Cần phân công cán bộ cấp xã theo dõi về an toàn thực phẩm

(Baohatinh.vn) - Tham gia thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, Đại biểu Lê Anh Tuấn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, mới mẻ.

can phan cong can bo cap xa theo doi ve an toan thuc pham

Đại biểu Lê Anh Tuấn phát biểu

Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, đại biểu cho rằng, thời gian qua, an toàn thực phẩm là vấn đề nóng luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội đã cho thấy được tổng quan về vấn đề này những kết quả chủ yếu đạt được, những hạn chế yếu kém, nguyên nhân cả khách quan, chủ quan và những giải pháp cả trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Kết quả giám sát đã rút ra những kinh nghiệm quý trong lĩnh vực này.

Từ kết quả giám sát và qua nghiên cứu dự thảo nghị quyết và từ thực tiễn của bản thân, đại biểu nhấn mạnh 4 vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, đại biểu nhất trí tán thành với nhận định hệ thống văn bản ban hành về an toàn thực phẩm chưa được hệ thống hóa, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tế, chưa rõ ràng, thiếu cụ thể về phân công chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành và địa phương.

Hơn nữa, theo đại biểu thì hiện nay vẫn chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng cho từng loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm không thông qua chuỗi sơ chế, chế biến. Bên cạnh đó chưa có các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm cho các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Vì vậy, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thời gian tới cần quan tâm hướng tới việc xây dựng ban hành các tiêu chuẩn quy chuẩn này. Các quy định pháp luật về kiểm tra, giám sát đặc biệt tại khâu cuối trước khi cung cấp cho người tiêu dùng.

Về phương diện quản lý nhà nước, đồng tình với các ý kiến phát biểu trước đó và đặt câu hỏi: "Nên chăng chúng ta cần xem lại tính hiệu quả của việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống? Bởi vì, bảo đảm an toàn thực phẩm là công việc đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên liên tục, từ cả phía cơ sở kinh doanh dịch vụ và cả phía cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế hiện nay, tấm giấy chứng nhận được cấp một lần này, không thể là cơ sở để khẳng định chắc chắn việc các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có đủ điều kiện an toàn khi cung cấp thực phẩm đến tay người tiêu dùng trong suốt quá trình kinh doanh".

Thứ hai, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo sự đồng bộ trong xử lý các trường hợp, sử dụng các chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Hiện nay, việc thực hiện các chế tài phổ biến là xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, điều mà dư luận và người tiêu dùng quan tâm là xử lý các thực phẩm trên như thế nào, các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu cần khẳng định là có tiến hành tiêu hủy hay không? Nếu tiêu hủy, kinh phí cho việc tiêu hủy thế nào?. Nếu không xác định được, hoặc không truy bắt được chủ hàng, trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong việc tổ chức tiêu hủy ở trường hợp này thì như thế nào?

Thứ ba, tại Điều 2, Khoản 4 của dự thảo nghị quyết có đề nghị ở các tỉnh thành phố lớn nghiên cứu để tiến tới thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp tỉnh, tuy nhiên cần cân nhắc xem xét lại vấn đề xuất này. Đại biểu tán thành với ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi đã phát biểu vào sáng 5/6, vấn đề ở đây không phải là cũ hay mới mà vấn đề là đã đủ độ chín để chúng ta đưa nội dung này vào dự thảo nghị quyết Quốc hội hay chưa?

Trong trường hợp các văn bản pháp luật đã được hoàn thiện có phân công và xác định rõ trách nhiệm cho các đơn vị, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và UBND cấp tỉnh mở rộng việc thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm cấp tỉnh là chưa thực sự cần thiết. Theo quan điểm của tôi, giải pháp hiện nay trong thời gian tới nhằm đảm bảo đi sâu, đi sát thực tế và có phương án xử lý nhanh chóng phù hợp với từng địa phương thì cần tăng cường mạnh mẽ thanh tra chuyên trách về an toàn thực phẩm ở cấp huyện. Cùng với đó là phân công cán bộ cấp xã theo dõi về an toàn thực phẩm.

Thứ tư, đề nghị cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng, khả thi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi khép kín, áp dụng chương trình thực hành sản xuất nông nghiệp thông minh, xanh, sạch gắn với hệ thống kiểm soát chất lượng tiên tiến trong sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường tính hiệu quả trong liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp cho phù hợp với các điều kiện cam kết của Việt Nam trong WTO, trong ASEAN và các hiệp định thương mại tự do; tránh việc bảo hộ đối với nông nghiệp trên mức mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.

Đặc biệt, liên quan đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa giống cây trồng, giống vật nuôi, kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật theo Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật SPS, hiệp định về nông nghiệp trong WTO...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast