Gian nan hành trình giảm nghèo ở Phú Lộc

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, chính quyền xã Phú Lộc (Can Lộc) đã triển khai nhiều biện pháp, quan tâm, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thế nhưng, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn ở mức 27%. Làm thế nào để giúp người dân thoát nghèo bền vững đang là bài toán khó ở Phú Lộc.

Theo ông Phạm Quang Tuệ - Trưởng thôn Hồng Sơn, cũng như bao thôn khác trong xã, thu nhập của bà con Hồng Sơn chủ yếu dựa vào trồng lúa nhưng do thiếu nước nên chỉ sản xuất được 1 vụ. Tính đến tháng 9/2015, thôn có 153 hộ thì có tới 41 hộ nghèo và 32 hộ cận nghèo. Hiện nay, bà con trong thôn đang nỗ lực phát triển sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi nhưng con đường thoát nghèo vẫn hết sức trắc trở.

Gian nan hành trình giảm nghèo ở Phú Lộc ảnh 1

Bộ mặt làng quê Phú Lộc chưa có nhiều đổi thay tích cực.

Được biết, thu nhập bình quân đầu người của Phú Lộc năm 2014 là 14,77 triệu đồng, dự kiến đến cuối năm 2015 đạt 19,7 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo từ 37,5% (2011) đến nay vẫn còn 27%; việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi còn chậm. Bà con trong xã chủ yếu sản xuất, chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên hiệu quả kinh tế thấp, không tạo ra được sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 35,22%...

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Chương cho biết, mặc dù những năm qua, tỉnh, huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi như: ban hành các quyết định 24, 26, hỗ trợ giống, KHKT... để khuyến khích người dân thành lập các mô hình gia trại, trang trại, HTX, tổ hợp tác phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mức độ chuyển biến ở Phú Lộc vẫn rất chậm. Nguyên nhân cơ bản là do bà con mang nặng tâm lý bảo thủ, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền các cấp mà chưa mạnh dạn đứng ra khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên để chuyển đổi mô hình sản xuất, cây - con, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, chính quyền xã Phú Lộc đang tập trung thực hiện các giải pháp để giúp bà con nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Nổi bật là chuyển đổi các diện tích cao cưỡng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao. Khu vực đồi núi sẽ lấy kinh tế vườn đồi làm hướng phát triển chủ đạo, tập trung cải tạo triệt để vườn tạp, đưa các giống cam, bưởi có chất lượng vào trồng tập trung quy mô lớn. Cùng với đó, xây dựng, mở rộng các mô hình chăn nuôi lợn, bò có quy mô, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp...

Tuy nhiên, để các giải pháp trên phát huy được hiệu quả không phải là điều dễ dàng. “Xã đã đề ra hướng đi, giải pháp nhưng để thực hiện có hiệu quả thì ngoài nỗ lực của chính quyền, quan trọng nhất vẫn là bà con phải thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại mà phải mạnh dạn, năng động và dám nghĩ, dám làm” - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Chương chia sẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast