Nhìn lại thị trường Tết Tân Mão: Giá cả "nhảy múa"!

Những ngày gần Tết nguyên đán, tại thị trường Hà Tĩnh, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm đều tăng cao so với ngày thường; đặc biệt, quần áo, thực phẩm, dầu ăn, hoa - cây cảnh… tăng nhiều so với các năm trước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá từ tháng 11 âm lịch. Nhiều mặt hàng tăng trung bình từ 20 -50%, thậm chí, có những mặt hàng như quần áo, tăng 70% - 80%.

Chủ một cửa hàng quần áo nữ ở chợ TP Hà Tĩnh nói: "Gần Tết, dân đổ xô đi sắm quần áo mới nên từ tháng 11 đến giáp Tết, nhiều mặt hàng bị “cháy”, nhất là mặt hàng quần áo ấm nên việc giá cả "nhảy múa" là điều đương nhiên. Áo măng tô dài cách đây hơn 1 tháng bán chỉ 450 ngàn đồng/chiếc nhưng gần Tết đã tăng lên 800 ngàn đồng/chiếc. Các loại áo khoác cũng tăng bình quân từ 30 - 50%; quần áo trẻ em cũng tăng ít nhất từ từ 15 - 20%".

Thịt bò...
Thịt bò...

Hoa, cây cảnh tết năm nay tăng giá rất cao so với các Tết trước. Miền Bắc chịu trận rét đậm, rét hại kéo dài nên gần như mất mùa đào. "Thủ phủ” hoa mai Bình Định cũng ảnh hưởng từ rét nên tìm được một chậu mai đẹp là rất khó, vì thế, các loại hoa, cây cảnh khác có dịp lên ngôi. Từ 25 - 28 Tết, một cây quất thường loại đẹp, giá bình quân trên dưới 1 triệu đồng, loại nhỏ giá không dưới 500 ngàn đồng. Quýt cảnh, quất thế… bình quân 1,5 triệu đồng/cây; loại đẹp từ 2 - 2,5 triệu đồng/cây. Hoa mai loại đẹp có giá 4,5 - 5 triệu đồng/chậu; loại thường cũng ở mức 1,5 - 2 triệu đồng/chậu. Các loại cây cảnh như thiết mộc lan, trúc Nhật, trúc Hawai, ngũ gia bì…, nếu là loại đẹp cũng nằm ở mức từ 1 - 1,5 triệu đồng/chậu; loại trung bình giao đồng từ 700 ngàn đồng - 1 triệu đồng/chậu (các năm trước, loại cây cảnh này chỉ ở mức 300 - 500 ngàn đồng/chậu).

và rau xanh là 2 mặt hàng tăng giá cao so dịp gần Tết các năm trước
và rau xanh là 2 mặt hàng tăng giá cao so dịp gần Tết các năm trước

Năm nay trên thị trường hoa, cây cảnh ở Hà Tĩnh, các loại đào vườn địa phương (chủ yếu là đào Thạch Vĩnh và Cẩm Hưng) góp mặt khá nhiều. Mặc dù ảnh hưởng của rét đậm nên hoa ít, nở muộn nhưng khách vẫn tìm mua bằng được. Vì thế, giá đào vườn nằm ở mức cao, cành trung bình có giá khoảng 500 ngàn đồng, loại đẹp có giá không dưới 1 triệu đồng, nếu là cây to, đẹp (bứng nguyên cả gốc) có giá từ 2 - 3 triệu đồng.

Thực phẩm, rau xanh cũng là mặt hàng tăng giá cao trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Từ ngày 28 - 29 Tết, tại chợ Vườn Ươm và chợ thành phố Hà Tĩnh: thịt bò loại ngon giá 180 ngàn đồng/kg; thịt lợn nạc loại ngon giá 120 ngàn đồng/kg; gà trống trung bình 200 ngàn đồng/kg; các loại cá chép, cá trắm tăng từ 10 - 15 ngàn đồng/kg; rau cải, rau khoai, ngọn bầu…, trung bình từ 12 - 15 ngàn đồng/bó; chuối cúng loại đẹp có giá 150 ngàn đồng/nải; loại trung bình cũng nằm ở mức 100 ngàn đồng/nải…

Điện tử là mặt hàng được xem là ổn định về giá nhưng tại một số cửa hàng, không ít chủ hàng cũng ăn theo tăng giá, nhất mặt hàng là tivi và đầu đĩa. Đơn cử như: tivi Panasonic loại 32 - 42 in tăng 500 - 600 ngàn đồng/chiếc; đầu đĩa tăng từ 100 - 120 ngàn đồng/chiếc, loa thùng loại dưới 1 triệu đồng cũng tăng từ 100 - 150 ngàn đồng/cặp....

Co.op Mart BMC Hà Tĩnh là một trong những doanh nghiệp góp phần bình ổn giá thị trường trong dịp Tết vừa qua
Co.op Mart BMC Hà Tĩnh là một trong những doanh nghiệp góp phần bình ổn giá thị trường trong dịp Tết vừa qua

Chợ thị trấn Phố Châu (Hương Sơn), những ngày áp Tết chật ních người mua kẻ bán, nhưng hòa chung trong những âm thanh rộn rã đó là những tiếng thở dài ngao ngán của người tiêu dùng khi nghe chủ hàng đọc giá các mặt hàng. Chị Hà ở xã Sơn Giang nói: “Năm ngoái bán một gánh rau cải có thể mua được cho con cái áo rồi nhưng năm nay, phải hai gánh rau mới mua được một cái áo. Tất cả mặt hàng, từ quần áo, bánh kẹo, can dầu ăn… đều tăng chóng mặt nên chi tiêu phải hết sức dè sẻn. Với giá cả này, nếu lo Tết sung túc thì ra giêng đói ăn chứ chẳng chơi!”.

Chị Anh, đại lý bán lẻ hàng tạp hóa ở xã Sơn Diệm, băn khoăn: “Tôi đi lấy hàng về để bán lẻ cho dân nhưng mặt hàng nào cũng tăng thế này thì không biết có nên lấy hay không. Lấy về bán giá cao thì dân không mua mà bán giá thấp thì không có lời. Có những mặt hàng như dầu ăn, hạt dưa, nước mắm, mì tôm... trong một tháng đã tăng giá từ 3 - 4 lần thì bà con nông dân chịu làm sao nổi.

Đến hẹn lại lên, những ngày Tết, các mặt hàng đều tăng giá so với ngày thường. Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy nhưng nhìn chung, nhân dân vẫn cố gắng lo cho gia đình mình một cái Tết tươm tất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast