Lời thỉnh cầu của nữ lao động Hà Tĩnh tại Ả-rập Xê-út

(Baohatinh.vn) - Tin lời quảng cáo sẽ được đổi đời khi sang Ả-rập Xê-út làm việc, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1990, ở xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh) vội vàng làm các thủ tục xuất ngoại. Thế nhưng, giấc mơ thoát nghèo của chị đã sớm vỡ mộng ở miền đất hứa...

Lời thỉnh cầu của nữ lao động Hà Tĩnh tại Ả-rập Xê-út

Chị Nguyễn Thị Phương tại Ả-rập Xê-út (ảnh nhân vật cung cấp).

Báo Hà Tĩnh vừa nhận được đơn kêu cứu của chị Nguyễn Thị Phương (lấy chồng về xã Phúc Đồng, Hương Khê - PV) là lao động xuất khẩu tại Ả-rập Xê-út hiện đang ở trại tị nạn.

Trong đơn, chị Phương kể: "Ở quê, ngoài sản xuất nông nghiệp, tôi có làm thêm tại một nhà hàng ở thị trấn Hương Khê. Tình cờ tôi gặp 2 người, một phụ nữ tên Dương và người đàn ông tên Lạc (đều giới thiệu trú tại huyện Vũ Quang), sau đó, họ khuyên tôi đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út để thoát nghèo và có tương lai. Hai người này còn hứa sẽ có trách nhiệm với tôi cho đến khi hết hạn hợp đồng và về nước.

Sau khi nhận lời, chị Dương và anh Lạc đưa tôi đi làm giấy tờ, học ngoại ngữ ở Công ty cổ phần Quốc tế Kaizen (số 18 đường Nguyễn Thị Định, phường Quang Trung, thành phố Vinh, Nghệ An).

Sau khi hoàn thành khóa học ngoại ngữ cùng các hồ sơ, thủ tục, ngày 12/3/2018, tôi được đi xuất khẩu lao động sang Ả-rập Xê-út theo hợp đồng (hợp đồng đưa người lao động sang Ả-rập Xê-út được chị Phương ký với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam, có địa chỉ tại ngõ 149, phố Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội - PV).

Lời thỉnh cầu của nữ lao động Hà Tĩnh tại Ả-rập Xê-út

Hợp đồng xuất khẩu lao động của chị Phương (do gia đình cung cấp).

Sau khi sang Ả-rập Xê-út, tôi không may mắn khi gặp phải ông chủ không tốt. Ngoài việc phải lao động vất vả, tôi còn bị đánh đập, bỏ đói, không trả lương, thu giữ điện thoại để ngăn cản liên lạc với gia đình. Tệ hại hơn, ông này còn có nhiều hành vi khiếm nhã, dâm ô với tôi.

Đỉnh điểm, có lần ông chủ này định giở trò đồi bại, tôi cầm giao và dọa tự tử, sau đó ông ta gọi lực lượng cảnh sát đến. Sau khi trình bày với cảnh sát, họ có giúp tôi lấy lại quần áo, điện thoại và số tiền tương đương 2 tháng lương (số tiền lương ông chủ nợ là 4 tháng).

Sau đó, tôi được đưa vào trại tị nạn bởi chủ nhà kiện ngược rằng, ông ta bị tôi dùng dao để khống chế và đe dọa.

Lời thỉnh cầu của nữ lao động Hà Tĩnh tại Ả-rập Xê-út

Lá đơn chị Phương viết và chụp lại gửi Báo Hà Tĩnh.

Đến nay, tôi lưu lạc ở nước ngoài phải sống trong trại tị nạn đã hơn 1 năm. Dù đã nhiều lần cố gắng liên hệ với chị Dương, anh Lạc và công ty môi giới cho tôi ra ngoài nước lao động, tuy nhiên mọi kết nối đều bất thành, không ai giúp đỡ tôi. Trong khi tại đây, lực lượng cảnh sát không cho tôi giải thích và không ghi nhận ý kiến của tôi.

Cùng vào với tôi (trại tị nạn) có rất nhiều người Việt Nam, họ cũng bị chủ hành hạ, đánh đập, không trả lương nhưng họ may mắn hơn tôi là được về, còn tôi xui xẻo nên họ giam tôi mãi, không ai giải quyết cho tôi về.

Viết lá đơn này, tôi mong cơ quan báo chí truyền thông chuyển lời kêu cứu của tôi lên cơ quan chức năng sớm giải cứu tôi thoát khỏi cảnh “giam lỏng” này và sớm được trở về nước đoàn tụ gia đình".

Lời thỉnh cầu của nữ lao động Hà Tĩnh tại Ả-rập Xê-út

Gia cảnh gia đình chị Phương hiện đang rất khó khăn.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Loan (thôn 11, xã Hà Linh, Hương Khê) – mẹ ruột và anh Trần Văn Chung (thôn 2, xã Phúc Đồng, Hương Khê) - chồng chị Phương xác nhận sự việc nói trên là hoàn toàn đúng sự thật. Anh Chung hiện đang nuôi 2 con nhỏ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Video: Chồng chị Phương mong được giúp đỡ để vợ về đoàn tụ cùng gia đình.

“Xót xa lắm anh ạ, những ngày đầu tiên khi vợ tôi mới sang Ả-rập Xê-út thì không có vấn đề gì. Nhưng sau vài tháng, cô ấy liên tục bị chủ nhà đánh đập và đòi quấy rối tình dục. Mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi vợ tôi bị chủ nhà kiện ngược là cầm dao uy hiếp ông chủ và bị đẩy vào trại tị nạn. Cả năm nay, qua điện thoại, cô ấy khóc nức nở và liên tục nói phải tìm mọi cách để đưa cô ấy về nước”, anh Chung kể.

Nếu sự việc thực sự đúng như phản ánh của chị Phương, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh sẽ tiến hành làm việc trực tiếp với Công ty cổ phần Quốc tế Kaizen và đối tác của họ là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam. Đồng thời, làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) để phối hợp xử lý theo đúng quy định nhằm đảm bảo quyền công dân, an toàn tính mạng và các quyền lợi chính đáng khác (như tiền lương)… của người lao động, đặc biệt là công dân Hà Tĩnh làm việc tại nước ngoài.

Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp cùng Sở Ngoại vụ để tìm hiểu rõ bản chất của sự việc liên quan đến chương trình lao động tại Ả-rập Xê-út về một số nội dung như: Hợp đồng lao động, chế độ chính sách, quyền lợi và thực trạng hiện tại của người lao động…

Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh)

Lời thỉnh cầu của nữ lao động Hà Tĩnh tại Ả-rập Xê-út

Chủ đề Xuất khẩu lao động

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast