Khôi phục sản xuất vùng thượng Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Khôi phục sản xuất ở vùng thượng gắn với đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang nỗ lực từng bước chuyển đổi cây keo lá tràm sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Chính sách hỗ trợ trong thực hiện đề án tái cơ cấu đang tạo nguồn lực kích cầu cho mục tiêu tái cơ cấu 2.000 ha đất trồng rừng nguyên liệu.

Tăng nhanh diện tích trồng chè

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Lê Văn Trọng cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện sẽ phát triển diện tích trồng chè lên 600 ha, chủ yếu sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, trong đó có ít nhất 10% vùng chè chất lượng, năng suất cao trên 20 tấn/ha. Ngoài vùng trọng điểm Kỳ Trung, hiện các xã vùng thượng khác cũng đang từng bước mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm để nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu. Với tổng diện tích 400 ha hiện có, huyện tiếp tục xúc tiến, hỗ trợ Công ty CP Chè Hà Tĩnh sớm triển khai xây dựng nhà máy chế biến tại Kỳ Thượng để thu mua sản phẩm cho người trồng chè.

khoi phuc san xuat vung thuong ky anh

Cây chè là hướng đi mới, bền vững, đang được bà con vùng thượng Kỳ Anh, Hầ Tĩnh, lựa chọn để chuyển đổi.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Vũ Trung Tiến trao đổi, sau thiệt hại do bão số 10, người dân có thêm quyết tâm lựa chọn những cây, con né tránh được thiên tai. Trong gần nửa năm qua, ở những diện tích keo lá tràm đổ gãy có địa hình khá bằng phẳng, bà con đã chuyển 15 ha sang trồng chè, đưa tổng diện tích cây công nghiệp này lên gần 70 ha.

Tiếp xúc với một số hộ vừa chuyển keo lá tràm sang cây chè, chúng tôi được biết, đầu tư trồng 1 ha chè cao gấp 5 lần trồng sắn, tuy nhiên, sau 5 năm, 1 ha chè sẽ cho thu nhập đều đặn hơn 100 triệu đồng/năm, cao gấp 10 lần so với trồng sắn.

Cây chè cũng đang là sự lựa chọn số một trong quá trình chuyển diện tích rừng nguyên liệu sang các loại cây công nghiệp ở các xã: Kỳ Lâm, Kỳ Hợp, Kỳ Sơn… Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết, Nhà máy Chè Kỳ Thượng dù chưa chính thức xây dựng nhưng đã tổ chức điểm thu mua sản phẩm cho người dân với giá khá cao: 7,2 ngàn đồng/kg. Nhận thấy giá trị kinh tế và khả năng chống chịu bão gió của cây chè, nhiều hộ dân đang từng bước chuyển hướng. Kỳ Sơn xác định, cố gắng tranh thủ nguồn hỗ trợ của huyện, phấn đấu mỗi năm chuyển 30 ha đất rừng nguyên liệu sang trồng chè.

Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả

Trong chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Kỳ Anh xác định cây ăn quả có múi là sản phẩm được ưu tiên. Với mức hỗ trợ 20 ngàn đồng/cây giống cho hộ trồng có diện tích 1 ha trở lên, hàng trăm hộ dân vùng thượng đang được tiếp sức để chuyển một phần diện tích trống sau khi thu hoạch keo lá tràm sang trồng cây ăn quả.

Ông Nguyễn Văn Đức (thôn Minh Tân, xã Kỳ Hợp) vừa trồng mới 1,5 ha cây ăn quả, chia sẻ: “Trong số gần 8 ha keo lá tràm vừa bị gãy đổ do bão, gia đình tôi giải phóng sớm mặt bằng ở những diện tích đất bằng phẳng, dưới chân đồi để trồng cây ăn quả. Chúng tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua 500 cây giống trong đợt này. Đặc biệt là quá trình tiếp cận cây trồng mới, cán bộ nông nghiệp xã thường đến hướng dẫn về kỹ thuật, giúp tôi thêm tự tin để chuyển đổi hướng sản xuất mới”.

khoi phuc san xuat vung thuong ky anh

Anh Nguyễn Văn Đức (xã Kỳ Hợp) chuyển 1,5 ha đất trồng keo sang trồng cây ăn quả.

Trong ảnh: Cán bộ khuyến nông xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh xuống kiểm tra thực tế mô hình của anh Nguyễn Văn Đức (người ngoài cùng, bên phải)

Cam chanh, cam V2, bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch và quýt ngọt Kỳ Anh là những giống cây ăn quả chủ yếu mà người dân vùng thượng lựa chọn để thay thế những diện tích trồng rừng nguyên liệu. Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Thượng Nguyễn Xuân Mến cho biết: “Xã đặt mục tiêu mỗi năm chuyển đổi diện tích trồng keo sang trồng cây ăn quả từ 8-10 ha. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 7 ha cây ăn quả được trồng mới sau bão, dự kiến đến cuối năm sẽ phát triển được tổng số 11 ha. Trong đó, riêng giống quýt xốp Kỳ Thượng đang có dự án bảo tồn gen, dự kiến sẽ được nhân rộng trong thời gian tới”.

Việc còn dư quỹ đất sản xuất chưa kịp bù đắp các loại cây trồng sau bão cũng là điều kiện để huyện Kỳ Anh tăng diện tích trồng sắn nguyên liệu gấp đôi năm ngoái với hơn 2.000 ha.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, về lâu dài, một số loại cây dược liệu sản xuất theo hướng liên kết khép kín với doanh nghiệp (xoan đâu Ấn Độ, cà gai leo, sâm cau, mạch môn, hà thủ ô…) tiếp tục được trồng thử nghiệm để đánh giá và nhân rộng.

“Việc chuyển đổi cây trồng ở vùng thượng sẽ được làm từng bước, thận trọng theo hướng lựa chọn những sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, có liên kết đầu ra bền vững với doanh nghiệp, đạt giá trị kinh tế cao hơn và thân thiện, bảo vệ môi trường” - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast