Phòng chống cháy nổ: Nhiều địa phương, đơn vị còn chiếu lệ, đối phó

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhiều công trình, nhà máy, xí nghiệp, nhà cao tầng, khu CN-TTCN trọng điểm được hình thành và đi vào hoạt động. Đô thị hóa nhanh sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng cũng dẫn đến nguy cơ cháy nổ ngày càng cao...

Dự án FORMOSA, nhà máy nhiệt điện, tổng kho xăng dầu Vũng Áng và nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát ở nhiều khu đô thị… thể hiện tốc độ phát triển trong những năm qua trên địa bàn tỉnh ta. Tuy vậy, một vấn đề nổi lên là ở các công trường, đơn vị, nhà xưởng, khu kinh tế trọng điểm... luôn thường trực mối lo về an toàn cháy nổ.

Diễn tập PCCN ở Công ty Chế biến XNK gỗ Xuân Lâm (Nghi Xuân)

Diễn tập PCCN ở Công ty Chế biến XNK gỗ Xuân Lâm (Nghi Xuân)

Theo thống kê, trong 10 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta xẩy ra 217 vụ cháy công trình, trong đó có 78 vụ cháy các cơ sở là nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, văn phòng làm việc và 139 vụ cháy nhà dân; 282 vụ cháy rừng, làm 6 người chết, 17 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản trị giá khoảng 16,123 tỷ đồng, thiêu rụi 661,6 ha rừng các loại. Cũng trong thời gian trên, toàn tỉnh xẩy ra 13 vụ nổ, làm 10 người chết, 17 người bị thương. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã có gần 40 vụ cháy, làm 1 người chết, 1 người bị thương và thiệt hại về tài sản khoảng 6 tỷ đồng.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân gây nên các vụ hỏa hoạn, cháy nổ chủ yếu là do sự bất cẩn, chủ quan của con người. Trong đó điều đáng chú ý là hiện nay, cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cấp xã, thị trấn… chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC. Ngoài ra, hiện nay, ở nhiều công sở, đơn vị mặc dù có trang bị các phương tiện PCCC nhưng chỉ mang tính chiếu lệ, đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra, không quan tâm đến công tác bảo dưỡng, bảo quản; CBCNV có tham gia tập huấn cũng chỉ mang tính hình thức; chưa có các phương án cụ thể khi có vụ cháy xảy ra...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, toàn tỉnh có 1.485 cơ sở nằm trong diện quản lý về PCCC, trong đó có 173 cơ sở loại I, 581 cơ sở loại II và 731 cơ sở loại III. Ở những cơ sở này, nguy cơ hỏa hoạn có thể xảy ra là điều được báo trước!

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lương Hữu Phùng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an Hà Tĩnh cho biết: Để làm tốt công tác phòng chống cháy nổ (PCCN), thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC đến các tầng lớp nhân dân. Hình thức tuyên truyền cũng hết sức đa dạng, phong phú, góp phần làm chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi người trong công tác PCCC ở các cơ sở, khu dân cư, làng nghề, khu công nghiệp… Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC&CNCH chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, phòng nổ, CNCH cho các địa phương, đơn vị.

Đặc biệt, hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN năm nay với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là đã tổ chức diễn tập PCCN ở Công ty TNHH Chế biến gỗ xuất khẩu Xuân Lâm (Nghi Xuân), Công ty CP May, chợ Hà Tĩnh...; tập huấn nghiệp vụ về PCCC cho các đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao như: chợ Hội (Cẩm Xuyên), Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh, Công ty sang chiết gas...

Ngoài ra, lực lượng PCCC chuyên nghiệp cũng đã tăng cường công tác thường trực, huấn luyện nghiệp vụ. Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc - Đội trưởng Đội PCCC trung tâm cho hay: “Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, vừa qua, cán bộ, chiến sỹ Đội PCCC trung tâm tổ chức huấn luyện liên tục 20 ngày, trong đó có đi thực tế và huấn luyện ở một số cơ sở, doanh nghiệp… Chúng tôi tập trung huấn luyện và sử dụng các phương tiện mới như banh cắt thủy lực mới được trang bị, cứu hộ trên cao và dùng bình thở để cứu người bị mắc kẹt trong đám cháy, bơi cứu người dưới nước...”.

Tuy nhiên, hiện công tác PCCN trên địa bàn tỉnh ta còn gặp một số khó khăn, trong đó đáng chú ý là một số phương tiện của lực lượng PCCC chuyên nghiệp đã xuống cấp, chưa có xe thang, xe cứu hộ, cứu nạn... Ngoài ra, nếu có các vụ cháy như ở KKT Vũng Áng, việc phải di chuyển nhân lực, phương tiện quá xa sẽ khiến cho công tác chữa cháy gặp khó khăn, kém hiệu quả.

Theo Đại tá Lương Hữu Phùng, công tác PCCN phải liên tục và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể, hội viên và tất cả quần chúng nhân dân thì mới đem lại hiệu quả bền vững. Trong bối cảnh tỉnh ta đang tập trung huy động mọi nguồn lực tạo bước phát triển đột phá; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; nhiều khu công nghiệp, dự án lớn…, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị cần triển khai đồng bộ các biện pháp PCCC, cứu hộ, cứu nạn.

Đặc biệt, mùa hè đã cận kề, nguy cơ cháy nổ, cháy rừng rất cao, do vậy, các tổ chức, cá nhân phải đề cao cảnh giác, chủ động dự báo tình hình và đề ra nhiệm vụ, giải pháp sát hợp thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH cho người dân; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”… Có như vậy mới hạn chế được tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast