Đối đầu với T-14 Armata chỉ là chuyện nhỏ với Ba Lan

Theo tuyên bố của Ba Lan, một khi tăng tàng hình PL-01 nước này đi vào trang bị, đối phó với siêu tăng T-14 Armata không phải là vấn đề quá lớn.

Siêu tăng tàng hình

PL-01 là xe tăng chiến đấu mới nhất của Ba Lan sẽ được đưa vào sản xuất loạt năm 2018. Các maket cho thấy một thiết kế thấp, góc cạnh do các công ty Obrum và BAE thiết kế. Xe có phần thân ngắn và trọng lượng nhỏ hơn đa phần các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện nay với chiều dài 7m, rộng 3,8m, cao 3,8m, nặng 35 tấn.

Điểm làm nên sự khác biệt giữa PL-01 với các dòng tăng trên thế giới hiện nay là sự kết hợp của một khung gầm module đa nhiệm với tháp pháo tự động không người lái sử dụng pháo nòng trơn 105mm hoặc 120mm cho phép bắn cả đạn pháo và tên lửa. Tháp pháo có bộ nạp đạn ở phía sau với 16 viên sẵn sàng trong tổng số 29 viên đạn có thể mang theo. Pháo có tốc độ bắn 6 phát/phút và có góc nâng từ tà âm 10 độ tới tà dương 20 độ.

doi dau voi t 14 armata chi la chuyen nho voi ba lan

Tăng PL-01 của Ba Lan.

Ngoài hệ thống vũ khí chính là pháo 105mm hoặc 120mm, tăng PL-01 còn được trang bị thêm súng máy đồng trục 7,62mm bên trái pháo chính, một bệ vũ khí điều khiển từ xa trang bị súng 7,62mm hoặc 12,7mm và 2 giàn ống phóng lựu 40mm tự động, mỗi dàn có thể mang tới 6 ống phóng.

Để tấn công chính xác mục tiêu, hệ thống điều khiển hỏa lực của PL-01 là sự kết hợp giữa camera quang học, kính ngắm hồng ngoại hoạt động ngày đêm và thiết bị đo xa bằng lá gắn bên phải pháo chính hoạt động ở chế độ “thợ săn-sát thủ” cung cấp thông tin về vị trí và mục tiêu cần phá hủy mà không cần có xạ thủ.

Ngoài ra, mặt trước của PL-01 được bổ sung thêm một lớp giáp chống đạn thanh xuyên dày 30mm, trong khi toàn thân có khả năng chống mìn cấp độ 4 theo chuẩn NATO. Do được thiết kế theo công nghệ module nên thân xe hoàn toàn có thể “đắp” kín bằng các loại giáp chống đạn xuyên và đạn HEAT.

Quanh tháp pháo là các hệ thống cảm biến và cảnh báo khi bị chiếu laser. Hệ thống thông tin liên lạc, bảo vệ và quản lý chiến trường tích hợp cũng có một bộ quang điện tử, laser tác chiến ngày đêm tương tự trên tháp pháo, nó cung cấp cho kíp lái cái nhìn gần như toàn cảnh với góc quét 350 độ.

PL-01 cũng có thể được trang bị bộ dẫn đường vệ tinh, thiết bị phân biệt bạn-thù. PL-01 trang bị một động cơ diesel với hộp số tự động, hệ thống phanh thủy lực cung cấp khả năng vận hành trơn tru. Khung gầm xe sử dụng bánh xích 7 cặp bánh lót cao su, trong đó những cặp bánh đầu tiên, thứ 2, thứ 6 và thứ 7 có gắn các bộ giảm xóc chủ động.

Cuộc đối đầu có cân sức?

Những thông tin về tăng tàng hình PL-01 là cực ấn tượng, tuy nhiên dòng tăng này sẽ thế nào nếu xảy ra cuộc đối đầu thực sự với dòng tăng thế hệ mới T-14 Armata của Nga? Thua kém đầu tiên giữa PL-01 với T-14 là hệ thống hỏa lực.

doi dau voi t 14 armata chi la chuyen nho voi ba lan

Tăng T-14 Armata của Nga.

Trong khi siêu tăng Ba Lan được trang bị pháo chính với cỡ nòng 105mm hoặc 120mm thì tăng Armata của Nga có cỡ nòng lớn hơn nhiều khi lên tới 125 mm hoặc 152 mm với cơ số đạn lên tới 40 viên (PL-01 có 29 viên đạn), trong đó 32 viên được nạp tự động.

Bên cạnh đó, tên lửa chống tăng được sử dụng trên T-14 Armata được dẫn đường bằng laser với tầm bắn hiệu quả lên tới 5km song song với đó là mẫu đạn pháo thông thường. Ngoài ra nó còn được trang bị thêm các vũ khí phụ khác như pháo tự động 30mm và súng máy hạng nặng 12,7mm.

Về khả năng phòng thủ của T-14 Armata, hồi đầu năm 2014, Phó thủ tướng Nga Dmitriy Rogozin từng úp mở về hệ thống phòng thủ được trang bị trên Armata. Theo đó, xe tăng Armata sẽ trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Afganit với lượng nổ chuyên dùng cho phép đánh chặn đạn pháo, tên lửa tự dẫn ở cự ly gần, không quá 15-20m.

Theo một số nguồn tin, hệ thống Afganit đang được thử nghiệm để chống lại đạn pháo và tên lửa ở cự ly xa hơn trước khi trang bị cho Armata. Theo nhiệm vụ kỹ thuật, có kế hoạch mô phỏng tác động của đạn súng máy trên xe tăng với một số cỡ đạn với thân qủa đạn chống tăng. Có dự đoán là nếu bắn trúng quả đạn chống tăng thì quỹ đạo của nó sẽ bị thay đổi.

Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch cho Armata radar sử dụng công nghệ tương tự radar của siêu tiêm kích Sukhoi T-50, cũng như trang bị súng máy bắn tự động hoàn toàn.

Đại tá Victor Murakhovskiy - Tổng biên tập tạp chí Arsenal (Kho súng đạn) kể cho báo Izvestia: “Radar của xe tăng hoạt động trong chế độ tự động sẽ phát hiện ra quả đạn đang bay tới. Bộ thiết bị tính toán sẽ đánh giá các thông số của quả đạn đó và ra quyết định sử dụng vũ khí có trên xe tăng”.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay “lá chắn” Trophy của Israel là hệ thống bảo vệ xe tăng chủ động thành công duy nhất. Nhưng hệ thống này hoạt động theo nguyên lý khác: quả đạn nổ tạo ra trên chiếc xe bán cầu bảo vệ, bán cầu này tiêu diệt quả đạn chống tăng đang bay tới.

Dù một số thông tin về T-14 Armata vẫn được Nga bảo mật, tuy nhiên chỉ với những gì được công khai, siêu tăng này đã xứng đáng là loại tăng có sức mạnh công - thủ toàn diện nhất và sẽ tạo nên một cuộc đối đầu không cân sức với PL-01 của Ba Lan.

Theo baodatviet.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast