Vương vấn Trà Sơn

(Baohatinh.vn) - Trên tuyến đường thiên lý Bắc - Nam đi qua vùng đất Kẻ Treo dưới chân Ngàn Hống, nhìn về phía Tây, hẳn mọi người sẽ phải trầm trồ không chớp mắt. Bởi ở đó, có dãy Trà Sơn kéo dài, núi mây chập chờn, vương vấn. Trà Sơn gắn với những sự kiện lịch sử oai hùng và mang trong mình nhiều dáng dấp rất riêng.

Khu du lịch sinh thái Khe Thờ - Trại Tiểu, điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Khu du lịch sinh thái Khe Thờ - Trại Tiểu, điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.

Nếu như danh thắng Đèo Ngang nổi tiếng bởi non xanh, nước biếc, hoa lá, cỏ cây chen chúc, thì dãy Trà Sơn lại được biết đến bởi thế núi trập trùng, các ngọn núi tựa như đang cài bện, ôm riết nhau. Theo nhiều tài liệu, sử sách ghi lại thì dãy Trà Sơn thuộc đới Hoành Sơn.

Do kiến tạo tự nhiên, nham thạch phong hóa và bào mòn diễn ra đồng đều nên núi không cao lắm. Đứng trên cao nhìn xuống, các ngọn núi thấp đều đều, gần giống nhau, tựa như bát úp. Các mạch giữa một số ngọn cao hơn nhưng không ngọn nào vượt quá 500m. Tên của những ngọn núi hình thành nên dãy Trà Sơn có từ bao giờ không ai rõ, nhưng có lẽ vì núi thấp trà trà nên người dân bản địa gọi chung là dãy Trà Sơn. Sách địa chí xưa giới hạn Trà Sơn trong phạm vi từ Tùng Lĩnh phía Bắc đến ngọn núi Trác Bút phía Nam. Các nhà địa lý học hiện đại lại căn cứ vào đặc tính kiến tạo của nó, xác nhận Trà Sơn là một dãy núi trong đới Hoành Sơn.

Dãy Trà Sơn khởi đầu từ ngọn Tùng Lĩnh, đi theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, kéo dài trên địa phận 5 huyện: từ Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà đến Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và nối với Đèo Ngang. Theo hướng ấy, Trà Sơn bắt đầu từ đồi núi thấp, càng đi vào núi cao dần, chạy thành nhiều mạch song song. Đến vùng Truông Bát, dãy núi hạ thấp và qua đoạn ấy, núi lại cao dần. Nếu như ở Đức Thọ, ngọn Bò Đực chỉ cao khoảng 200m thì núi Bạc ở Cẩm Xuyên, núi Mộc Lèn ở Kỳ Anh cao đến gần 500m.

Trong dãy Trà Sơn có rất nhiều danh lam thắng cảnh được sử sách ghi chép, lưu truyền. Tiêu biểu phải kể đến núi Tàng, núi Vua, núi Am. Bởi ở đây, có những câu chuyện về sự tích Hoàng hậu Bạch Ngọc rồi 2 cha con Trạng nguyên họ Sử đến khai hoang, mở đất lập nên làng Huệ Ốc, Phụng Công xưa.

Liền đới với núi Giăng Màn và Đèo Ngang, Trà Sơn có hầu như tất cả những tiềm năng mà các đới núi ấy có về lâm sản, khoáng sản, các loại sinh vật. Có khá nhiều câu chuyện ly kỳ về các loài động, thực vật ở Trà Sơn. Truyền rằng, khoảng năm Cảnh Thống thời Lê Hiển Tôn (1418-1504), ở tổng Lai Thạch, huyện La Sơn có bầy voi trắng từ Trà Sơn xuất hiện, đồng điền nương rẫy, cây cối, hoa màu bị voi tàn phá khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. Trấn quan Nghệ An phái quân lính nhiều lần đuổi bắt không có kết quả. Việc tâu báo đến triều đình. Vua đặc sai một vị võ quan cao cấp chức chỉ huy sứ, tổng quản đội quân võ lâm ở kinh thành Thăng Long, tước Lưu quận công tên là Nguyễn Lưu quê Cương Gián, huyện Nghi Xuân về để dẹp “loạn voi”. Nhờ biết cách đuổi bắt, lại có lực lượng quân lính khá mạnh, không bao lâu, ông đã săn đuổi, dẹp yên bầy voi và được nhà vua đặc ân ban thưởng.

Một sự kiện khác được ghi chép khá nhiều trong chính sử, đó là khi lập căn cứ ở động Tiên Hoa - Đại Hàm, Lê Lợi đã khoanh Trà Sơn thành vùng trọng yếu vừa xây dựng hậu cần, vừa tinh tuyển quân lực để triển khai lực lượng phản công đánh lại quân Minh, giải phóng đất nước. Đến thời Cần vương chống Pháp, toàn bộ rừng núi Trà Sơn trở thành căn cứ tin cậy. Từ đại đồn Trung Lễ, Đông Thái, nghĩa quân đã chuyển lên Thượng Bồng rồi hói Trùng, hói Trí xây dựng Vũ Quang thành đại bản doanh. Các đồn Lai Thạch ở Can Lộc, Trại Chiện ở Thạch Hà, Vọng Liễu ở Kỳ Anh… trở thành một hệ thống cứ điểm của các quân thứ, gắn lực lượng ở sơn trại “thượng ngàn” với các vùng đồng bằng ven biển, duy trì lực lượng chống Pháp kéo dài trong nhiều năm liền. Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Trà Sơn được ví như là hành lang xung yếu. Bởi ở đây là vùng an toàn khu, tiếp nhận, sắp xếp, bảo vệ các cơ quan, cơ xưởng của Trung bộ, của liên khu và các tỉnh.

Trà Sơn, núi non trùng điệp, cây cối xanh tươi và cũng là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên khoáng sản vô giá. Điển hình là vùng núi Đá Đen, Châu Sơn nằm trong địa phận xã Đức Lập, Tân Hương có quặng sắt. Thời Pháp thuộc đã được thăm dò, xác định trữ lượng. Với những tiềm năng về đất đai, điều kiện khí hậu thuận lợi, từ lâu, dọc hai mái núi Đông và Tây Trà Sơn, dân cư gần như tiếp nối. Người ta đã tạo ra nhiều con đường mòn xuyên ngang núi để giao lưu qua lại như Khe Lang, trại Cốc, Truông Bát, Truông Xai… Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới hôm nay, ven dãy Trà Sơn, người dân đã khai hoang, mở đất trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu và phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại.

Những mô hình kinh tế mới vừa thể hiện được ý chí, tinh thần vượt khó làm giàu của người dân, đồng thời khẳng định chủ trương, định hướng chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta. Trên rừng, cây cối xanh tươi lại có nhiều khe suối, hồ nước sau bao năm tích thủy đã tạo thuận lợi cho cư dân ven dãy Trà Sơn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Đồng ruộng màu mỡ, tốt tươi, cuộc sống nhân dân ngày càng no ấm, đủ đầy. Bàn tay, khối óc con người đã đánh thức dãy Trà Sơn, biến vùng đồi núi nơi đây thành tiềm lực to lớn trong phát triển KT-XH.

Trà Sơn, núi non liền một dải. Những lúc trời quang, mây tạnh, cả triền núi nhuốm màu xanh ngắt. Còn khi tiết trời chuyển mùa, từ cuối thu sang đông thì các khối núi mờ mờ, ảo ảo, đẹp đến nao lòng. Bao đời nay, Trà Sơn gắn bó mật thiết với cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân và dãy núi ấy như điểm tô cho bức tranh trên quê hương sông La, Ngàn Hống thêm phần tươi đẹp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast