Không cho phép xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta

Dường như đã thành quy luật, cứ đến những ngày kỷ niệm lớn, các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng, như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám, Đại hội Đảng, các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, bầu cử Quốc hội…, các thế lực thù địch, những kẻ tự xưng là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam” hoặc là “người yêu nước”, lại đưa lên các trang mạng, blog... những nội dung mang quan điểm sai trái, độc hại.

Làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình"

khong cho phep xuyen tac cuoc dau tranh chong tham nhung cua dang va nha nuoc ta

Thủ đoạn chủ yếu của họ thường là dựa vào vài ba vụ việc, sự kiện cụ thể nào đó để xuyên tạc, bóp méo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, kích động người dân bất mãn với chế độ xã hội.

Thời gian gần đây, khi chúng ta đã và đang triển khai nhiều hoạt động đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, nhất là trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”... thì các phần tử cơ hội chính trị, các thế lực thù địch cho rằng đó chẳng qua chỉ là những cuộc “đấu đá” nội bộ, “nhóm lợi ích mới cướp (lại) nhóm lợi ích cũ” hoặc chỉ là để “trả thù, triệt hạ tay chân” của người này, người khác.

Có thể khẳng định, tất cả những luận điệu xuyên tạc, bóp méo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” trên các mạng xã hội trong và ngoài nước thời gian qua đều nhằm hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động tâm trạng bất mãn của người dân trước thực trạng xã hội còn có những vấn đề chưa được giải quyết, hòng chuyển hóa xã hội ta sang một hình thức “dân chủ, nhân quyền”, “đa nguyên, đa đảng”.

Có thể nói, khác với các đại hội trước, Đại hội Đảng lần thứ XII đã xem cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” là một trong những vấn đề quan trọng nhất của nhiệm kỳ mới. Đại hội đã có một báo cáo riêng về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", đồng thời Đại hội XII của Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện nghị quyết nói trên.

Đánh giá thực trạng xã hội, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII viết: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng. Đại hội Đảng lần thứ XII cho rằng “Bốn nguy cơ” mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) nêu lên, trong đó có tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” vẫn tồn tại, có mặt còn diễn biến phức tạp hơn trước với tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Đại hội XII chỉ ra rằng tham nhũng, lãng phí với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, “không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong dư luận, mà còn đe dọa sự tồn vong của chế độ”.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã chủ trương tiến hành kiểm tra, thanh tra nhiều lĩnh vực, những dự án có dấu hiệu mờ ám, vi phạm pháp luật, xem xét những cán bộ có dấu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm Điều lệ và các quy định của Đảng. Đặc biệt đưa ra xét xử một số vụ án lớn về kinh tế được dư luận hoan nghênh:

Tại TP Hồ Chí Minh (ngày 19-7-2016), Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử 36 bị cáo trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam do Phạm Công Danh chủ mưu. Ngày 9-9-2016, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Công Danh chịu mức án 30 năm tù, thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng của vụ án để bảo đảm khắc phục hậu quả, trong đó Nhà nước có thể truy thu hàng nghìn tỷ đồng.

Về phí giao thông, theo phản ảnh của người dân và phản ánh của báo chí, trên nhiều trục đường cao tốc thực hiện theo hình thức BOT, nhà đầu tư thu phí không hợp lý, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổng kết và đánh giá lại 5 năm thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông (tiến hành kiểm toán, quyết toán chặt chẽ các dự án BOT để xác định mức phí và thời hạn thu phí…); nhà đầu tư phải minh bạch về chi phí, thu phí trước công luận. Trước mắt, Chính phủ quyết định chưa tăng phí, đồng thời giảm giá phí trên một số tuyến đường... Những quyết định này đã được người dân và doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan chức năng đã kiểm tra một số dự án, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện Dự án Núi Pháo tại Thái Nguyên; Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện Dự án Mobifone (mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đang thua lỗ lớn... có dấu hiệu mờ ám làm thất thoát ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng)… Việc làm này của Chính phủ được dư luận đánh giá cao.

Về việc thực hiện công tác quản lý cán bộ, đảng viên, theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao, như vụ kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho thấy cuộc đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống gắn liền với “lợi ích nhóm” nhằm làm trong sạch Đảng đã được khởi động một cách quyết đoán. Trong đó, lần đầu tiên có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư.

Không phủ nhận rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... hiện nay đang diễn ra rất quyết liệt, khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tham nhũng, “lợi ích nhóm” đã hình thành từ lâu. Chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” đương nhiên là phải nhìn lại quá trình; phải xem xét những vụ việc diễn ra trong thời gian trước; phải kiểm tra, đưa ra ánh sáng, xem xét từ sự kiện, vụ việc… có dấu hiệu vi phạm các quy định hành chính, pháp lý đến chuyển sang các cơ quan tư pháp, xem xét về mặt hình sự… là điều tất nhiên.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống có nguồn gốc sâu xa, diễn ra từ nhiều nhiệm kỳ trước. Lẽ tất nhiên sự suy thoái về đạo đức, lối sống trước hết thuộc trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, sự suy thoái còn liên quan đến môi trường kinh tế thị trường, đến thể chế một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền... Vấn đề kiểm soát quyền lực như đồng chí Tổng Bí thư đã nói, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cơ chế kiểm soát quyền lực không chỉ tùy thuộc vào quyết định của Đảng mà còn tùy thuộc vào thể chế của Nhà nước, của Quốc hội, của Chính phủ. Đây là một nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành một cách thận trọng, bài bản... Với sự quyết tâm của Đảng, sự đồng tình của nhân dân, chúng ta có quyền tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm”... do Đảng ta khởi xướng. Chúng ta không cho phép bất cứ ai được xuyên tạc về những kết quả đã đạt được bằng quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh này.

Theo BẮC HÀ/QĐND

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast