Tây Ban Nha tìm lại phần mộ của “cha đẻ” Đôn Kihôtê

4 thế kỷ sau khi nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes (1547-1616) - nhà văn thuộc “thế hệ vàng” của văn học Tây Ban Nha - qua đời, chính quyền thành phố Madrid quyết định thực hiện cuộc tìm kiếm, hy vọng sẽ tìm thấy hài cốt của ông.

Nhà văn Miguel de Cervantes vốn là “cha đẻ” của hình tượng văn học kinh điển - nhân vật Đôn Kihôtê, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha.
Nhà văn Miguel de Cervantes vốn là “cha đẻ” của hình tượng văn học kinh điển - nhân vật Đôn Kihôtê, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha.

Cervantes từng được chôn cất tại một nhà thờ nằm ở trung tâm thành phố Madrid hồi tháng 4/1616. Tuy vậy, cho đến ngày nay, vị trí chính xác của ngôi mộ - nơi yên nghỉ cuối cùng của Cervantes - là một bí ẩn bởi khu nghĩa trang nằm trong khuôn viên nhà thờ đã thay đổi rất nhiều sau hàng thế kỷ tu sửa, mở rộng…

Nhà thờ vẫn còn đó nhưng ngôi mộ của nhà văn ở đâu thì không còn ai biết nữa. Kể từ năm 1921, căn nhà thờ này đã được xếp hạng là di sản văn hóa của thành phố Madrid, vì vậy, việc đào xới nền đất nhà thờ cổ để tìm kiếm hài cốt nhà văn Cervantes luôn là một kế hoạch gây nhiều tranh cãi.

Cho mãi tới gần đây, chính quyền thành phố mới quyết định phải tìm bằng được hài cốt của nhà văn nổi tiếng.

Nhà văn Miguel de Cervantes
Nhà văn Miguel de Cervantes

Giám đốc Ủy ban Quản lý Di sản Văn hóa thành phố Madrid đã phát biểu rằng: “Tìm thấy hài cốt của nhà văn Cervantes nghĩa là chúng ta trả được món nợ lớn với vị vua ngôn từ, với một người con ưu tú của dân tộc Tây Ban Nha. Cervantes đã để lại dấu ấn vĩ đại trong lịch sử văn học nước nhà và trên thế giới”.

Đối với thành phố Madrid, dự án khảo cổ này được coi là một trong những dự án văn hóa quan trọng nhất từng được tiến hành.

Khu vực mà nhà văn Cervantes từng sinh sống khi xưa ở Madrid giờ đã được đặt tên là quận Letras, nghĩa là văn chương, ngôn từ, để tôn vinh một công dân ưu tú từng sinh sống ở đây.

Nhân vật Đôn Kihôtê mà nhà văn Cervantes sáng tạo ra có tầm quan trọng và có sức ảnh hưởng không chỉ đối với nền văn học Tây Ban Nha mà còn với nền văn học thế giới.

Nhân vật Đôn Kihôtê
Nhân vật Đôn Kihôtê

Cuốn tiểu thuyết viết về nhân vật Đôn Kihôtê của Cervantes được coi là tiểu thuyết mang phong cách hiện đại đầu tiên của nền văn học Châu Âu, cũng đồng thời là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất mọi thời đại. Tầm ảnh hưởng của nhà văn Cervantes đối với ngôn ngữ Tây Ban Nha lớn tới mức người ta gọi ông là “Hoàng tử trí tuệ”.

Được xuất bản làm hai tập, lần lượt vào hai năm 1605 và 1615, tác phẩm “Đôn Kihôtê - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” được coi là một tuyệt phẩm châm biếm, trào phúng, một trong những tác phẩm văn học quan trọng nhất của nền văn học phương Tây.

Chính quyền thành phố Madrid tin tưởng rằng việc tìm kiếm hài cốt của nhà văn Cervantes là hoàn toàn khả thi với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến. Với dự án lần này, chính quyền thành phố Madrid dự kiến đầu tư khoản tiền 12.000-14.000 euro (tương đương 353-412 triệu VNĐ) và sẽ còn nhiều hơn thế nếu cần thiết.

Đôn Kihôtê đánh nhau với cối xay gió
Đôn Kihôtê đánh nhau với cối xay gió

Lễ tang của nhà văn Cervantes năm xưa được tổ chức rất giản dị, nhà thờ mà ông quyết định sẽ yên nghỉ ở đó là nhà thờ “nghèo” nhất tại thành phố Madrid.

Việc xác định bộ hài cốt nào là của nhà văn Cervantes thực ra khá đơn giản bởi khi xưa ông từng bị thương nặng ở bàn tay trái do trúng đạn khi tham gia vào quân đội hồi năm 1571. Trong suốt 45 năm còn lại của cuộc đời, ông hoàn toàn không thể sử dụng bàn tay trái này.

Bích Ngọc - Theo Naharnet

Nguồn: dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast