Dùng thuốc tiêu sợi huyết cứu sống bệnh nhân đột quỵ

(Baohatinh.vn) - Khoa Cấp cứu Chống độc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vừa triển khai cho bệnh nhân bị đột quỵ dùng thuốc tiêu huyết đạt kết quả mong đợi.

Bệnh nhân Nguyễn Xuân Tiếp (35 tuổi), quê ở Thạch Đỉnh (Thạch Hà) nhập viện trong tình trạng liệt bên trái người, miệng méo, nói ngọng, nôn và đau đầu.

Sau khi chụp kiểm tra, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu não. Theo người nhà cho biết, từ khi bệnh nhân bị đột quỵ đến thời điểm có mặt tại khoa Cấp cứu Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 45 phút nên bác sỹ đã nhanh chóng chỉ định cho bệnh nhân dùng tiêu sợi huyết.

Bác sỹ điều trị Nguyễn Xuân Thái kiểm tra phục hồi vận động của bệnh nhân
Bác sỹ điều trị Nguyễn Xuân Thái kiểm tra phục hồi vận động của bệnh nhân

Đây là lần đầu tiên Khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai cho bệnh nhân dùng thuốc tiêu sợi huyết và đã đạt được kết mong đợi.

Sau 30 phút dùng thuốc, bệnh nhân cử động được tay chân bên trái và đỡ méo miệng, đỡ nói ngọng hơn.

Đến ngày điều trị thứ 2 thì bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, vận động cải thiện rõ nét, tiếp xúc tốt; các thông số hệ sinh tồn đều bình thường.

Bác sỹ điều trị Nguyễn Xuân Thái cho biết, đối với bệnh nhân đột quỵ thì "thời gian là não". Sau khi xảy ra đột quỵ bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện càng sớm càng có cơ hội phục hồi tốt. Thuốc tiêu sợi huyết có hiệu quả tốt với bệnh nhân trong vòng 3 tiếng đồng hồ kể từ khi bị đột quỵ, tránh được các nguy cơ liệt vận động không phục hồi hoặc tử vong.

Bác sỹ Thái khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ người dân cần kiểm soát được các yếu tố nguy cơ như: mỡ máu, huyết áp và đường huyết; không hút thuốc lá và hạn chế rượu, bia.

Với các bệnh nhân đột ngột xuất hiện các triệu chứng: méo miệng, liệt nửa người, nói ngọng, đau đầu dữ dội, rối loạn ý thức… cần được đưa ngay đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong “thời gian vàng” để được cấp cứu kịp thời.

Được biết, mỗi ngày Khoa Cấp cứu Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh ít nhất đón tiếp 2 bệnh nhân bị đột quỵ; có những lúc cao điểm lên đến 6, 7 ca. Theo thông tin từ khoa cho biết, có rất nhiều bệnh nhân được chuyển đến quá muộn nên đã để lại các di chứng nặng nề.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast