Ước mơ xuất ngoại và nỗi buồn sau lũy tre làng

Những câu chuyện muôn hình về tình trạng xuất khẩu lao động đã làm “nóng” lên những làng quê vốn bình yên trên địa bàn Hà Tĩnh. Có những giọt nước mắt của người trở về, những giọt nước mắt khi người thân vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách quê người....Và, trong cuộc mưu sinh khó nhọc, câu chuyện xuất khẩu lao động còn có những giọt nước mắt khi không ít người đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo...

> Bắt đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động

“Thân cò” và những món nợ nghìn đô…

Chúng tôi gặp ông Đoàn Văn Thìn, quê xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Tĩnh. Ông đến để tố cáo Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Việt tại Ninh Bình, có văn phòng đại diện tại số nhà 231 đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ông kể lại: Ngày 8/3/2012, thông qua người quen, chị Phan Thị Diễm Hằng (SN 1979), trú tại Thạch Tân, Thạch Hà đến giới thiệu cho gia đình ông và những người hàng xóm khác ở xã Kỳ Giang về một công ty có tổ chức đưa người sang Bồ Đào Nha xuất khẩu lao động. Tiền đặt cọc đối với một người là 2.000 USD. Công ty đảm bảo đưa người sang, có hóa đơn thu tiền, đảm bảo sau 3 tháng không “bay” được sẽ trả lại tiền gốc lẫn lãi bằng lãi suất ngân hàng. Nếu không thực hiện theo cam kết sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thời điểm đó, chị Hằng bảo có 2 suất được “bay”, nhưng mỗi suất phải hoàn tất số tiền phải nộp là 10.000 USD.

Ông Thìn liền “cắm” sổ đỏ vay ngân hàng và mượn sổ đỏ của người thân để cầm cố vay tiền cho con trai là Đoàn Văn Đức để xuất khẩu lao động. Thế nhưng 3 tháng, 4 tháng trôi qua, nợ ngân hàng thì chồng chất, người thân thì đòi sổ đỏ, trong khi con trai trông ngóng được hồi âm từ phía công ty.Thế nhưng mọi việc không diễn ra theo cam kết, một năm trôi qua cả chị Hằng và ông Hòa đều không tổ chức “bay” như lời hứa. Hiện nay, gia đình ông phải trả lãi hơn 10 triệu đồng một tháng. Không có ngày nào là không có người đòi nợ, tình cảm vợ chồng rạn nứt, nhiều khi ông bảo muốn… vào tù để quên hết mọi việc. Ông bảo, với món nợ này thì không biết bao giờ ông mới trả được.

Người dân đến cơ quan Công an tố cáo bị lừa đảo XKLĐ

Người dân đến cơ quan Công an tố cáo bị lừa đảo XKLĐ

Cũng giống như ông Thìn, bà Nguyễn Thị Hoa, người cùng xã, đã vay “nóng” 10.000 USD để con trai là Lê Văn Phong được “bay” cùng Đoàn Văn Đức sang Bồ Đào Nha cùng một lúc để có anh, có em ở đất khách quê người. Khi lời hứa tan thành mây khói, tiền không cánh mà bay, chị buộc phải đến cơ quan Công an tố cáo. Nợ chồng, nợ chất, gia đình như ngồi trên đóng lửa, vay lãi cao để trả lãi thấp, chị bảo, thà cứ ở nhà lao động vậy còn hơn…

Cùng với ông Thìn, bà Hoa, 4 người khác ở xã Kỳ Giang, Kỳ Tiến huyện Kỳ Anh đã nộp cho chị Hằng tổng cộng 28.000 USD. Ngoài ra còn có ông Phạm Văn Đính ở Thạch Vĩnh, Thạch Hà đã nộp cho công ty ông Hòa 7.500 USD cho con trai xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Thất Cường ở Thị xã Hồng Lĩnh từ tháng 6 đến tháng 8/2012 đã nộp cho ông Hòa 109.000.000đ….

Những chuyến bay không cất cánh và bài học cảnh giác cho người lao động

Đối tượng Nguyễn Văn Hòa
Đối tượng Nguyễn Văn Hòa

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía nạn nhân cung cấp, Ban chỉ huy Công an TP Hà Tĩnh đã chỉ đạo đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ vào cuộc. Theo kết quả điều tra, tháng 6/2011, Công ty cổ phần nhân lực quốc tế Việt chi nhánh tại Ninh Bình do ông Nguyễn Văn Hòa làm giám đốc mở văn phòng đại diện tại số nhà 231 đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, ngày 9/3/2012, Giám đốc Công ty cổ phần nhân lực Việt (có trụ sở tại Đô thị Văn quán, Hà Đông, Hà Nội) Lưu Thị Túy đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần nhân lực quốc tế Việt chi nhánh tại Ninh Bình không được tuyển dụng, thu tiền đào tạo, tiền vé máy bay, tiền visa, tiền dịch vụ, phí môi giới của người lao động tại các thị trường mà công ty chưa được Cục quản lý lao động nước ngoài cho phép thực hiện dưới mọi hình thức. Trước đó một tháng, ngày 9/2/2012, ông Nguyễn Văn Hòa đã bàn giao dấu của chi nhánh Ninh Bình cho công ty. Thế nhưng trong thời gian bị ngừng hoạt động, từ tháng 2 đến tháng 4/2012, lợi dụng có phiếu thu có sẵn dấu của công ty đã đóng trước đó, thông qua bà Phan Thị Diễm Hằng, ông Hòa đã nhận tiền và hồ sơ của 6 công dân ở xã Kỳ Giang và Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh (riêng 1 hồ sơ của công dân huyện Thạch Hà, 1 hồ sơ của công dân ở Thị xã Hồng Lĩnh thì đích thân ông hòa nhận) để đi xuất khẩu sang Bồ Đào Nha, Singapo với tổng số tiền 40.500 USD.

Khi những chuyến bay không thực hiện được như cam kết, ông Nguyễn Văn Hòa mới lộ rõ chân dung là kẻ lừa đảo. Có đầy đủ chứng cứ, tài liệu, ngày 23/4/ 2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Hòa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng có phiếu thu có sẵn dấu của công ty đã đóng trước đó, ông Hòa đã nhận 40.500 USD của 8 công dân ở Kỳ Anh, Thạch Hà, Hồng Lĩnh

Lợi dụng có phiếu thu có sẵn dấu của công ty đã đóng trước đó, ông Hòa đã nhận 40.500 USD của 8 công dân ở Kỳ Anh, Thạch Hà, Hồng Lĩnh

Từ vụ việc này, đại úy Lê Xuân Sang – đội trưởng đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Tĩnh cho biết: Để phòng tránh các hiện tượng lừa đảo trong xuất khẩu lao động, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động; giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, số doanh nghiệp có đủ pháp nhân và đựơc phép tuyển dụng lao động xuất khẩu hoạt động trên địa bàn, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ và phòng tránh thiệt hại cho người dân lao động. Tổ chức các đợt tư vấn XKLĐ cho lao động tại các thôn, tổ dân phố, công tác tư vấn XKLĐ cần được tập trung vào những nước hiện nay được người lao động đánh giá cao. Các ngành chức năng có liên quan đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ, các cơ sở giới thiệu việc làm, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trên từng địa bàn, kiên quyết loại trừ các doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện, thiếu thủ tục pháp nhân hoạt động giới thiệu việc làm và XKLĐ tại địa bàn.

Xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, tuy nhiên, người lao động cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tìm hiểu kỹ các công ty mà mình lựa chọn, phòng tránh “tiền mất tật mang” và các rủi ro có thể xảy ra..

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast