Thăm nhà máy chế tạo trực thăng của Anh hùng lao động Nga

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng nhà máy đã xuất xưởng khoảng 8.500 máy bay và trực thăng các loại.

Thăm nhà máy chế tạo trực thăng của Anh hùng lao động Nga

Tác giả chụp chung với Anh hùng lao động Nga, Giám đốc điều hành Nhà máy Hàng không Ulan-Ude, ông Leonid Belykh. Ảnh: Trần Hiếu.

Tổng công ty “Trực thăng Nga” trực thuộc tập đoàn nhà nước Rostec có 3 nhà máy chế tạo trực thăng chính ở Kazan - thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan; thành phố Rostov-on-Don; và Ulan-Ude - thủ phủ của Cộng hòa Buratia ở Siberia.

Từng đến thăm nhà máy chế tạo trực thăng ở Kazan cách đây một vài năm nên tôi không khỏi bất ngờ trước sự khang trang của nhà máy “con cưng” Ulan-Ude. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của Tổng giám đốc Nhà máy Hàng không Ulan-Ude, ông Leonid Y. Belykh sinh năm 1950. Ông là người đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin tặng Huân chương Anh hùng Lao động Nga năm nay.

Nhà máy Ulan-Ude đi vào sản xuất năm 1939. Năm 2019, nhà máy kỷ niệm 80 năm ngày ra đời. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng nhà máy đã xuất xưởng khoảng 8.500 máy bay và trực thăng các loại.

Trực thăng của Nhà máy Ulan-Ude đang hiện diện tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhà máy xuất xưởng 2 dòng trực thăng là Mi và Kamov, song chủ yếu chuyên về dòng trực thăng vận tải đa năng Mi-8/17 nổi tiếng (bản ở Nga gọi là Mi-8 còn bản xuất khẩu là Mi-17).

Thăm nhà máy chế tạo trực thăng của Anh hùng lao động Nga

Tác giả bên cạnh chiếc trực thăng Mi-171A2 đang lắp ráp. Ảnh: Trần Hiếu

Nằm trải dài trên một khu đất rộng lớn ở phía Đông thành phố Ulan-Ude với tổng chiều dài 15km, nhà máy là một tổ hợp bề thế, hoàn chỉnh với nhiều xưởng chế tạo rộng lớn, một sân bay riêng có thể tiếp nhận máy bay vận tải quân sự cỡ lớn cũng như trung tâm huấn luyện bay, trường dạy nghề…

Đưa chúng tôi đi thăm các phân xưởng của nhà máy là kỹ sư trưởng Sergey Solomin - người giới thiệu với chúng tôi toàn bộ các công đoạn sản xuất: Từ công đoạn dập thân máy bay bằng nhôm, chế tạo các chi tiết, cho tới phân xưởng chế tạo kính chắn gió, phân xưởng chế tạo linh kiện magie nhẹ,… cho tới các công đoạn cuối là phân xưởng lắp ráp và sơn máy bay.

Ông Solomin cho biết nhà máy liên tục đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhà máy đã sử dụng nhiều máy cái hiện đại, như máy đột dập số hóa hoàn hoàn toàn tự động để chế tạo các chi tiết phẳng của thân máy bay; hệ thống bản vẽ điện tử; hay các máy CMC cao cấp chế tạo chi tiết chính xác. Theo ông Solomin, dù một chiếc trực thăng hoàn chỉnh là sản phẩm cấu thành của khoảng 40.000 chi tiết, song nhà máy luôn có thể đáp ứng đầy đủ đòi hỏi của từng khách hàng.

Ông Solomin cũng giới thiệu với chúng tôi 3 biến thể Mi-8/17 mới, một chiếc lắp nội thất cao cấp với salon da, toilet, và một bếp nhỏ phục vụ các khách hàng VIP; một chiếc để vận tải, với ghế ngồi tối giản song có thêm một bình xăng để tăng tầm bay; và chiếc trực thăng thứ 3 dùng để chở khách với các thiết bị điện tử hiện đại, có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm cũng như trong các điều tiện gió bão khắc nghiệt.

Thăm nhà máy chế tạo trực thăng của Anh hùng lao động Nga

Phòng thử khả năng chịu nước phục vụ các thị trường nóng ẩm như Đông Nam Á. Ảnh: Trần Hiếu

Về phần mình, Giám đốc điều hành suốt 22 năm qua của nhà máy, ông Leonid Belykh cho biết nhà máy Ulan-Ude đã chế tạo được dòng trực thăng Mi-8 có thể hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực. Bất chấp nhiệt độ âm 55-60 độ C, trực thăng này có thể tự làm nóng và khởi động trong 20 phút. Và chính nhờ thành tích chế tạo loại trực thăng này, ông đã được khen thưởng.

Cũng theo ông Belykh, chỉ trong năm 2020 nhà máy đã xuất xưởng 23 biến thể Mi-8/17 khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ông cho biết nhà máy còn có loại trực thăng chỉ cần 20-30 phút có thể chuyển đổi công năng từ chở hàng sang chở khách hay trang bị nội thất “xịn” phục vụ khách VIP.

Kỹ sư trưởng Solomin cũng giới thiệu với chúng tôi phòng thử nghiệm khả năng chịu nước của trực thăng, phục vụ các khu vực khí hậu nóng ẩm như các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, nhà máy cũng có một trung tâm huấn luyện bay ảo hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo phi công lái trực thăng Mi-171 xuất khẩu.

Ông Solomin đã giới thiệu 3 dòng trực thăng dân sự mới gồm Mi-171A2 với hệ thống cánh quạt mới giúp tăng tầm hoạt động và khả năng tải trọng thêm 25%, Mi-171A3 phục vụ cho các dàn khoan dầu ngoài khơi, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất năm 2021. Ngoài ra, còn có loại trực thăng không người lái cỡ nhỏ “Sản phẩm 240” có thể đảm nhiệm vai trò giám sát và cảnh báo với tầm bay 250km trong 2 tiếng. Phương tiện này dự kiến bay thử trong quý IV/2020.

Thăm nhà máy chế tạo trực thăng của Anh hùng lao động Nga

Các biến thể trực thăng giới thiệu với phóng viên. Ảnh: Trần Hiếu

Về trực thăng chiến đấu, tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế vừa qua ở công viên “Ái quốc”, ngoại ô Moskva, Tổng công ty “Trực thăng Nga” đã giới thiệu dòng trực thăng vận tải - chiến đấu Mi-171SH “Storm” bản mới nhất đang thử nghiệm do Nhà máy Ukan-Ude chế tạo.

Từ kinh nghiệm thực chiến ở Syria, thân chiếc Mi-171SH “Storm” chở được 37 người này đã được gia cố chống đạn bằng titan và vật liệu nhẹ Kevlar. Kết hợp với các vũ khí tấn công ấn tượng, trong đó có tên lửa có điều khiển, nó sẽ trở thành một pháo đài di động vững chắc trên không để khắc chế và yểm trợ hiệu quả cho lực lượng dưới mặt đất.

Thăm nhà máy chế tạo trực thăng của Anh hùng lao động Nga

Phân xưởng lắp ráp của nhà máy. Ảnh: Trần Hiếu

Cuối cùng qua nói chuyện với Anh hùng lao động Nga Leonid Belykh, tôi được biết ông được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động một phần do nhà máy Ulan-Ude không bao giờ chậm hay hủy đơn hàng của Bộ Quốc phòng, các cơ quan khác của Nga, cũng như khách hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, điều ấn tượng hơn là ông Belykh hé lộ ông từng phục vụ ở Việt Nam khi còn trong quân ngũ, tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta năm 1972. Ông cũng kể câu chuyện cảm động. Đó là một vài năm trước, khi ông gặp Phó Tư lệnh Không quân Việt Nam đến Nhà máy kiểm tra trực thăng chuyển giao cho Việt Nam. Khi nghe kể ông từng phục vụ ở Việt Nam, vị chỉ huy Việt Nam đã rơm rớm nước mắt ôm lấy ông.

Về phần mình, tôi cảm thấy tự hào khi người cựu chiến binh từng phục vụ ở Việt Nam, nay lại được ghi nhận vì những đóng góp lớn lao cho tổ quốc Nga của ông.

Thăm nhà máy chế tạo trực thăng của Anh hùng lao động Nga
Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast