vùng cửa biển mà Bí thư Tùng muốn giới thiệu với tôi là nghề nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản. Theo chân anh Tùng, vượt qua con đê làng khấp khểnh sống trâu, chúng tôi đến với những ông chủ đồng tôm nơi cửa biển sông Lam. Những ao tôm rộng cả héc-ta vuông vức như những ô bàn cờ khổng lồ nối nhau tít tắp ôm lấy sườn đê bờ hữu ngạn, rộn rã không khí ra quân đầu Xuân mới.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây tạm ngay vuông tôm của mình là ông Đặng Đình Kỳ - người tiên phong đầu tư chuyển đổi phương thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp. Ông Kỳ tâm sự: Những người sinh kế bằng nghề nuôi tôm, nuôi cua xuất khẩu ở vùng này từ bao đời nay vốn quen với phương thức nuôi quảng canh, nói nôm na là “trăm sự nhờ trời” cả. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy nuôi thả “được mặc đất, mất mặc trời” như bấy lâu nay các chủ đồng tôm vẫn thường áp dụng.

Nghĩ là làm, ông Kỳ vận động thêm được gần chục “đồng minh” toàn là dân sông nước, thành lập tổ hợp chăn nuôi, ăn chia theo hình thức đóng góp cổ phần. Mô hình của ông trở thành mô hình đầu tiên triển khai chủ trương chuyển đổi phương thức nuôi trồng thuỷ hải sản của xã Xuân Hội. “Nhiều người bảo tôi liều khi dám đi vay ngân hàng cả tỷ bạc “ném” vào đồng tôm, nhưng thử hỏi nếu không dám nghĩ, dám làm, không có gan làm thì làm sao thay đổi được tập quán đã ăn sâu thành gốc rễ trong tư duy người dân” - ông Kỳ bảo thế.

Đồng tôm mùa xuống giống!
Đồng tôm mùa xuống giống!

Tổ hợp của ông Kỳ nhận thầu 35 ha mặt nước của xã với mức 900 triệu, trả góp trong vòng 10 năm. Mỗi cổ đông đóng góp 35 triệu đồng, Hội nông dân xã và Ngân hàng nông nghiệp huyện cho vay 500 triệu đồng với mức lãi suất 1%/tháng làm vốn đầu tư ban đầu. Theo cách tính của ông Kỳ, mỗi héc-ta tôm nuôi công nghiệp cần đầu tư cơ bản khoảng 70 triệu đồng, cộng với khoảng 120 triệu tiền thức ăn, sau 3 tháng nếu phát triển tốt có thể thu từ 6-7 tấn tôm, theo thời giá hiện nay xấy xỉ 450 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, người nuôi tôm có thể được lãi từ 30-40%. Và thực tế đã chứng minh, năm 2008 tổ hợp của ông nuôi 0,8ha tôm công nghiệp, thu lãi 60 triệu đồng; năm 2009, ông Kỳ mở rộng diện tích nuôi 1,5ha, thu lãi trên 200 triệu đồng. Bước vào vụ nuôi thả năm nay, ông Kỳ dự định cải tạo 5ha nuôi tôm công nghiệp.

Trước lúc chia tay, Bí thư Tùng báo tin vui, dự án xây dựng cảng cá Xuân Hội - ước mơ bao đời của người dân vùng cửa biển sắp thành hiện thực. Với mức đầu tư trên 140 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2011 cảng cá này đưa vào khai thác sẽ đưa về nguồn lợi không nhỏ vì chúng ta có thể ăn từ gốc đến ngọn sản phẩm của hàng trăm con tàu đánh bắt xa bờ đang rất thiếu nơi đổ hàng, đồng thời sẽ giải quyết việc làm cho rất nhiều người phát triển các nghề dịch vụ ăn theo.

Với mức đầu tư trên 140 tỷ đồng, dự kiến năm 2011 cảng cá Xuân Hội đi vào hoạt động sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho địa phương.
Với mức đầu tư trên 140 tỷ đồng, dự kiến năm 2011 cảng cá Xuân Hội đi vào hoạt động sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho địa phương.

Nắng xuân trải dài nhuộm vàng mặt đê Hội Thuỷ. Sải những bước chân dài trên mặt con đê vạm vỡ, lớp cấu kiện lát trên bề mặt vuông vức như những ô bàn cờ, phẳng phiu uốn lượn giữa hàng dương xanh, ngực chúng tôi căng tràn gió biển. Xa xa, thấp thoáng những cánh én chao nghiêng trước mũi những con tàu đang vươn mình ra phía khơi xa.

Tháng 02-2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast