Kinh tế hợp tác: Số lượng “chênh” chất lượng!

Là loại hình tổ chức kinh tế phát huy tác dụng khá tốt trong hàng chục năm về trước và vẫn cần thiết khi nền nông nghiệp Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, thế nhưng các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp giờ dường như chỉ còn “tốt nước sơn” chứ không “tốt gỗ” bởi số lượng tăng nhanh nhưng hiệu quả hoạt động lại rất mờ nhạt.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Trần Bách Quyền (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Trần Bách Quyền (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

90% HTX hoạt động không hiệu quả

Hiện có 10.339 HTX nông nghiệp trên toàn quốc với khoảng 6,7 triệu xã viên. Bình quân mỗi HTX nông nghiệp có 660 xã viên. Tỷ lệ hộ nông dân tham gia HTX nông nghiệp khoảng 45%.

Tại hội nghị đánh giá tình hình đổi mới các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo để phát triển các HTX nông nghiệp nên hàng năm đã có trên 200 HTX mới được hình thành và một số HTX đã được chuyển đổi theo Luật. Trong hai năm 2013, 2014 có gần 400 HTX và trên 1.000 tổ hợp tác được xây dựng mới; có khoảng 20% HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật hoạt động có hiệu quả. Doanh thu bình quân một HTX mới cao hơn nhiều so với mức bình quân chung hiện nay gần 1 tỷ đồng/HTX, từ đó tích lũy của HTX, thu nhập của xã viên được nâng lên.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá: Bên cạnh việc gia tăng số lượng và có những thành công bước đầu trong chuyển đổi HTX, điều đáng bàn là số HTX hoạt động hiệu quả hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 10%, ít có tác dụng thu hút xã viên tham gia. Nội dung hoạt động của HTX đa phần còn hạn hẹp, mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh trong cung cấp các dịch vụ rất hạn chế. Ngoài ra, số lượng HTX chuyên ngành, đặc biệt là các HTX chuyên ngành ứng dụng sản xuất công nghệ cao, hoạt động có hiệu quả thực hiện liên kết rất ít. Cùng với đó, việc chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012 cũng còn nhiều khó khăn do công nợ nhiều, tài sản vốn quỹ ít, trên 20% HTX đã dừng hoạt động nhưng chưa chuyển đổi hoặc giải thể được.

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, năm 2011 tổng nguồn vốn bình quân một HTX nông nghiệp đạt 892 triệu đồng, cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của HTX nghèo nàn. Đa số cán bộ quản lý HTX chưa qua tập huấn nghiệp vụ chuyên môn trước khi đảm nhiệm các vị trí quản lý HTX.

Mặc dù Nhà nước có chủ trương khuyến khích các HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản nhưng thực tế, đến nay khối các HTX trong nông nghiệp vẫn chưa phát huy nhiều về vai trò là cầu nối nông dân với DN, sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Hơn 90% số HTX nông nghiệp hiện nay chưa tham gia vào các hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản. Một số mặt hàng tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3% - 15%.

Lời giải từ cuộc sống

Về nguyên nhân khiến các HTX còn yếu kém “tứ bề”, ông Ma Quang Trung cho rằng đó là do nhận thức về phát triển HTX mới chỉ chuyển biến mạnh ở các cơ quan Trung ương còn ở các địa phương thì việc chuyển biến còn chậm (thậm chí có những địa phương chưa có sự chuyển biến). Ngoài ra, công tác tổng kết và xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, địa bàn hoặc lĩnh vực chưa quan tâm đầy đủ đến; việc nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả còn hạn chế.

“Một trong những nguyên nhân không thể bỏ qua là các cơ chế chính sách chưa được ban hành đồng bộ như Nghị định về HTX, chính sách khuyến khích liên kết sản xuất trong chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Thông tư hướng dẫn Nghị định 193 của Chính phủ về thực hiện Luật HTX, hướng dẫn việc giải quyết các vấn đề về công nợ, tài sản để thực hiện giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả đã dừng hoạt động từ lâu… chưa được ban hành nên trong quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn”, ông Ma Quang Trung nói.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát: Kể cả có tổ chức chuyển đổi các HTX theo đúng Luật HTX 2012 cũng không giải quyết được vấn đề. Điều quan trọng là phải tổ chức, vận hành các HTX phù hợp cho mỗi lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, HTX trồng trọt không thể giống HTX chăn nuôi và cũng không thể giống HTX vận hành công trình thủy lợi. Khi khác nhau về tổ chức và cơ chế vận hành thì chính sách hỗ trợ cũng phải khác biệt mới khiến HTX hoạt động hiệu quả.

“Thành lập HTX cần bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn, bởi nếu áp đặt sẽ dễ dẫn đến tan vỡ. Chủ trương của Bộ là không đi tìm lời giải từ sách vở, luật pháp mà từ những mô hình HTX có hiệu quả trong thực tế cuộc sống. Từ đó, đưa ra biện pháp phù hợp để phát huy các thế mạnh của các HTX, đồng thời hạn chế những nhược điểm. Khi phát hiện những mô hình HTX có triển vọng, Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời để có thể nhân rộng ra nhiều địa phương”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Để hoàn thiện hơn cơ chế phát triển các HTX, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chủ trì, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ Nghị định Quy định về HTX nông nghiệp. Theo dự thảo Nghị định, Nhà nước sẽ khuyến khích HTX nông nghiệp tham gia Hợp đồng đối tác công-tư theo phương thức chìa khóa trao tay (Nhà nước đầu tư xây dựng, giao HTX quản lý vận hành khai thác); khuyến khích DN trong các ngành hàng tham gia đào tạo nông dân và xây dựng các HTX. Đồng thời, Nhà nước cũng hỗ trợ DN chuyển giao khoac học kỹ thuật cho HTX và thành viên HTX nông nghiệp các khoản gồm: cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn và hướng dẫn; hỗ trợ một phần kinh phí cho thí điểm, trình diễn.

Ông Nguyễn Huy Điền- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): HTX thủy sản còn yếu đầu ra

Hiện nay, số HTX, Tổ hợp tác (THT) làm ăn có hiệu quả chiếm tỷ lệ nhỏ, tốc độ tăng trưởng thấp, không có tích lũy, khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, các HTX, THT chủ yếu lo khâu sản xuất (đầu vào), còn khâu tiêu thụ (đầu ra) còn hạn chế do một số xã viên sau thu hoạch còn buôn bán riêng lẻ không thông qua HTX, THT; chưa có sự gắn kết giữa HTX, THT với xã viên, HTX, THT với doanh nghiệp nên vân còn tình trạng phá vỡ hợp đồng.

Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản định hướng sẽ khuyến khích các HTX phát triển các dịch vụ phục vụ đa dạng trong lĩnh vực thủy sản như: cung ứng vật tư đầu vào sản xuất, giống thủy sản, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; tổ chức các mô hình tổ đội, HTX khai thác hải sản xa bờ gắn liền với công tác dịch vụ hậu cần nghề cá và gắn với từng ngư trường phù hợp với loại nghề khai thác của các mô hình liên kết sản xuất…

Ông Nguyễn Văn Tình- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT): HTX sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu tự chủ về tài chính

Các loại hình Tổ chức hợp tác dùng nước hiện rất đa dạng, bao gồm 3 loại hình chính là HTX, Tổ hợp tác và Ban quản lý thủy nông. Các mô hình Tổ chức hợp tác dùng nước ở Miền Trung, Đồng bằng sông Hồng hoạt động hiệu quả hơn so với các vùng, miền còn lại. Kết quả đánh giá từ 72 mô hình tiêu biểu được lựa chọn đã chỉ ra rằng, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng loại hình HTX Nông nghiệp làm dịch vụ thủy lợi có ưu điểm hơn so với hai loại hình còn lại. Quy mô phục vụ, mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, chất lượng đội ngũ nhân sự cũng như cơ sở hạ tầng, nguồn lực là các nhân tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của các Tổ chức Hợp tác dùng nước.

Có thể khẳng định rằng, Tổ chức Hợp tác dùng nước, nhất là hình thức HTX chỉ hoạt động hiệu quả, bền vững khi có các cơ chế chính sách liên quan phù hợp (đầu tư, tài chính, giao quyền tự chủ, đào tạo...), đảm bảo cho mô hình được thành lập có đủ tư cách pháp nhân, tự chủ được về tài chính, có sự tham gia của người dân và của cộng đồng…

Theo Báo Hải quan

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast