Còn lỗ hổng quản lý, đường còn lún

Sự quản lý lỏng lẻo và còn nhiều lỗ hổng để các nhà thầu xây dựng cầu, đường lách qua đã dẫn đến hiện tượng lún đường xảy ra trên cả nước như thời gian qua...

Lỗ hổng quản lý

Hiện tượng lún mặt đường theo vệt bánh xe đang xảy ra chủ yếu ở các tuyến đường mới khánh thành khiến dư luận bức xúc. Nhiều hội thảo, nhiều chỉ đạo đã được đưa ra, song hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí càng lúc càng phức tạp bởi “ma trận” nguyên nhân được đưa ra. Bài viết này sẽ không đề cập lại các nguyên nhân gây lún đường mà chỉ tập trung phân tích những bất cập trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng cầu, đường.

Hiện tượng lún mặt đường theo vệt bánh xe ở đại lộ Đông - Tây phía quận 2, dù đã được sửa chữa nhiều lần nhưng lún vẫn hoàn lún. Ảnh: LÊ ANH
Hiện tượng lún mặt đường theo vệt bánh xe ở đại lộ Đông - Tây phía quận 2, dù đã được sửa chữa nhiều lần nhưng lún vẫn hoàn lún. Ảnh: LÊ ANH

Nếu nhìn nhận khách quan trong thực tế có thể thấy, hầu như các dự án đầu tư công hay đối tác công - tư đều có vấn đề tiêu cực xuất phát từ suy nghĩ tiền đầu tư là “tiền chùa” nơi một số cá nhân, đơn vị.Về phía Nhà nước, còn có các tồn tại liên quan đến công tác quản lý trong đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình.

Thứ nhất, hiện nay các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng đều chưa phân biệt ranh giới giữa sự cố công trình và khiếm khuyết về chất lượng. Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật đưa ra định nghĩa “sự cố công trình là những hư hỏng vượt qua giới hạn an toàn cho phép làm cho công trình có nguy cơ sụp đổ; đã sụp đổ một phần hoặc toàn bộ công trình; hoặc công trình không sử dụng theo thiết kế”. Như vậy, hư hỏng lún mặt đường theo vệt bánh xe có được hiểu là sự cố hay không?

Với cách giải quyết của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay, lún mặt đường được hiểu là thiếu sót về chất lượng, chứ không phải sự cố, nên việc xử lý còn kéo dài.

Xử lý lún đường không khó, chỉ khó là các bộ, ngành chưa quyết tâm xác định đúng nguyên nhân mà thôi.

Thứ hai, khi xảy ra lún mặt đường, việc quy trách nhiệm cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, giám sát rất khó vì Luật Xây dựng và các nghị định về quản lý chất lượng, quản lý dự án, xử phạt vi phạm hành chính… đều quy định chung chung, không chi tiết về hành vi vi phạm và xử lý trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải và dự án có vốn nhà nước.

Riêng về năng lực chủ đầu tư, trách nhiệm của cấp có thẩm quyền thì hầu như không có văn bản pháp luật nào quy định rõ.

Thứ ba là việc xây dựng ở Việt Nam vẫn chia ra năm lĩnh vực gồm dân dụng; công nghiệp; giao thông; nông nghiệp phát triển nông thôn và hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ quản lý tổng hợp về xây dựng, vừa quản lý lĩnh vực dân dụng và công nghiệp (thực ra chủ yếu là công nghiệp vật liệu xây dựng). Mô hình quản lý nhà nước chuyên ngành về xây dựng gồm nhiều bộ như Việt Nam rất khó để quản lý thống nhất, dễ làm phân tán nguồn lực và sinh ra tư tưởng khép kín cục bộ.

Các nước trên thế giới chỉ có một bộ quản lý nhà nước về xây dựng, một loại hình kỹ sư xây dựng, một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng, chứ không như ở Việt Nam làm một đường cống thoát nước đô thị cũng phải ba bộ tiêu chuẩn. Đã thế, các hoạt động phối hợp liên bộ không tốt nên mới xảy ra chuyện bộ này đổ lỗi cho bộ kia.

Hay như việc nghiệm thu các công trình của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng chỉ cho có hình thức, không hiệu quả. Các tuyến đường bị lún vừa rồi đã cho thấy điều đó khi tuyến đường nào cũng được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu.

Còn lỗ hổng, đường còn lún

Hiện nay, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng cầu, đường của Việt Nam còn khá nhiều bất cập, không tương thích đồng bộ giữa khảo sát, thí nghiệm, thiết kế, kiểm tra giám sát, thi công, kiểm định, khai thác và không cập nhật các công nghệ mới của thế giới, thậm chí không phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam.Ví dụ, xe tải trọng nặng chạy nhiều trên đường mà vẫn thiết kế cấp phối bê tông nhựa theo phương pháp Marshall (phương pháp cũ), đường bị lún nứt nhiều nhưng vẫn thiết kế theo phương pháp độ võng trong lúc các nước đã chuyển qua phương pháp mới.

Qua thực tế cho thấy, chất lượng đường bê tông nhựa chủ yếu là do khâu thí nghiệm vật liệu và quy trình thi công. Hiện nay, luật quy định chỉ cần nhà thầu hợp đồng thí nghiệm ở một phòng thí nghiệm hợp chuẩn (LAS-XD hoặc ViNALAS) chứ không bắt buộc nhà thầu phải có phòng thí nghiệm (hoặc liên danh thí nghiệm) tại hiện trường, cả tư vấn giám sát cũng không bắt buộc có thí nghiệm hiện trường.

Điều này đang tạo kẽ hở lớn vì trong cơ chế thị trường, số liệu phòng thí nghiệm có thể được “chế tác” theo đề nghị của nhà thầu. Ngay cả quy trình thi công, kiểm tra và nghiệm thu, Luật Xây dựng và các nghị định, thông tư hướng dẫn chỉ nói chung chung về nhiệm vụ nội dung giám sát, không quy định chế tài cụ thể khi xảy ra sự cố, từ đó nhà thầu và tư vấn giám sát thường “bắt tay” nhau, ăn gian khối lượng và chất lượng.

Ở các nước, tư vấn giám sát phải có khoản bảo đảm tài chính tương xứng để có thể bồi thường thiệt hại gây ra do lỗi của mình, nhưng ở Việt Nam thì chưa có quy định này. Ngoài ra, việc xử lý chế tài các nhà thầu vi phạm cũng chưa công khai thường xuyên, mới đây chỉ có Bộ Giao thông Vận tải thông báo việc xử lý các nhà thầu vi phạm.

Đã đến lúc phải lấp nhanh lỗ hổng trong quản lý nhà nước, thông qua việc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật, đổi mới mô hình tổ chức quản lý xây dựng của các bộ và ban hành các quy định quản lý theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, cần biên soạn cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng công trình xây dựng theo thông lệ quốc tế, và không quên điều mấu chốt, đó là phải xác định trách nhiệm cụ thể và đào tạo lại con người. Xử lý lún đường không khó, chỉ khó là các bộ, ngành chưa quyết tâm xác định đúng nguyên nhân mà thôi.

Theo TBKTSG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast