Thủ tướng: Xác định rõ doanh nghiệp cần thoái vốn, xóa bỏ rào cản trong cổ phần hóa

(Baohatinh.vn) - Chiều 6/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

thu tuong xac dinh ro doanh nghiep can thoai von xoa bo rao can trong co phan hoa

Thủ tướng chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 2 nội dung cần thảo luận là vì sao thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa còn thấp; giải pháp nào để thoái vốn và cổ phần hóa tốt nhất trong thời gian tới?.

Thủ tướng yêu cầu xác định rõ doanh nghiệp nào Nhà nước cần thoái vốn và doanh nghiệp nào không cần nắm cổ phần chi phối. Cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành có còn phù hợp. Những vấn đề mới đặt ra trong quá trình cổ phần hóa DNNN có quy mô lớn (chọn nhà đầu tư chiến lược, chọn nhà tư vấn, thoái vốn theo lô, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa ...). Xử lý vấn đề đất đai trong quá trình cổ phần hóa. Việc sắp xếp lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp. Vấn đề tổ chức Đảng trong doanh nghiệp cổ phần hóa…

thu tuong xac dinh ro doanh nghiep can thoai von xoa bo rao can trong co phan hoa

Điểm cầu Hà Tĩnh

Thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp (về số lượng doanh nghiệp đạt 96% kế hoạch; doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% kế hoạch của cả 5 năm. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ, gắn kết người lao động, ổn định và phát triển trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới.

Đến nay, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Năm 2001, cả nước có khoảng 6.000 DNNN, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến hết tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác sắp xếp, đổi mới DNNN được Chính phủ xác định: doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư…

Tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Riêng Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các giải pháp như tiếp tục tuyên truyền các chính sách về tái cơ cấu DNNN; các DNNN đã cổ phần hóa xây dựng phương án hoạt động, tiếp cận tín dụng ngân hàng để vay vốn đầu tư và liên kết sản xuất, nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2017.

thu tuong xac dinh ro doanh nghiep can thoai von xoa bo rao can trong co phan hoa

Thủ tướng nhấn mạnh 3 yêu cầu để DNNN hoạt động hiệu quả. Theo đó, cổ phần hóa trước hết nhằm tạo môi trường minh bạch, có sự giám sát chặt sẽ, có tính cạnh tranh cao cả đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy hoạt động; thứ 2, khi tiến hành cổ phần hóa, quy mô khu vực kinh tế nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả phải cao hơn, vốn nhà nước phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn; thứ ba, tái cơ cấu DNNN để giải phóng nguồn lực phục vụ tăng trưởng cao hơn.

Theo đó, lĩnh vực nào cần có vai trò của nhà nước (năng lượng, ngân hàng,...) thì tính toán lại để quản lý cho hiệu quả, còn lại thì rút vốn ra nhằm tạo điều kiện để tư nhân hoạt động.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện các nhóm nhiệm vụ cơ bản như xác định rõ lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực còn lại thì rút vốn theo tỉ lệ phù hợp; xác định danh mục doanh nghiệp với tỷ lệ giữ vốn cụ thể (doanh nghiệp nào giữ 100%, doanh nghiệp nào rút vốn, tỉ lệ rút vốn); lành mạnh hóa hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình cổ phần hóa.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện cổ phần hóa với phương châm bộ nào, địa phương nào, doanh nghiệp nào làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý, không làm thì phải thay đổi…

Tại Hà Tĩnh, giai đoạn 2012 - 2016 đã thực hiện xong cổ phần hóa 4 đơn vị: Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh, Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh, Công ty CP Môi trường đô thị Hồng Lĩnh. Riêng công ty TNHH MTV Đăng kiểm phương tiện GTVT Hà Tĩnh hiện đang xây dựng phương án bán cổ phần hóa theo quy định, dự kiến hoàn thành trong Qúy I/2017.

Việc thoái vốn nhà nước tại Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thống Hà Tĩnh đã thuê tư vấn đánh giá và thực hiện bán phần vốn nhưng chưa thành công. Công ty CP Nước khoáng và du lịch Sơn Kim đang làm thủ tục bàn giao về cho SCIC tiếp nhận để thoái vốn theo quy định.

Thực hiện việc tái cơ cấu lại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, Chúc A theo đề án đã được phê duyệt…

Tính đến thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh đã cổ phần hóa được 48 DNNN, còn 5 DN nắm giữ 100% vốn nhà nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast