Diêm dân Cẩm Lĩnh với nỗi lo chuyển đổi nghề

Trong ký ức của diêm dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thì HTX Trúc Lĩnh của những năm 1986 trở về trước như một điểm sáng trong nghề làm muối của cả nước. Nay, mọi sự hoàn toàn ngược lại, diêm dân nơi đây đang loay hoay với việc chuyển đổi nghề nhưng "vẫn chưa có chút ánh sáng nào phái cuối đường hầm"...

Năm nào cũng vậy, mỗi lần đến dịp giêng hai, sau mấy ngày nghỉ ngơi với chuyện tết nhất, những diêm dân của thôn 10, xã Cẩm Lĩnh lại tranh thủ thời gian tu sửa từng ô nại trên cánh đồng muối của mình. Năm nào, mùa nào, họ cũng phải lo lắng tính chuyện đắp bờ ngăn nước, nạo vét, xây bao, làm lại từng ruộng muối của gia đình.

Đồng muối của họ nằm ngay trước cửa biển, đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp dần bới tình trạng bị biển xâm thực. Chỉ mấy năm trước đây thôi, cả thôn 10 vẫn còn đến 7 tuyến muối, bây giờ chỉ vỏn vẹn hai tuyến xuống cấp trầm trọng. Đê bao không còn, ô nại hư hỏng, thứ còn lại chỉ là bùn đất lâu ngày đặc quánh lại trên mảng màu xi măng nhem nhuốc.

Từ ngày có dự án cầu Cửa Nhượng dài 1,3 km nối Cẩm Nhượng - Cẩm Lĩnh đi qua vùng đất này, cánh đồng muối của bà con thôn 10 đứng trước nguy cơ mai một dần. Sinh ra và lớn lên ở đây, chứng kiến bao sự đổi thay, với những diêm dân này, ký ức về những ngày sôi động của HTX muối Trúc Lĩnh ngày xưa vẫn luôn làm họ nuối tiếc và trăn trở.

Hắt hiu đồng muối Cẩm Lĩnh
Hắt hiu đồng muối Cẩm Lĩnh

Ông Thái Phi Yến, một người dân ở đây cho biết: “Ngày xưa dù khó khăn nhưng không khí sôi động của đồng muối, của những người làm muối chúng tôi vẫn gấp 10, gấp 15 bây giờ. Nói là khoán sản phẩm nhưng mới đến tháng 6 hằng năm là chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu sản lượng trên giao rồi. Sôi nổi lắm”.

Những diêm dân như ông Phạm Quyền – người mà chúng tôi gặp khi đang lọ mọ nạo từng mảng đất trên ruộng muối cho biết: Với diện tích chỉ còn 50m2, ông làm được khoảng 5 tấn muối một mùa, tính ra chưa được hai triệu đồng mỗi năm. Mọi chi tiêu đều trông cả vào đấy, đời sống vì thế mà ngày một khó khăn. Tuổi cao, sức người có hạn, ông bất lực khi thấy trước nguy cơ sẽ mất hẳn nghề muối truyền thống của cha ông để lại.

Điều đáng nói ở thôn 10 Cẩm Lĩnh - một vùng có truyền thống lâu đời về nghề muối đến bây giờ, đời sống của những diêm dân ấy lại đang đối diện với vô vàn khó khăn. Thừa lao động, thiếu việc làm là câu chuyện thường gặp. Từ 25 ha muối của vài chục năm trước đây, khí hậu bào mòn chỉ còn 15 ha và hiện nay, sau dự án cầu Cửa Nhượng, gần 200 khẩu ở đây chỉ biết trông chờ vào đồng muối 2 ha nhỏ nhoi còn lại. Thiên nhiên khắc nghiệt, hy vọng đổi nghề không phải là điều dễ dàng.

Ông Thái Quốc Minh – Thôn trưởng thôn 10, xã Cẩm Lĩnh cho biết: “Lo nhất là trẻ nhỏ và người già. Muốn học lên cũng không có điều kiện. Người già càng vất vả, không việc làm, loanh quanh cũng chỉ biết vài con tôm con cua. Nhưng già rồi, đọ sao được với thiên nhiên, sông nước...”.

Đê bao không còn, ô nại hư hỏng, thứ còn lại chỉ là bùn đất lâu ngày đặc quánh lại trên mảng màu xi măng nhem nhuốc
Đê bao không còn, ô nại hư hỏng, thứ còn lại chỉ là bùn đất lâu ngày đặc quánh lại trên mảng màu xi măng nhem nhuốc

Số muối hiếm hoi còn lại trong kho đã tan theo dòng nước lũ hồi tháng 10, không trụ lại được khó khăn, nhiều người trong độ tuổi lao động ở đây đã gửi lại cháu cho ông bà, người vào Kiên Giang làm thợ lặn, kẻ tìm đến Bình Dương rồi Đắc Nông, Đăclak… Tuổi già vắng bóng các con, quy luật mưu sinh và tồn tại dường như khiến họ rắn lòng hơn… Bà Nguyễn Thị Ty nói với chúng tôi: Thương con đứt ruột nhưng biết sao đành. Muốn tồn tại thì chúng phải đi thôi. Hai ông bà tui, già rồi mà vẫn phải chạy lên chạy xuống, trông bốn nhà và hai đứa cháu.

Từ một thôn với 135 hộ sống bằng nghề chủ yếu bằng nghề làm muối, đến nay, gần 2/3 hộ ở đây đã nỗ lực chuyển đổi nghề để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn đến hơn 40 hộ rơi vào tình trạng khó khăn. Nhà thì người già và trẻ nhỏ, nhà thì khó khăn không đủ tiềm lực để vươn lên… Kho muối mấy chục năm về trước này vẫn hiện hữu trước cổng làng như chính dĩ vãng nghề xưa vẫn đeo bám mỗi người dân nơi đây.

Ông Phó Chủ tịch UBND Cẩm Lĩnh Phạm Văn Tiu trăn trở: “Điều cần nhất với bà con nơi đây là phải chuyển đồi nghề để có điều kiện thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, điều kiện địa phương có hạn, muốn tìm một nghề phù hợp bà con nơi đây vẫn không hề đơn giản.”

Lại thêm một góc nhà sụp mái, thêm những giàn khói trống hoác thiếu củi đốt… Nhìn ra, cả làng vắng thanh niên, tuổi già chỉ biết cậy bóng lẫn nhau. Dường như, với những diêm dân thôn 10, xã Cẩm Lĩnh, khát vọng đổi nghề hãy còn xa lắm…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast