Hội An, Thủ tướng và Fulbright

Nhắc đến Hội An, người ta thường nhớ đến nguyên Bí thư Thành uỷ Nguyễn Sự. Không thể phủ nhận ông Sự là một người có những đóng góp lớn định hình nên một Hội An - đô thị di sản được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo nhất nước, một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

Hội An, Thủ tướng và Fulbright

Một góc Hội An. Nguồn Internet

Nhưng công bằng mà nói, để có một Hội An như hiện nay, cũng cần phải ghi nhận dấu ấn của đương kim Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đặc biệt là trong thời gian ông làm lãnh đạo Quảng Nam những năm 2000.

Ông Nguyễn Xuân Phúc là một trong những cựu học viên chương trình Đào tạo cao cấp của Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) - tiền thân của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright những khóa đầu tiên. Nhiều giảng viên kỳ cựu của Trường này vẫn còn nhớ đã từng được ông Phúc, lúc ấy là lãnh đạo Quảng Nam, mời đến thăm tỉnh này để “hiến kế” biến Hội An - khi ấy vẫn còn là một thị xã bình yên, nhưng chưa phải một thỏi “nam châm” thu hút khách du lịch - trở thành một điểm đến hấp dẫn. (Năm 2008, thị xã Hội An mới trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam và là thành phố thứ hai của tỉnh này sau thành phố Tam Kỳ). Đúng vào thời điểm đó, Quảng Nam cũng dự định xây một nhà máy nhiệt điện than ở gần Hội An.

Có mặt trong nhóm chuyên gia này, Giáo sư David Dapice (Đại học Harvard) - lúc đó đang cùng các cộng sự tại Đại học Harvard tham gia nghiên cứu kinh tế Việt Nam thời kỳ đầu Đổi mới và dự án Chương trình FETP - góp ý thẳng thắn với người học trò cũ, đại ý “Quảng Nam không thể vừa có một Hội An – di sản thế giới vừa nằm cạnh nhà máy nhiệt điện. Ông chỉ có thể chọn một mà thôi: hoặc du lịch hoặc nhiệt điện”.

Thời gian đã cho thấy lựa chọn của vị Chủ tịch tỉnh Quảng Nam năm ấy là đúng đắn (dù tất nhiên, ông không quyết định một mình).

Nhưng ngược lại, câu chuyện Hội An cũng đã tác động đến các giáo sư Mỹ và các giảng viên tại FETP. Nếu như trước đó, FETP chỉ cung cấp cho các nhà lãnh đạo địa phương Việt Nam những kiến thức kinh tế hàn lâm giống như giảng dạy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, thì ngày nay, các vấn đề thực tiễn, các mô hình thành công và thất bại của Việt Nam và quốc tế đã trở thành một hợp phần hết sức quan trọng trong chương trình đào tạo của Fulbright - trường chính sách công được coi là hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

Theo Cẩm Hà/ Báo Hải quan

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast