Ngày mai ai biết

Có vài tranh cãi nhỏ mỗi khi người ta nhắc lại cái ngày bà cô Ba Tý cất tiếng nói đầu tiên. Nếu ông nội không lảng đi chỗ khác, ông cũng chẳng xác nhận chuyện có hay không người chị đã bú cạn hai bầu sữa vốn dành cho ông lúc ấy mới tập bò.

Truyện 1.198 chữ của NGUYỄN NGỌC TƯ

Bữa đó cuối tháng ba, nhưng cũng có thể giữa chạp. Khi đứa con gái năm tuổi đầu chạy ra níu áo và nói sõi như chưa từng câm lặng từ lúc đẻ ra, cố đang quết bánh phồng ăn tết, hoặc đang cúng thanh minh ở mấy cái mả đất sau vườn. Và đứa trẻ chưa từng kêu tiếng má, bỗng rành rọt từng lời “mai con chết, má đừng buồn”.

Riêng câu nói ấy không có dị bản, ngay trong trí nhớ nhá nhem, lem luốc. Lạ lùng biết bao một đứa con nít cất lên lời từ giã cuộc sống bằng những tiếng nói đầu tiên trong đời. Làm đổ ly rượu cúng, bà cố nạt, mới mở miệng là nói bậy. Nhưng đứa trẻ nhắc lại lần nữa, lần nữa cho tới khi người mẹ khóc tru lên. Kéo nó lại chùa Nhỏ, bà lạy tới trán sưng, hai gối không đứng nổi. Sữa chảy khô còng cả thân áo trước, bà quên luôn thằng nhỏ chín tháng tuổi phải uống nước cơm đằng nhà. Hồi đầu thì năn nỉ, sau mệt quá bà chửi um mụ nội ông trời, tổ cha bồ tát, nỡ nào con nhỏ mới mấy tuổi đầu mà mấy người lại muốn đem đi. Ngỏn ngoẻn ăn hết ba nải chuối xiêm, con nhỏ chui vô gầm ban thờ ngủ một giấc, dậy ăn thêm đĩa khoai luộc của nhà chùa vẫn kêu đói. Nhìn con ăn cho một ngày mai sẽ không bao giờ tới, bà mẹ khóc khan.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Nhưng con nhỏ Tý vẫn sống tỉnh bơ, dù ngày nào nó cũng từ giã người thân bằng vẻ thanh thản pha một chút nghiêm trang khi nói ngày mai mình chết. Vẻ mặt mà một đứa con nít không bao giờ có. Nửa đêm bà mẹ thường phải dậy sờ soạng coi con còn thở không, thân thể nó có còn ấm nóng. Thời gian trôi quanh bà cô Tý sánh đặc thành giọt, gần như đếm được khi chúng rơi. Ăn một bữa hai tô, ngủ đẫy giấc tới sáng, chạy chơi đâu bà cũng không quên bảo xóm giềng mai mình chết. Lỡ thật thì sao, biết đâu chút nữa nó ngoẻo củ từ, ý nghĩ đó bảng lảng ngay cả lúc người ta nạt “đừng có xạo”.

Chỉ Ba Tý tin mình sắp rời cõi tạm khi từ chối phần đất ruộng được cố cắt cho, “Sống chỉ tới mai thôi thì vơ lấy chi cho mệt”. Cái mùng rách chỉ giăng có hai góc rưỡi giữa căn chòi cột cặm cuối vườn, chảo xoong méo mó, bà Tý đôi lúc thuyết phục được người ta tin vào cuộc đi lúc sớm mai. Hôm khâm liệm bà, gom hết tư trang trong nhà mới lưng lửng áo quan. Phải cắt lá chuối chèn cho đầy hòm, người ta nói vui để bà Tý xuống dưới giăng mùng.

“Ngày mai con chết” cũng là lý do bà quắp cứng một anh bên xóm Gò lúc mới mười lăm tuổi. Nếu ông nội không tránh đi khi nghe nhắc tới người chị gái, chắc gì ông kể chuyện chính mình thấy bà cô Tý lăn lóc với cậu bạn trên bờ ruộng, tưởng chị bị thằng kia cướp áo, tưởng chị đau lắm mới rên ử ừ ư, xót ruột ông chạy đi méc má.

Sau này gã trai đó hay khoe mình là người đàn ông đầu tiên của Ba Tý. Cười toe, bà nói kệ thằng chả, vui mà. Rốt cuộc, người vui cũng hơn một chục. Bà bắt cặp nhiều đến không nhớ xiết. Hồi đầu chen giữa nỗi lo mất mùa, lo chiến sự, cố còn rền rĩ đứa con gái hư thân, sau chỉ ngồi than phải chi hồi mới đẻ đừng bôi mật cá trê cho môi nó đỏ. Mà đâu chỉ môi đỏ như cháy, đôi má bà Tý cũng rực lên, tướng mạo tươi giòn. Người như cái ngó sen, đàn ông chỉ muốn cắn ngấu, muốn bẻ làm đôi. Đàn bà thì ngược lại ghét bứng dấu chân, nhưng có mắng chửi mấy Ba Tý cũng cười:

- Giận chi, mai cũng chết rồi.

Chút bùi ngùi làm nguôi những cơn giận dữ đổ lên đầu con đàn bà phóng túng, cả lúc cô ta na cái bụng chửa lặc lè. Ừ, biết đâu, không tự dưng lăn đùng ra chết thì cũng bom rơi đạn rớt. Thời loạn lạc, xác người vài ba bữa lại trôi cùng lục bình sông Muống, con nít nhìn theo tập thở dài. Chỉ bà cô Tý dửng dưng chiến sự, nhà cháy hay lụt chìm đồng.

Lo bom đạn không biết tới chừng nào, người ta sực nhớ tới lại thấy bà cô Tý chửa, với ai thì bà cũng không chắc. Bên nào bà cũng thương, bữa càn rát quá có người chạy vô nhà, bà giấu trong căn hầm bên dưới bộ vạt rồi tỉnh rụi vạch áo cho con bú. Đám lính ghé vô, không sục sạo được bởi đôi bầu vú mẩy che mờ con mắt, ông cầm đầu ở lại ử ừ ư với bà một đỗi, ra về trong chơi vơi. Đứa nhỏ bú mẹ đó sau này chọi miểng chai vô đồn bị bắt, Ba Tý lội bộ tìm người cũ xin đón con ra. “Dễ ợt - bà kể - Tui nói với thằng chả đứa nhỏ này từng chung bầu sữa với cưng”. Hỏi sao nó nhớ, mười mấy năm rồi mà, thì bà cô cười lúng liếng, “thì có cách nhắc nó nhớ chớ”.

Vào năm bà cô Tý sáu mươi tuổi, một cậu lính kiểng đồn Chẹt cứ lẽo đẽo theo bà để rửa chân cho. Ông nội gầm gừ, chị riết rồi coi không được, thằng nhỏ chỉ đáng tuổi con cháu mình. Mai chị chết rồi, bà cười.

- Giỏi thì chết liền tui coi.

Ông nội nghiến răng, ực ngụm trà cho bớt giận. Lúc day qua thấy bà cô ngoẹo đầu bên cửa, miệng vẫn tươi. Dường như cái hơi thở cuối cùng ra khỏi đôi môi đỏ đó nó trong veo, chói ngời.

Đám ma bà cô Tý, ông nội bỏ đi. Ông không bao giờ tha thứ cho người chị gái đã chết ngay trước mắt, sau câu nói vô tình của mình. Người ta vẫn kể đám ma vui lắm, vì những người ở lại đều đã được bà cô Tý từ giã tử tế. Không ấm ức, không tiếc nuối bởi những điều chưa kịp nói, họ còn vui vì người nằm kia đã sống đã một đời. Chỉ có vụ tranh cãi nhỏ giữa vài ông tình cũ, kẻ nói trên người bà có mười bảy nốt ruồi, ông kia cãi hết thảy là hai mươi ba.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast