Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Vấn đề cấp bách!

Tình trạng mất cân bằng giới tính (CBGT) khi sinh đã ở mức đáng báo động, nhiều năm liền cao hơn mức bình quân chung của cả nước (năm 2012 là 115 bé trai/100 bé gái). Để kiểm soát tình trạng này, tỉnh ta đang gấp rút triển khai đề án “Can thiệp, giảm thiểu mất CBGT khi sinh giai đoạn 2013-2015”.

Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh tại Hà Tĩnh năm 2000 là 135 bé trai/100 bé gái, năm 2007 là 120 bé trai/100 bé gái. Hiện nay, tỷ số này đang biến động ở mức từ 113-115/100 (tỷ số chuẩn là 103-105 bé trai/100 bé gái). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất CBGT khi sinh là do người dân vẫn còn nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, mong muốn phải có con trai nối dõi tông đường. Mặt khác, chế độ an sinh xã hội chưa được bảo đảm, đặc biệt, đối với người cao tuổi dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn con gái. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về hậu quả và hệ lụy của mất CBGT khi sinh đối với gia đình, xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Người dân thường quan niệm, phải đẻ con trai mới đủ sức khỏe để đi biển, đi cày, gánh vác công to việc lớn của gia đình, dòng họ. Vì những lý do trên mà công tác tuyên truyền, vận động thực hiện đúng chính sách DS-KHHGĐ hết sức khó khăn, phức tạp…

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây nên những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây nên những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.

Chị Nguyễn Thị Lan - Chuyên trách dân số xã Kỳ Liên (Kỳ Anh) chia sẻ: “Nhiều khi, chúng tôi đến tư vấn và vận động các đối tượng sinh con một bề là gái không nên sinh thêm hoặc những đối tượng chỉ muốn sinh con trai, không ít lần nhận được câu trả lời: “Tôi đẻ được tôi nuôi”. Đáng nói là số trường hợp sinh con thứ 3 và mong muốn có con trai nối dõi là cán bộ, đảng viên, CNVC ngày một tăng cao”. Cũng theo chị Lan, để đạt được mục đích có con trai, nhiều người đã dùng các biện pháp can thiệp như tính ngày, tháng thụ thai, siêu âm lựa chọn giới tính... Tình trạng mất CBGT khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng buồn cho toàn xã hội khi xảy ra vấn đề dư thừa nam giới mà thiếu nữ giới. Đó không đơn thuần chỉ là việc nhiều nam thanh niên sẽ không lấy được vợ mà còn dẫn đến nguy cơ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, lạm dụng tình dục trẻ em, tệ nạn mại dâm… Thêm nữa, cơ cấu lao động trong xã hội cũng sẽ mất cân bằng, những ngành nghề cần lao động nữ sẽ bị thiếu hụt...

Trước thực trạng mức sinh không ổn định và mất CBGT khi sinh cao, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã gấp rút triển khai đề án “Can thiệp, giảm thiểu mất CBGT khi sinh giai đoạn 2013-2015”. Năm 2013, đề án được tiếp tục duy trì tại 147 xã thuộc 9 huyện, thị xã gồm: Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Hồng Lĩnh, Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, đồng thời mở rộng hoạt động tại 26 xã thuộc 3 huyện gồm: Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên.

Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ chú trọng mục tiêu truyền thông, cung cấp thông tin có chất lượng để các cơ quan truyền thông nhập cuộc, có được những thông điệp chất lượng cao; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở SXKD, báo, văn hóa phẩm đối với việc chấp hành quy định của pháp luật về nghiêm cấm tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giáo dục về dân số, mất CBGT khi sinh cho cán bộ quản lý các cấp thuộc địa bàn trọng điểm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS–KHHGĐ tỉnh Nguyễn Huy Tú cho rằng: Để giải quyết vấn đề mất CBGT khi sinh, giải pháp then chốt là tăng cường tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức trọng nam, khinh nữ còn tồn tại trong một bộ phận người dân. Hiện nay, một bộ phận người làm nghề y cho rằng, tiết lộ giới tính thai nhi là làm phúc mà không coi việc không cung cấp thông tin giới tính thai nhi là vấn đề căn bản của y đức. Bởi vậy, tuyên truyền cho đội ngũ này không cung cấp giới tính thai nhi chính là giải pháp lâu dài, bền vững nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast