Phải giáo dục cho học sinh tình yêu biển, đảo

Sau chuyến đi nghỉ mát, tắm biển về, đứa con tôi vừa học xong lớp 1 tỏ ra rất quan tâm đến những kiến thức mới mẻ về biển và hỏi bố rất nhiều câu hỏi ngây thơ như: Tại sao biển lại có màu xanh; nước biển lại mặn? Biển của Việt Nam dài và rộng đến đâu, sao không nhìn thấy bờ ở bên kia?...

Tôi lần lượt trả lời tất cả những câu hỏi của cháu và truy cập vào mạng tìm bản đồ để chỉ cho cháu hình dung rõ thêm về biển, về vị trí của Tổ quốc Việt Nam, về biển và hải đảo của đất nước.

Tôi cũng nói rõ với cháu rằng, đất nước Việt Nam của chúng ta không chỉ có phần đất liền, nơi chúng ta đang sinh sống và học tập. Chúng ta còn có biển rộng bao la. Biển Việt Nam nhiều tôm cá, giàu tài nguyên và khoáng sản. Biển của Việt Nam còn có nhiều hải đảo, là những “cột mốc” quan trọng để khẳng định chủ quyền vùng biển và vùng trời của Tổ quốc. Nơi đó có các chú bộ đội hải quân đang ngày đêm vất vả nắm chắc tay súng canh giữ biển trời.

Trong số những hải đảo của Việt Nam chúng ta, có 2 quần đảo lớn, đó là Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện quần đảo Hoàng Sa đang bị nước ngoài chiếm đóng… Nghe đến đây, cháu có vẻ rất sửng sốt và khó hiểu khi nói rằng, ở trường con được nghe cô giáo dạy về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, nhưng chưa bao giờ nghe nói Hoàng Sa bị nước ngoài chiếm đóng cả. Đem câu chuyện này trao đổi và tìm hiểu thêm nhiều người có con em là HS tiểu học, thậm chí một số HS cấp THCS, được biết hầu hết các cháu đều rất mơ hồ trong vấn đề này.

Câu chuyện trên đây, theo tôi rất cần cho tất cả chúng ta tham khảo, đặc biệt là trong lúc Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vấn đề biển và hải đảo. Vai trò của nhà trường, ngoài giáo dục kiến thức về tự nhiên và xã hội, cần phải hun đúc tinh thần đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, dám xả thân mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy.

Muốn vậy, trước tiên cần phải để các em thấu hiểu bản chất của vấn đề; biết được cái gì còn và cái gì mất cần phải ra sức đấu tranh giành giữ lại cho mình. Chúng ta hoàn toàn không chấp nhận việc giáo dục HS theo cách cực đoan, gieo vào đầu óc các em những oán hờn, thù hận nhưng chúng ta cần giáo dục để cho các em nhận rõ thực tế để cảnh giác, đồng thời hình thành tình yêu nước nồng nàn ngay trong chặng đường đầu tiên trên ghế nhà trường.

Vịnh Hạ Long. Ảnh: tinmoitruong.vn
Vịnh Hạ Long. Ảnh: tinmoitruong.vn

Đất nước Việt Nam, qua các cuộc chiến tranh vĩ đại giành độc lập dân tộc, nếu không có phương pháp giáo dục theo tinh thần đó thì làm sao có được những thế hệ thiếu nhi dũng cảm như: Kim Đồng, Lê Văn Tám, Vừ A Dính, Nguyễn Bá Ngọc, cũng như hàng vạn HS xung kích quên mình vì Tổ quốc đã được nhận huy hiệu Dũng sỹ của Bác Hồ. Nếu không có tình yêu nước sẽ không có giang sơn gấm vóc, Bắc Nam, biển trời liền một dải như ngày hôm nay.

Giáo dục tình yêu nước trong giai đoạn hiện nay, điều cần phải hướng đến đầu tiên đó là tình yêu biển, đảo. Một khi biển đảo Việt Nam còn “sóng chưa yên, biển chưa lặng”, thì tình yêu nước cần phải cháy lên trong tất cả mỗi người dân Việt Nam; biến thành ngọn sóng lớn, nhấn chìm tất cả những ai lăm le muốn chiếm giữ, dù chỉ là một tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast