Khai thác khoáng sản phải gắn với đảm bảo môi trường, phát triển bền vững

Sáng nay (12/11), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo Quy hoạch điều chỉnh bổ sung phân vùng khu vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ: "Khai thác khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường, môi sinh và sự phát triển ổn định, bền vững của cộng đồng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ: "Khai thác khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường, môi sinh và sự phát triển ổn định, bền vững của cộng đồng

Theo số liệu thống kế, tính đến tháng 10/2013, trên địa bàn tỉnh có 208 giấy phép đã cấp phép thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), trong đó: đá xây dựng 132 điểm mỏ, sét gạch ngói 11 điểm mỏ, cát xây dựng 7 điểm mỏ và đất san lấp 58 điểm mỏ.

Thời gian qua, công tác cấp phép khai thác các điểm mỏ khoáng sản làm VLXDTT trên địa bàn cơ bản phù hợp Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXDTT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2008 - 2015 có xét đến 2020; các doanh nghiệp được cấp phép đều có đủ năng lực khai thác, chế biến, trong đó một số doanh nghiệp đã từng bước đầu tư trang thiết bị hiện đại, đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Dựa vào tốc độ phát triển kinh tế của địa phương, nhu cầu khoáng sản làm VLXDTT trên địa bàn và kiến nghị của các địa phương, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD trên địa bàn Hà Tĩnh đến năm 2020. Tuy nhiên, do nhu cầu khoáng sản VLXDTT tăng cao ở một số khu vực nên thời gian qua đã có 39 điểm mỏ cấp phép ngoài khu vực quy hoạch gồm: 15 điểm mỏ đá xây dựng, 7 mỏ sét gạch gói, 3 điểm mỏ cát xây dựng và 14 điểm mỏ ĐSL và một số mỏ khoáng sản đã quy hoạch không còn phù hợp.

Trên cơ sở nguyên tắc điều chỉnh, bổ sung đã quy hoạch các điểm mỏ làm VLXDTT trên địa bàn các huyện đến 2020 sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 64 điểm mỏ, điều chỉnh diện tích, tài nguyên 45 mỏ, giữ nguyên 1 mỏ và bổ sung 59 điểm mỏ. Tổng hợp quy hoạch điều chỉnh bổ sung đến 2020 là 105 điểm mỏ, gồm đá xây dựng: 29 mỏ, sét gạch ngói 16 mỏ, cát cuội sỏi là 25 điểm mỏ và đất san lấp là 35 mỏ.

Phát biểu tại buổi làm việc, đa số các ý kiến tham gia đều đồng tình với quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD trên địa bàn, đồng thời cho rằng việc quy hoạch điều chỉnh cần căn cứ vào nhu cầu thực tế của mỗi địa phương để xây dựng các điểm khai thác tập trung sử dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, công nghệ thiết bị hiện đại, nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên và tính hiệu quả của việc khai thác và chế biến khoáng sản làm VLXD trên địa bàn.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ yêu cầu Sở TN&MT, đơn vị tư vấn nghiên cứu đầy đủ các văn bản pháp luật của Luật Khoáng sản, các quy hoạch phát triển ngành của địa phương để điều chỉnh bổ sung tên gọi, căn cứ, nội dung quy hoạch, đồng thời cập nhật lại số liệu chính xác, bổ sung thêm kiến nghị của các địa phương, đơn vị liên quan nhằm đảm bảo tính hài hoà, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế liên quan như nông – lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ nhấn mạnh, khai thác khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường, môi sinh và sự phát triển ổn định, bền vững của cộng đồng; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản; tiết kiệm đất trong hoạt động khoáng sản. Do đó cần soát xét lại một số nội dung trong quy hoạch điều chỉnh theo hướng giảm những vùng nhỏ lẻ, hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ việc khai thác tại khu vực huyện Kỳ Anh, KKT Vũng Áng...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast