Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi.

Ông qua đời trong vòng tay con cháu, sau thời gian dài tai biến.

Anh Nguyễn Phan Khoa - con út nhà văn - cho biết, lâu nay, ông không nói được nên chẳng dặn dò điều gì. Ông mắc bệnh hồi tháng 3 năm ngoái, từ đó chỉ nằm trên giường hoặc ngồi dựa, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào vợ, con. Những lúc khỏe, ông có thể chống gậy đi một đoạn ngắn. Trên giường bệnh, ông vẫn viết thơ, vẽ tranh cho khuây khỏa, lạc quan sẽ sớm hồi phục.

Thế nhưng từ khi vợ qua đời cuối năm ngoái, sức khỏe, tinh thần ông sa sút. Ông có hai con trai, con cả Phan Bách là họa sĩ, con út - Phan Khoa - từng là nguyên mẫu để ông sáng tác tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu .

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói buồn khi nền văn học nước nhà mất đi một cây đại thụ. Theo ông, thời kỳ 1985-1996, ở mảng truyện ngắn, không ai viết hay hơn Nguyễn Huy Thiệp. Giọng văn của ông có chất riêng, ngắn gọn, sắc nét, không dông dài.

“Điều mừng là cuối đời ông có tên trong danh sách xét tặng giải thưởng Nhà nước. Đó là ghi nhận xứng đáng cho tài năng của ông”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm 2018. Ảnh: Nhã Nam.

Hôm 17/3, Nguyễn Huy Thiệp là một trong 50 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật với hai truyện ngắn Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát . Nhiều năm nay, nhà văn gác bút. Tác phẩm gần nhất của ông là vở chèo cổ Vong bướm , sáng tác năm 2012. Năm 2018, ông ra mắt tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu , hoàn thành từ năm 2003.

Trong sự nghiệp 50 năm với hơn 50 truyện ngắn, Tướng về hưu là một trong những tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Huy Thiệp.

Ông sáng tác truyện năm 36 tuổi, lần đầu in trên tuần báo Văn Nghệ số ngày 20/6/1987 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn từng đánh giá: “Bằng lối kể thâm trầm của một kẻ vừa trải đời, vừa chán đời và không còn những hy vọng dễ dãi vào đời, trong Tướng về hưu , tác giả vẽ ra một khung cảnh ở đó, nếp sống thực dụng lan tràn, trở thành một thói quen; con người lì lợm lâu ngày đến mức mất hết cảm giác về sự lì lợm của chính mình...”. Tác phẩm được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi dựng thành phim, ra mắt năm 1988.

Cốt lõi của văn chương ông là đạo - không đơn thuần là đạo đức, mà là lẽ sống, nghĩa lý lớn ở đời - được thể hiện dưới lớp vỏ ngôn từ “phũ”. Ông viết về đời sống một cách thẳng thắn, trần trụi nhưng ở đó chứa đựng trăn trở với đạo làm người. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét Nguyễn Huy Thiệp dám ác khẩu để nói ra sự thật.

“Văn học không phải để con người ta cảm thấy sung sướng, tự mãn mà phải biết cảm thấy xấu hổ. Để nói ra những gì đau đớn, Nguyễn Huy Thiệp đã phải rất đau”, Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại một hội thảo năm 2016. Còn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: “Cao hơn chữ”phũ“phải là chữ”chân“. Phải chân thực”.

Ông quan niệm về nghề viết: “Viết lách là thứ nghề lao động bằng sự cô đơn của mình nên không hề đơn giản. Nghề khó, khổ và tôi vẫn gọi là thất nghiệp. Ngoài ra, viết văn cũng phải nhờ trời cho trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh, cũng như là trong tình yêu, thì mới có thể viết được”.

Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình di tản qua nhiều vùng quê ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1968, với một số truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Ngoài truyện ngắn, ông viết 10 vở kịch, bốn tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, được xem là “hiện tượng hiếm” của văn đàn trong nước.

Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)...

Theo Thu Huế/VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast