Đìu hiu Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Tháng 12 thường là thời điểm hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu sôi động nhất. Thế nhưng, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vẫn đìu hiu, vắng lặng...

Chúng tôi lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vào những ngày cuối năm. Thị trấn Tây Sơn - Trung tâm Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo khá sầm uất với không khí giao thương sôi động. Thế nhưng, từ Trung tâm KKT lên đến cửa khẩu, chúng tôi thật sự bất ngờ vì suốt chiều dài trên 30 km chỉ gặp 3 chiếc ô tô lưu thông trên đường. Bãi đậu xe làm thủ tục tại cửa khẩu cũng chỉ có dăm chiếc xe tải im lìm. Mấy bác tài xế thay vì hối hả làm thủ tục lại tụ tập nhau ngồi lai rai ở một quán nhậu gần đó. Giải thích cho sự nhàn nhã này, một tài xế nói: “Chúng tôi có phải chở hàng hóa thương mại đâu, toàn là xe chở thiết bị xây dựng nhà máy thôi. Vội làm gì”.

Cán bộ hải quan tại cổng B thảnh thơi vì rất ít người đến làm thủ tục
Cán bộ hải quan tại cổng B thảnh thơi vì rất ít người đến làm thủ tục

Ít người, phương tiện đến làm thủ tục xuất nhập khẩu, mấy cán bộ hải quan trực tại sào cũng thảnh thơi ngồi tán gẫu. Các phòng làm thủ tục cũng nhàn tản vì... không phải làm việc. Sự đìu hiu xe cộ này cũng tỷ lệ thuận với nguồn thu thuế qua cửa khẩu những ngày cuối năm. Có lẽ chưa bao giờ hải quan Cầu Treo lại có số thu thuế đạt thấp như những tháng gần đây.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cầu Treo Võ Quang Chí trầm ngâm cho biết: “Chưa bao giờ cửa khẩu vắng đến thế này. Như những năm trước, những tháng cuối năm, Chi cục thu được mỗi tháng 3 - 4 tỷ đồng nhưng năm nay, từ tháng 9 đến giờ, mỗi tháng chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng. Năm 2009 tổng thu đạt 56 tỷ đồng nhưng năm nay chỉ đạt 55 tỷ đồng, trong đó may mà có một lô hàng ô tô thu được 9 tỷ đồng và “đòi” được 4 tỷ đồng tiền nợ của năm 2008 (hiện ô tô chỉ được nhập khẩu qua một số cửa khẩu biển – P.V)”.

Cứ như ông Chí nói, thì nếu không có một lô hàng ô tô “may mắn” đó và không có 4 tỷ tiền thu nợ của 2008 thì năm nay thu qua hải quan cửa khẩu Cầu Treo chỉ được trên 42 tỷ đồng, giảm 14 tỷ đồng so với năm 2009.

Giải thích về thực trạng này, ông Chí cho biết có rất nhiều lý do, nhưng trên hết là do mấy tháng gần đây, giá USD và vàng lên cao dẫn đến giá hàng hóa tăng cao (vì chủ yếu giao dịch bằng USD) nên các nhà buôn không thể nhập hàng; mặt hàng gỗ cũng rất ít vì phía Lào đã có chủ trương hạn chế khai thác. Bên cạnh đó, cửa khẩu Cầu Treo không có mặt hàng ổn định giống như hàng thạch cao qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) hay đồng qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị)... Các doanh nghiệp qua Cầu Treo chủ yếu buôn bán các hàng hóa thông thường nên thuận khi nào thì đi khi đó. Hàng gia súc, gia cầm thì từ ngày có lô hàng trâu bò nhập về qua cửa khẩu Cầu Treo được cho là nguyên nhân gây bệnh dịch LMLM cho bò của nhân dân trong vùng đến nay đã dừng hẳn.

Giai đoạn này, hàng xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Cầu Treo chủ yếu là máy móc, thiết bị
Giai đoạn này, hàng xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Cầu Treo chủ yếu là máy móc, thiết bị

Ngoài những lý do trên, thực tế hoạt động thương mại ở khu vực Cầu Treo cũng tồn tại nhiều vấn đề nên chưa thu hút, khuyến khích được hoạt động xuất nhập khẩu, mặc dù đường 8 là đường ra biển Đông ngắn nhất của các nước Lào, Myanmar và vùng Đông bắc Thái Lan...

Tại KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các doanh nghiệp cũng điêu đứng vì thủ tục xuất nhập khẩu. Ngày 19/10/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 162, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành khu phi thuế quan với rất nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Thế nhưng trên thực tế, sự thiếu thống nhất giữa các bên liên quan đã đẩy doanh nghiệp vào cảnh "sống dở chết dở" do những thủ tục phiền hà, chồng chéo.

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được kỳ vọng sẽ là vùng kinh tế động lực phía Tây của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, những gì đang hiện hữu quả thật rất đáng buồn. Cùng điều kiện, cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt tương tự, trong khi cửa khẩu Lao Bảo phát triển như vũ bão thì cửa khẩu Cầu Treo ngày một đìu hiu. Điều này khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, suy ngẫm và sớm tìm ra giải pháp chiến lược cho sự phát triển của KKT này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast