Ðẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bền vững

Tiếp tục chuyến công tác Tây Nguyên, trong hai ngày 10 và 11-12, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ năm 2010, kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội lần thứ XI của Ðảng. Cùng đi, có các đồng chí lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Văn phòng T.Ư Ðảng, các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải.

Thăm và làm việc tại Kon Tum, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh:

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với các cán bộ xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với các cán bộ
xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy.

Chiều 10-12, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh làm việc với xã Hơ Moong, nơi người dân tộc thiểu số là giáo dân đạo Thiên chúa giáo chiếm 91% dân số, chủ yếu là người Ba Na, Gia Rai và khá nhiều hộ trong xã thuộc diện tái định cư xây dựng hồ thủy điện. Ðồng chí cũng đã mời lãnh đạo huyện Sa Thầy (một huyện miền núi, biên giới nằm ở phía tây nam Kon Tum) cùng tham dự buổi làm việc. Tại đây, khi đến phần phát biểu ý kiến của mình, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã đề nghị các thành viên Ðoàn công tác, cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện và xã chuyển ghế từ phòng họp ra ngoài sân (đang có khá đông người dân theo dõi buổi làm việc qua loa phóng thanh) để đồng chí nói chuyện trực tiếp với mọi người. Sáng 11-12, Ðoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp đó đồng chí Tổng Bí thư đã nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Trong các buổi gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Ðảng bộ, nhân dân xã Hơ Moong, của huyện Sa Thầy và của tỉnh Kon Tum về kết quả đạt được trong năm 2009 và 4 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng, tạo sự chuyển biến, tiến bộ về kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội, xây dựng Ðảng và củng cố hệ thống chính trị. Kết quả nói trên thêm một lần nữa khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết, của mối quan hệ đoàn kết-thắng lợi, cần phát huy mạnh mẽ hơn để vượt qua khó khăn, khắc phục một số mặt hạn chế, khuyết điểm, phấn đấu quyết liệt hoàn thành các mục tiêu đã đề ra...

Về phương hướng trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư đề cập nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó nhấn mạnh một số vấn đề liên quan xây dựng nông thôn mới và công tác cán bộ:

Mô hình xây dựng nông thôn mới ở mỗi vùng miền có thể khác nhau, song yêu cầu chung là ổn định chỗ ở cho dân gắn với điều kiện sản xuất, canh tác thuận lợi và đáp ứng các yêu cầu cơ bản của đời sống. Hiện nay, trong quá trình công nghiệp hóa, chúng ta đang xây dựng nhiều công trình, cần di chuyển một bộ phận dân cư; mặt khác, công tác phòng, chống thiên tai cũng đòi hỏi tái định cư cho dân ở những nơi có nguy cơ cao.

Các ngành, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ nghiên cứu, tổ chức chu đáo, bàn thảo với dân, gắn quá trình tái định cư với xây dựng nông thôn mới. Ðối với nông thôn nói chung, tiếp tục đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, tiến tới xóa nghèo, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, cải thiện điều kiện ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh của nhân dân. Có nhiều việc phải làm, đặc biệt phải chăm lo giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và góp phần tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ. Làm tốt việc này, chúng ta mới có điều kiện thay đổi tập quán sinh hoạt, tập quán canh tác lạc hậu, đưa nhanh giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phương thức kinh doanh mới vào nghề nông và nghề rừng.

Kon Tum là tỉnh có tỷ lệ che phủ của rừng vào loại lớn và diện tích đất đồi núi còn nhiều, cần đặc biệt quan tâm bảo vệ rừng và phát triển rừng. Rừng là "hồ" giữ nước thiên nhiên không một hồ nhân tạo nào có thể thay thế được, rừng là vàng, mà người giữ "vàng" còn nghèo thì khó có thể giữ được rừng. Phải phát huy thế mạnh nghề rừng và kinh tế rừng, trước hết là đổi mới cơ chế, chính sách đối với người giữ rừng, trồng rừng tương xứng với hiệu quả mà họ mang lại, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, bố trí lại dân cư và xây dựng nông thôn mới...

Ðể thực hiện các mục tiêu nêu trên, cần xây dựng và bố trí đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương. Nhân dân không chấp nhận những cán bộ nặng tư tưởng chức quyền hoặc lo vun vén cho cá nhân, cho họ hàng thân quen hơn là lo cho công việc chung. Nhân dân mong muốn có những cán bộ dám nghĩ dám làm, mang trí tuệ và tâm huyết phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân, có khả năng đoàn kết và quy tụ, gắn bó với cơ sở, hiểu và kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của dân, được dân tin, dân yêu. Ðây là yêu cầu chung, riêng đối với địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, càng cần phải quan tâm nhiều hơn, nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội toàn quốc của Ðảng...

Nguồn: Nhandan Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast