“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

(Baohatinh.vn) - Đằng sau ánh hào quang trong kinh doanh là một tấm lòng rất đỗi bình dị - đó là hình ảnh của chị Bạch Thị Hường - Giám đốc Công ty TNHH Châu Tuấn. Hơn nửa cuộc đời vật lộn trên thương trường, chị luôn đau đáu tâm niệm “muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, người cầm trịch phải luôn đặt chữ tâm lên đầu”.

Xuất thân trong gia đình nghèo khó tại xã Xuân An (nay là thị trấn Xuân An, Nghi Xuân), hơn ai hết, chị Hường thấu hiểu nỗi vất vả, cơ cực của người nông dân. Nghi Xuân vốn được coi là “vựa lạc” của Hà Tĩnh, nhưng chặng đường tìm đầu ra cho loại sản phẩm này còn lắm gian truân. Thời gian mở cửa hàng tạp hóa kiếm sống, chị đã bao lần chứng kiến người dân quê mình đánh vật với chiếc xe đạp chất đầy lạc đưa sang TP Vinh (Nghệ An) bán, rồi lại trở về với lưng áo ướt đẫm mồ hôi khi bị ép giá. Hình ảnh ấy đã chạm tới lòng trắc ẩn của người phụ nữ trẻ và trở thành động lực đầu tiên để chị khởi nghiệp con đường kinh doanh.

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” ảnh 1
Nữ Giám đốc Bạch Thị Hường chỉ đạo, hướng dẫn công nhân làm việc.

Từ cơ sở thu mua lạc quy mô nhỏ mở năm 1988, với ít vốn thu được, chị Hường dành dụm, đi khắp mọi miền đất nước tìm đối tác giải quyết đầu ra nông sản. Những bước chân không mỏi và ước ao cháy bỏng của người phụ nữ nặng lòng với quê hương đã được đền đáp. Năm 2001, cơ sở của chị kinh doanh theo quy mô lớn, lúc cao điểm lên tới 50 tấn. Cơ chế thị trường rộng mở cũng là lúc cơ hội đến, chị dần phát triển điểm giao dịch ra các nước Indonesia, Thái Lan, Singapore...

Năm 2002, giới doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đánh dấu sự xuất hiện của Công ty TNHH Châu Tuấn do Giám đốc Bạch Thị Hường sáng lập. Cũng từ đây, cái tên Châu Tuấn dần tạo được thương hiệu. Năm nhiều nhất, công ty thu về hơn 10 triệu USD từ xuất khẩu lạc. Công việc đang trôi chảy bỗng chốc bị gián đoạn do lượng bao bì khan hiếm. Những chuyến vào ra TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm nguồn bao bì đã đưa đến cho nữ doanh nhân ý tưởng kinh doanh mới.

Những ngày “ăn dầm ở dề” tại Trung Quốc, Đài Loan, chị Hường dần vỡ lẽ quy trình làm bao bì không khó. Năm 2008, chỉ vỏn vẹn 9 tháng từ khi có ý tưởng, nhà máy sản xuất bao bì chính thức được “khai sinh”. Khác với những doanh nghiệp chạy theo số đông, “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, Châu Tuấn lại có hướng đầu tư riêng. Tự nhận “mình từ nông dân mà ra” nên mỗi bước đi, ý nghĩ luôn thường trực trong nữ Giám đốc là phải ưu tiên hàng đầu cho nông dân, bởi vậy, nhà máy sản xuất bao bì chuyên về lĩnh vực nông sản ra đời. Đợt “tuyển quân” đầu tiên, Giám đốc Bạch Thị Hường ký hợp đồng với 300 lao động theo chủ trương ưu tiên hộ nghèo, hộ có lao động thiếu việc làm. Đến nay, đã 12 năm trôi qua, hàng trăm công nhân vẫn đồng hành với những thăng trầm của công ty.

Năm 2010, Công ty TNHH Châu Tuấn “lấn sân” sang lĩnh vực xây dựng, với những công trình nhỏ lẻ. Không ít người tỏ ra ái ngại với quyết định của Giám đốc Bạch Thị Hường khi gây dựng vào thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, “khó của người khác đôi khi lại trở thành thuận lợi cho mình và đó chính là lúc để tạo nên thương hiệu” - chị Hường tâm sự. Hàng năm, Châu Tuấn nhận hàng chục công trình với tổng giá trị cả trăm tỷ đồng. Để đảm bảo công trình thi công đúng tiến độ và chất lượng, công ty đề ra phương án huy động nguồn lực, bố trí con người hợp lý và tập trung đôn đốc, xúc tiến thi công, giám sát chặt từng hạng mục công trình. Với Châu Tuấn, chữ tín là hết sức quan trọng. Năm 2013, tổng doanh thu của công ty đạt hơn 130 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2014, con số này sẽ trên 200 tỷ đồng.

Cuộc sống của nhiều công nhân trong nhà máy cũng là điều khiến chị Hường trăn trở. “Muốn bền vững trong kinh doanh trước tiên phải quan tâm đến chính công nhân của mình”. Ngoài 10 căn nhà tình thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn, Công ty TNHH Châu Tuấn thường xuyên hỗ trợ công nhân ốm đau, bệnh tật. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (thuộc tổ may, công ty sản xuất bao bì) đã gắn bó với công ty kể từ khi thành lập, bày tỏ: “Chị Hường luôn thân thiện với anh em công nhân. Dù là phụ nữ, phải xoay chuyển trăm công nghìn việc nhưng chị vẫn dành thời gian quan tâm những người khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi cảm thấy vui và yên tâm với các chế độ đãi ngộ”. Hiện tại, thu nhập hàng tháng của chị Mai ở mức 6 triệu đồng. Theo chia sẻ của chị, rất nhiều công nhân, tùy tính chất công việc, mức lương có thể từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Sau 4 năm tạm rời hoạt động thu mua lạc, được mọi người tin tưởng, động viên, chị Bạch Thị Hường đã quyết định quay trở lại “gốc”. Trong năm 2015, Công ty TNHH Châu Tuấn sẽ xây 2 kho chứa, khu bảo quản hàng cho nông dân với diện tích 5.000m2/kho. Nữ doanh nhân luôn căn dặn con cháu phải đặt chữ tâm lên hàng đầu, biết chia sẻ và tôn trọng, giúp đỡ những người còn khó khăn hơn mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast