Xuất khẩu lao động tự do - bài học đắt giá

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) trở thành con đường XĐGN của nhiều gia đình ở Hà Tĩnh. Đi XKLĐ hợp pháp, thông qua những hiệp định song phương và hợp tác về XKLĐ không những giúp nhiều gia đình XĐGN mà còn trở nên giàu có. Tuy nhiên, không ít người do thiếu hiểu biết và tự đi XKLĐ theo hình thức hợp đồng lao động cá nhân nên đã lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Trường hợp của anh Đậu Tuấn Dũng (xóm 4, xã Thạch Hải, Thạch Hà) là một trong số đó. Khoảng giữa tháng 6/2013, anh Dũng nghe tin anh Đậu Văn Khánh (cùng xóm) có người cậu ruột là Trần Xuân Long đang làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Nga xin được mấy suất cho người nhà sang Nga làm việc tại Công ty Newplan với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng, thời hạn hợp đồng 3 năm. Anh Dũng cho biết: “Theo thông tin có được từ anh Khánh, Công ty Newplan do ông Phúc làm chủ, chuyên sản xuất hàng may mặc. Mặc dù chưa được đào tạo nghề may mặc nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên tôi xin sang Nga làm việc tại Công ty Newplan, mong có được việc làm và thu nhập. Thủ tục đi làm việc tại Nga chỉ cần có hộ chiếu, còn xin cấp visa và chi phí vé máy bay đều do Công ty Newplan bỏ ra, sau đó sẽ trừ vào tiền lương hàng tháng” .

Anh Đậu Tuấn Dũng sau khi trả 55 triệu đồng cho Công ty Newplan trở về nhà, gia đình rơi vào cảnh nợ nần
Anh Đậu Tuấn Dũng sau khi trả 55 triệu đồng cho Công ty Newplan trở về nhà, gia đình rơi vào cảnh nợ nần

Không chỉ anh Dũng mà 4 người khác là Nguyễn Bá Mười, Đặng Thị Nhung, Đậu Văn Cường, Trần Thị Bảo Ngọc (cùng ở xóm 4, xã Thạch Hải) cũng có chung giấc mơ được đổi đời, hy vọng có thu nhập cao hơn bằng việc XKLĐ sang Nga. Nhưng họ đều phải trở về quê sau 3 tháng làm việc và mỗi người phải chấp nhận trả lại 55 triệu đồng chi phí của Công ty Newplan bỏ ra trước đó. Vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Du, chưa xin được việc làm, Trần Thị Bảo Ngọc quyết định sang Nga làm việc với hy vọng đổi đời. “Điều kiện ăn ở và làm việc ở Công ty Newplan tương đối tốt nhưng do mới sang, tôi chưa biết may theo dây chuyền nên phải mất 1 tháng học việc. Sau khi làm hết tháng đầu, trừ tiền ăn, tôi được Công ty trả hơn 700 nghìn đồng. Tháng thứ 2 quen việc, tôi được tăng lương. Đến tháng thứ 3, tôi được công ty trả hơn 7 triệu đồng”, chị Ngọc cho biết. Cũng theo chị Ngọc thì do những người cùng đi không được đào tạo nghề may công nghiệp nên làm chỉ đủ ăn, có người không có lương nhưng công ty vẫn nuôi ăn để học việc. Nếu được đào tạo nghề may và chịu khó làm việc thì mỗi tháng có thể thu nhập khoảng 10 triệu đồng (trừ tiền ăn ở).

Không có tay nghề, không chịu nổi áp lực công việc nên anh Dũng và những người lao động (NLĐ) khác đành xin phép Công ty Newplan nghỉ làm trở về Việt Nam. Do tự phá hợp đồng nên buộc anh Dũng phải thông báo với vợ gửi 55 triệu đồng sang trả nợ công ty trước khi về. Vốn là hộ khó khăn, giờ gia đình anh Dũng lại rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Làm việc với phóng viên, bà Trần Thị Hường - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải cho biết: “5 người đi làm việc ở Nga nhưng không thông qua chính quyền xã. Họ sang Nga làm việc, sau 3 tháng trở về và phải trả lại 55 triệu đồng cho Công ty Newplan trước khi về nước là có thật. Tuy nhiên, theo tôi được biết, do họ không được đào tạo đúng ngành nghề, không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của công ty nên đã xin trở về nước (tự phá hợp đồng)”.

Qua sự việc diễn ra đối với 5 người dân ở xã Thạch Hải cho thấy: nhu cầu việc làm của NLĐ là thực sự cấp thiết. Nhiều người nhìn vào khoản tiền NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã nôn nóng muốn đi mà không cần qua đào tạo, không cần thi tuyển, thiếu thông tin về XKLĐ và không tiếp cận với các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục. Vô tình, NLĐ bị đẩy vào tình thế “tiền mất, tật mang”. Có thể nói, sự việc trên bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết. Để bảo đảm quyền lợi khi có nhu cầu đi XKLĐ, chính NLĐ cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về vấn đề này. Đặc biệt, cần phải biết các doanh nghiệp, tổ chức nào có chức năng XKLĐ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm những quy định của Luật “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”; tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời đối với người dân tự ý đi XKLĐ, đối với các tổ chức, doanh nghiệp tự do tuyển dụng lao động bất hợp pháp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast