Giấy tờ giả, người "giả" tìm cách "lách" cửa công chứng!

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, một số văn phòng công chứng trên địa bàn Hà Tĩnh, nhất là văn phòng công chứng tư nhân không khỏi đau đầu trước tình trạng hồ sơ giả, người "giả" liên tục xuất hiện.

Giấy tờ giả, người “giả” tìm cách “lách” cửa công chứng!

Ngoài việc kiểm tra, đối chiếu với khách hàng thông qua chứng minh thư, công chứng viên sẽ tiếp tục xác minh bằng việc lấy dấu vân tay để thực hiện dịch vụ pháp lý

Thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh

Theo anh Phạm Văn Giang - người có thâm niên nhiều năm trong nghề công chứng tại Văn phòng công chứng Thành Sen (TP. Hà Tĩnh), có 2 dạng giả mạo phổ biến là "người thật - giấy tờ giả" và "người giả - giấy tờ thật".

"Văn phòng đã gặp không ít trường hợp muốn vay vốn phát triển sản xuất nhưng do chồng đi nước ngoài nên người vợ đưa giấy xác nhận quyền sử dụng đất kèm chứng minh thư của chồng song thay bằng ảnh của người khác đến công chứng. Nếu qua cửa công chứng trót lọt, họ sẽ tiếp tục đưa số hồ sơ này đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và cuối cùng là ra ngân hàng để làm thủ tục giải ngân. May mắn, các trường hợp này đã bị phát hiện nên không để xảy ra hậu quả đáng tiếc", vị công chứng viên cho hay.

Một số đối tượng còn sử dụng người “đóng thế” khi đến văn phòng công chứng, điển hình là đóng giả các cặp vợ chồng. Thường là một bên vợ hoặc chồng muốn bán tài sản mà bên kia không đồng ý, người còn lại đã bí mật nhờ người khác đóng thế đi ký tên mua bán. Hay trong phân chia di sản thừa kế, nhờ người đóng thế anh chị em ruột nhằm trục lợi.

Theo nhân viên của một văn phòng công chứng trên địa bàn TP. Hà Tĩnh, tại các văn phòng công chứng vẫn xảy ra trường hợp "người giả" đối với các hợp đồng mua bán xe, tặng cho đất hay vay vốn sản xuất. Trừ khi giữa ảnh chứng minh thư và người thật không có sự khác biệt, còn lại, nếu cảm thấy nghi ngờ, công chứng viên thường lấy dấu vân tay của khách hàng. Nếu ảnh và dấu vân tay không khớp, có thể khẳng định chắc chắn người đến văn phòng là giả thì công chứng viên có quyền từ chối thực hiện dịch vụ pháp lý.

Giấy tờ giả, người “giả” tìm cách “lách” cửa công chứng!

Từ đầu năm đến nay, Văn phòng công chứng Thành Sen tiếp nhận 6.500 hồ sơ, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 lượt khách đến giao dịch. Trong số đó đã phát hiện không ít trường hợp "hồ sơ giả - người thật" và "người giả - hồ sơ thật".

Bên cạnh "người giả", các loại giấy tờ được làm giả cũng rất đa dạng: Từ bằng tốt nghiệp cấp 3, tốt nghiệp đại học, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tình trạng độc thân, thậm chí những loại giấy tờ gắn liền với tài sản có giá trị lớn như giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất; hợp đồng mua bán căn hộ, đăng ký ô tô, xe máy...

Hành vi giả mạo giấy tờ, mạo danh người đi công chứng đã tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính.

Ngoài thiệt hại về vật chất, các hành vi giả mạo còn ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống công chứng. Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng này xảy ra nhiều tại các văn phòng công chứng tư nhân và thường rơi vào địa bàn Lộc Hà - nơi có tỷ lệ đi xuất khẩu lao động cao. Bên cạnh đó, xuất phát từ suy nghĩ sai lầm của khách hàng về việc kiểm tra, xác minh tại các văn phòng tư nhân có phần "ẩu" nên không ít người đã "nhắm mắt làm liều".

Bất cập trong công tác xử lý

Với việc sử dụng công nghệ cao trong in ấn hiện nay, văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ đều được làm giả một cách rất tinh vi. Có những trường hợp giấy tờ giả được làm bằng phôi thật, chữ ký và con dấu giả nhưng thông tin trong giấy tờ hoàn toàn trùng hợp với thông tin giao dịch trước đó. Và việc phát hiện được các phôi là giả hay thật, hoàn toàn tùy thuộc vào kinh nghiệm của công chứng viên.

Giấy tờ giả, người “giả” tìm cách “lách” cửa công chứng!

Hiện nay, các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ được làm giả hết sức tinh vi. Và việc phát hiện được các giấy tờ là giả hay thật tại các văn phòng công chứng gần như tùy thuộc vào kinh nghiệm của công chứng viên.

Các tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền tạm giữ người sử dụng giấy tờ giả hoặc người giả mạo. Khi phát hiện vi phạm, công chứng viên chỉ có thể trình báo với Thanh tra Sở Tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý song lúc này khách hàng đã ra về. Do đó, các văn phòng công chứng chỉ có thể trao đổi, thông tin cho nhau về trường hợp giả mạo tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.

Để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân và các tổ chức, công chứng viên cần nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng khi ký vào văn bản công chứng. Ngoài việc kiểm tra các giấy tờ tùy thân, hồ sơ, quan sát thái độ của đương sự… cần áp dụng chặt chẽ một số biện pháp nghiệp vụ như: sử dụng máy soi, kính lúp để quan sát kỹ giấy tờ, kiểm tra, xác minh đối chiếu thông tin, kịp thời phát hiện việc giả mạo khi tiếp nhận hồ sơ.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phối hợp chuyên môn giữa tổ chức hành nghề công chứng với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý các hợp đồng, văn bản; phối hợp với cơ quan công an trong trình báo, tố giác, cung cấp tài liệu, tạm giữ giấy tờ của người vi phạm…

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast