Không chủ quan khi khàn tiếng kéo dài

Nhiều người hay bị khàn tiếng nhất là thời tiết lạnh, chuyển mùa và nghĩ mình bị bệnh cảm cúm, viêm họng, ho khàn tiếng nên tự mua thuốc uống.

Bệnh có thể thuyên giảm do viêm thanh quản nhưng cũng có trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn do ung thư thanh quản. Do đó, khi bị khàn tiếng kéo dài cần đi khám để điều trị đúng.

Khàn tiếng là do những thay đổi cấu trúc trong thanh quản hoặc những bất thường về mặt chức năng thanh quản. Những nguyên nhân gây ra sự thay đổi này là do viêm (làm việc trong môi trường lạnh, tiếp xúc với hóa chất), nhiễm khuẩn (do môi trường khói, bụi), khối u, yếu tố thần kinh, bẩm sinh. Từ một triệu chứng rất đơn giản là khàn tiếng nhưng nếu kéo dài dai dẳng trong hơn 3 tuần thì có thể đã là dấu hiệu của nhiều loại bệnh.

Thông thường có 3 nguyên nhân phổ biến gây khàn tiếng trong đó viêm thanh quản là bệnh hay gặp nhất, thường do virut, nếu bội nhiễm thứ phát vi khuẩn thì bệnh sẽ nặng hơn. Ở trẻ em, viêm thanh quản thường nặng hơn người lớn vì đường thở của trẻ nhỏ hơn và khi phù nề thì dễ bít tắc hơn.

Nguyên nhân tiếp theo là u nhú thanh quản hay còn gọi là u lành tính Papilôm. Triệu chứng khởi bệnh cũng là khàn tiếng kéo dài. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng vẫn gặp ở thanh niên và người lớn. U nhú thanh quản có cấu trúc lan tỏa nên có thể chuyển thành ung thư. Khi phát hiện u nhú thanh quản sẽ phải bấm sinh thiết và phẫu thuật cắt bỏ u. Loại u này rất hay tái phát vì thế người bệnh phải tái khám định kỳ, nếu không sẽ gây tình trạng bít đường thở, bệnh nhân ở xa đến cơ sở y tế chuyên khoa tai - mũi - họng, có đầy đủ phương tiện cấp cứu không kịp sẽ tử vong.

Ung thư dây thanh thường gặp ở người lớn tuổi, nhất là người nghiện thuốc lá, thuốc lào lâu năm. Loại ung thư này tiến triển tiềm tàng. Dấu hiệu sớm nhất để chẩn đoán chính là khàn tiếng kéo dài. Nếu phát hiện sớm ung thư mới khu trú trên một dây thanh. Lúc đó các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt thanh quản bán phần. Bệnh nhân vẫn nói được nhưng khàn tiếng. Còn nếu phát hiện muộn, ung thư lan tỏa, bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ thanh quản toàn phần. Chỉ khi tập nói tốt, bệnh nhân có thể nói bằng giọng thực quản (thay vì bằng thanh quản).

Khi mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang, người bệnh nên đi điều trị ngay để tránh đờm đọng trên 2 dây thanh gây khàn tiếng. Không được dùng thuốc lá, rượu, cà phê quá mức, tránh thức ăn cay, chiên, cà chua, nước chanh và bạc hà. Khi ngủ nên gối đầu cao hơn bình thường khoảng 15 cm. Quần áo phải được nới rộng tại vùng eo. Không lao động nặng và không tập thể dục sau bữa ăn.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast