Truyện Kiều niềm say mê của giáo viên và học sinh

(Baohatinh.vn) - Hướng về lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tạo nguồn cảm hứng bất tận để Truyện Kiều và tác phẩm của Nguyễn Du luôn trở nên gần gũi, thân thuộc và có vị trí quan trọng trong chương trình giảng dạy của các nhà trường.

Cô Phan Thị Bích Hường - giáo viên (GV) Trường THCS Hoa Liên (Nghi Xuân) tâm sự: “Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, nghe những lời bình giảng của cô giáo, cho đến khi được đứng trên bục giảng, cùng cụ Nguyễn “thập tải phong trần”, trải nghiệm những tháng năm dài dằng dặc của cuộc đời chúng sinh, tôi lại càng thêm yêu, thêm ngưỡng mộ thiên tài, đồng thời, cũng rất đỗi tự hào, kiêu hãnh khi mình được sinh ra và lớn lên trên quê hương Đại thi hào”.

Truyện Kiều niềm say mê của giáo viên và học sinh ảnh 1

Buổi sinh hoạt CLB Nguyễn Du và Truyện Kiều của Trường THCS Minh Tiến (Thạch Hà).

Với GV và học sinh (HS) trên mảnh đất Nghi Xuân, ngoài việc được tiếp cận Truyện Kiều từ thuở nằm nôi thì niềm say mê ấy còn được bồi đắp từ việc giáo dục qua di sản. Mỗi một giờ học hay một hoạt động ngoại khóa ngay tại tượng đài, tại khu lưu niệm của cụ là thêm một lần HS được trải nghiệm, được hiểu thêm về giá trị của kiệt tác Truyện Kiều.

Em Nguyễn Thị Thùy Dung - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân) cho biết: “Từ những bài giảng của cô, từ các buổi sinh hoạt ngoại khóa bằng hình thức CLB, hay các chuyến trải nghiệm tại khu lưu niệm, cảm xúc của chúng em dường như đã trở lại ngày xưa, cảm nhận rõ hơn nỗi đau của thân phận con người, giá trị của tình yêu, hạnh phúc, tấm lòng đồng cảm, chia sẻ đối với những số phận oan trái… Giá trị nhân đạo to lớn ấy đã góp phần quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, nhân cách cho chúng em”.

Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) sôi nổi hướng về lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào bằng các hoạt động thiết thực như: phát động cuộc thi đọc thuộc Truyện Kiều trong các buổi sinh hoạt đầu giờ; tổ chức nhiều tiết thao giảng Truyện Kiều theo phương pháp mới; thi ngâm, lẩy, bình giảng, đố Kiều trong toàn thể GV, HS và nổi bật là việc tổ chức chung kết, trao giải hội thi ngay tại Khu lưu niệm Nguyễn Du”.

Những hoạt động thiết thực, bổ ích ấy càng khiến Truyện Kiều có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Em Nguyễn Phúc Mận - Trường THPT Cẩm Bình cho biết: “Giọng đọc, giọng ngâm Truyện Kiều của ông mà em được nghe từ thuở bé đã nhen nhóm trong em niềm yêu thích Truyện Kiều. Và đến những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, được nghe thầy cô bình giảng các trích đoạn, em càng thấy say mê hơn. Đến nay, em còn thuộc gần 3.000 câu thơ trong Truyện Kiều”.

Truyện Kiều niềm say mê của giáo viên và học sinh ảnh 2

Thi dạy Truyện Kiều trên quê hương Nguyễn Du

Trong những chuyến đi của mình, tôi đã có dịp chứng kiến nhiều buổi sinh hoạt CLB Nguyễn Du và Truyện Kiều ở rất nhiều trường học. Bằng hình thức sân khấu hóa, hoạt động ngoại khóa này không chỉ tạo không khí hào hứng, sôi nổi, gieo vào ký ức tuổi học đường của các em những kỷ niệm đẹp, mà còn cung cấp thêm cho HS những góc nhìn mới mẻ về tác phẩm.

Cô Trịnh Thị Phương Thỏa - GV Trường THCS Minh Tiến (Thạch Hà) cho biết: “Sau mỗi giờ giảng, mỗi lần sinh hoạt CLB, chúng tôi dường như khám phá thêm được những tầng sâu tinh túy của Truyện Kiều. Và còn gì tuyệt vời hơn khi chúng tôi có thể truyền cảm hứng, tình yêu và niềm tự hào của mình dành cho Đại thi hào và Truyện Kiều, cũng chính là niềm tự hào, những nét tinh hoa dân tộc tới HS thân yêu”.

Niềm say mê Truyện Kiều còn được thể hiện qua cuộc thi tìm hiểu về Nguyễn Du và Truyện Kiều được ngành Giáo dục tổ chức một cách quy mô, thu hút đông đảo cán bộ, GV và HS tham gia. Cô Nguyễn Thị Thuận (Phòng GD&ĐT Lộc Hà) – người giành giải nhất cuộc thi cho biết: “Tôi đã dành trọn tâm huyết cho bài thi trên 500 trang của mình. Công trình ấy với tôi không phải để giành giải mà đó chính là tấm lòng, là nén tâm nhang của lớp hậu thế dâng lên cụ Nguyễn, đồng thời, cũng góp chút công sức nhỏ bé của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Truyện Kiều”.

Sinh thời, Nguyễn Du đã từng thốt lên trong cô độc, day dứt: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như… Thế nhưng, hôm nay, nhân loại vẫn say mê, trân trọng những giá trị tinh thần bất hủ trong tác phẩm Truyện Kiều. Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi nhức nhối của Tố Như năm xưa. Và trong suy nghĩ của hậu thế, di sản vô giá Truyện Kiều đã trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của dân tộc.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast