Vì sao Quy định 214 chỉ cần cán bộ chủ chốt “hoàn thành tốt nhiệm vụ”?

Quy định 214 thay thế Quy định 90 ban hành năm 2017 giúp cho việc đánh giá cán bộ được tốt hơn.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra trong năm 2020, sự ra đời của Quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh và khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được đánh giá là một bước tiến lớn trong công tác cán bộ của Đảng.

Vì sao Quy định 214 chỉ cần cán bộ chủ chốt “hoàn thành tốt nhiệm vụ”?

Ông Nguyễn Đức Hà (Ảnh: Bình Minh)

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, Quy định 214 là cơ sở quan trọng để tới đây giúp cho việc đánh giá cán bộ chính xác và khách quan hơn.

Quy định 214: Cơ sở để đánh giá cán bộ chính xác và khách quan hơn

-PV: Thưa ông, việc ban hành Quy định 214 trước thêm Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có ý nghĩa ra sao?

Ông Nguyễn Đức Hà: Đúng là ngay trong ngày đầu năm mới 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh và khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có thể nói, việc ban hành Quy định này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá liên quan công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội đảng bộ các cấp, nhất là nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Vấn đề này đã được Bộ Chính trị nêu ra trong Quy định số 90 ngày 4/8/2017. Nhưng nay xem xét lại, thì thấy, Quy định 90 có một số nội dung chưa thật sự phù hợp. Trong quy định này, trước đây các chức danh thuộc diện Ban Bí thư quản lý được đưa ra vẫn còn thiếu nhiều, do vậy phải bổ sung thêm một số chức danh nữa cho đầy đủ; đồng thời cũng bổ sung thêm một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu hiện nay, cũng là để thống nhất trong các quy định của Đảng và Nhà nước.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 214 này để thay thế Quy định 90 ban hành năm 2017. Đây là một cơ sở quan trọng để tới đây giúp cho việc đánh giá cán bộ, vì lâu nay chúng ta vẫn nói việc đánh giá cán bộ còn chung chung, còn định tính, chưa cụ thể, định lượng. Lần này, quy định của Bộ Chính trị sẽ là cơ sở để đánh giá cán bộ chính xác và khách quan hơn.

Nhiều đồng chí khiêm tốn, không nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

-PV: So với Quy định 90, thay vì nêu cán bộ chủ chốt phải “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thì ở Quy định 214 chỉ đặt yêu cầu “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Thưa ông vì sao lại điều chỉnh như vậy?

Ông Nguyễn Đức Hà: So với Quy định 90, Quy định 214 có một số điểm mới. Ví dụ trước đây quy định các đồng chí thuộc chức danh Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thuộc Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng trong thực tiễn, Quy định 132 của Bộ Chính trị cũng quy định về đánh giá cán bộ hàng năm, Bộ Chính trị quy định, số cán bộ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không được quá 20% số hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực tế cho thấy, rất nhiều đồng chí lãnh đạo khiêm tốn, gương mẫu không tự nhận mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ thôi. Thế nên bây giờ các đồng chí khiêm tốn, gương mẫu nhường “suất” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho anh em cấp dưới thì các đồng chí lãnh đạo sẽ thiệt thòi, do vậy mới điều chỉnh lại nội dung này theo hướng các đồng chí diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Uy tín trong nhân dân là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta

-PV: Việc bổ sung thêm tiêu chuẩn “uy tín cao trong nhân dân” đối với các chức danh cán bộ chủ chốt ở Quy định 214 có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Chúng ta cần phải biết rằng tất cả các đồng chí thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nói gọn lại những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, đều có một tiêu chuẩn chung là phải tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân. Đã là cán bộ thuộc diện này phải là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức.

Chúng ta có thể hình dung thế này, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Bí thư phải là tiêu biểu của Trung ương về tất cả các mặt, cả phẩm chất chính trị lẫn đạo đức lối sống, cả uy tín lẫn trình độ. Cấp chung nhất là Ủy viên Trung ương cũng phải đảm bảo những tiêu chuẩn như thế.

Lên cấp cao hơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, phải tiêu biểu về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống của Trung ương, có uy tín cao hơn, phải là trung tâm đoàn kết, phải có sức quy tụ để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Đi vào các chức danh cụ thể, ví như chức danh Tổng Bí thư, phải là người tiêu biểu nhất của Trung ương, tiêu biểu nhất trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư cả về phẩm chất chính trị, cả về đạo đức lối sống, cả về trí tuệ, trung tâm đoàn kết, cả về sức quy tụ, uy tín.

Các chức danh chủ chốt gồm có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Đã là chức danh chủ chốt thì phải là những đồng chí tiêu biểu nhất trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ngoài những yêu cầu, tiêu chuẩn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì phải đảm bảo một số yêu cầu khác, Tổng Bí thư phải có hiểu biết về lý luận sâu sắc; Thủ tướng phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; Chủ tịch Quốc hội phải quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng luật, thực hiện luật, kiểm tra, giám sát… có tính chất riêng theo từng lĩnh vực.

Vì sao ở Quy định 214 chúng ta bổ sung tiêu chuẩn này? Có thể hiểu rằng, quá trình xây dựng, chuẩn bị các văn bản cũng là một quá trình nhận thức, trong các quy định của Trung ương, thường chúng ta hay rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện dần. Nếu nói ở quy định trước không có tiêu chuẩn “uy tín trong nhân dân” ở quy định lần này mới đưa vào, thì không phải. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta, vấn đề là thể hiện thế nào, có thể lúc này, lúc kia thể hiện chưa đầy đủ, thì bổ sung để hoàn thiện.

-PV: Quy định 214 được đánh giá là bước tiến trong công tác cán bộ của Đảng. Cùng với các quy định khác về công tác cán bộ, chúng ta sẽ có một lớp cán bộ từ Trung ương xuống địa phương đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như kỳ vọng của nhân dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Sở dĩ Bộ Chính trị ban hành Quy định một cái khung chung như thế là để sau đó các cấp có thể vận dụng, cụ thể hóa sao cho sát với tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Quy định 214 của Bộ Chính trị cũng nằm trong một tổng thể đó là Trung ương tiếp tục bổ sung hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ. Đơn cử như Quy định 205 về chống chạy chức chạy quyền, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đây là những quy định để chuẩn bị cho công tác nhân sự sắp tới. Quy định 214 cũng quy định rõ tiêu chuẩn của từng chức danh, tiêu chí cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao bởi mỗi cán bộ công tác ở một lĩnh vực cụ thể, làm công tác Đảng khác, làm công tác Nhà nước, Quốc hội có cái riêng, công tác ở khối nội chính cũng có cái riêng…

-PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast