Một thời để nhớ

Ngày 5-8-1964, bầu trời miền Bắc trong xanh vời vời và bình yên là thế, bỗng những đàn quạ sắt Mỹ ập đến rạch nát như những vết chém dài loang lỗ. Mà điểm đánh phá vào thời khắc nghiêm trọng ấy là Sông Gianh, Nhật Lệ (Quảng Bình); Cửa Lò - Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường, (Thanh Hóa); Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Một thời để nhớ! - Ảnh: QĐND online
Một thời để nhớ! - Ảnh: QĐND online

Sau sự kiện ấy rất gần, giữa tháng 9-1964, thanh niên chúng tôi nô nức đi khám sức khỏe để vào quân đội. Xã tôi, Kỳ Hải, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhiều thanh niên tráng kiện lắm vậy mà khi khám tuyển chính thức, số đi suốt tới phòng 12 để đo quần áo, dày dép, mũ thì không nhiều lắm, trong số này có tôi và Sơn đều xếp loại A2. Tối hôm ấy, nhà nào cũng khá đông người đến chào mừng trai làng trúng tuyển sắp vào quân ngũ. Nhưng nhà Sơn là đông hơn hết. Ngoài những cụ ông, cụ bà, các bác nông dân kéo nhau tới đàm đạo thời cuộc, uống nước chè xanh, hút thuốc cuộn còn lại phần lớn là nam nữ thanh niên. Ông bà Bảng - cha mẹ Sơn cũng hớn hở khác thường. Trong số bạn trẻ, tôi nhận ra bóng dáng của một cô thôn nữ lấp ló ngoài cửa nhà Sơn, ngập ngừng, e lệ. Chính cô ta ít lâu sau trở thành vợ của chàng trai sắp vào lính là Hoàng Xuân Sơn.

Thời gian đi qua thật nhanh, đúng ngày Rằm tháng Giêng năm 1965, xã tôi có 9 thanh niên lên đường trong số 12 anh trúng tuyển. Điểm tập trung là Huyện đội Kỳ Anh để làm thủ tục giao quân, lãnh đạo huyện nhà động viên căn dặn và trang bị quần áo, dày dép, mũ... Kể từ giờ phút ấy, cảm thấy hạnh phúc làm sao được làm người chiến sỹ, lấp lánh ánh sao vàng. Tối hôm đó, chúng tôi ba lô, hàng ngũ chỉnh tề xuất phát lên đường. Tôi chưa vướng bận về gia đình nên vô tư, thoải mái đến lạ thường. Trong giờ phút chờ đợi lệnh, đôi vợ chồng trẻ Sơn - Cờ không rời nhau nửa bước như bóng với hình, quyến luyến ngây ngất. Họ cố tận hưởng từng giây phút quý giá để rồi xa nhau chưa hẹn ngày gặp lại. Mắt nàng đỏ hoe, đẫm lệ. Phút giây thiêng liêng ấy cô không kiềm chế nỗi lòng mình nên đã cắn một nhát vào tay chàng, làm anh đau điếng. Họ lý giải, tôi nghe không nhịn được cười, làm như vậy để cho đỡ... nhớ, lúc đôi chim mỗi con một phương trời xa thẳm.

Thời kỳ huấn luyện chiến sĩ mới trong thời gian 3 tháng, tôi và Sơn ở chung tiểu đội. Sơn thương tôi lắm vì đã quá rành rẽ về hoàn cảnh, ở chung làng giờ lại cùng đội ngũ. Còn tôi cũng hết sức thông cảm và thương Sơn không kém. Cưới vợ chỉ được hơn một tháng đành phải xa nhau, biết bao giờ gặp lại? Sơn đôi khi tâm sự với tôi: gần nhau thì không nói làm gì, đằng này đời lính chiến chúng mình sẽ còn lâu mới được trở về bên người yêu thương. Vậy mà... Sơn nói lấp lửng nhưng tôi đoán ra. Nghĩa là chưa kịp để lại cho người vợ trẻ một đứa con để bù đắp nỗi nhớ chồng lúc xa vắng, những đêm trường quạnh quẽ. Nói là vậy, nhưng thời gian cứ khép kín 24/24 giờ trong ngày, còn đâu để mà nghĩ ngợi miên man. Giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới cũng qua đi mau chóng, mỗi đứa được phân về một đơn vị, tiếp tục huấn luyện nâng cao để đi chiến đấu.

Tôi còn nhớ như in cái đêm xuất quân ấy, trời tối đen như mực, gió rét căm căm, mưa sụt sùi vào cuối năm 1967. Cả đoàn quân im lìm nối dài tập hợp tại một điểm thuộc địa phận xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Linh cùng Ban chỉ huy Tỉnh đội... lần lượt bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ và căn dặn thân thiết:

- Các em ra đi mạnh khỏe, nhớ mang chiến công về cho tỉnh nhà. Và đặc biệt có cả "quà sống" nữa nhé!

Xung kích! - Ảnh: QĐND Online
Xung kích! - Ảnh: QĐND Online

Ý ông nói gắng bắt được tù binh Mỹ để đáp lại mong đợi của hậu phương. Phiên hiệu đơn vị lúc ấy là Tiểu đoàn 44, bộ đội địa phương Hà Tĩnh, sau đó đổi thành Tiểu đoàn Hồng Lĩnh - tên một dãy núi của quê hương, nằm trong đội hình Trung đoàn 27 Mặt trận B5, do Trung tá Hà Tiềm - Trung đoàn trưởng, Trung tá Đoàn Sáu - Chính ủy, hoạt động ngay chiến trường Quảng Trị, nằm trên tuyến hàng rào điện từ mắc-na-ma-ra ấy. Ai đã từng một lần qua đây, dấu ấn sẽ để lại suốt đời.

Quả thật, chúng tôi không phụ lòng tin yêu của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà, tiếp sức kịp thời cho tiền tuyến lớn tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền. Những lần xuất quân, các đơn vị đều lập được chiến công vẻ vang như ở các trận: Mai Xá Thị, Phúc Sa, Bắc Cửa Việt... Những chàng trai sông Lam, núi Hồng xung trận đã không hổ thẹn với truyền thống bất khuất của cha ông. Song, trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù cường bạo, khó mà tránh khỏi mất mát hy sinh. Chúng tôi thấu hiểu bao người cha, người mẹ, người vợ... ở hậu phương đang ngày đêm dõi theo bước người thân ngoài chiến trận vẻ vang trở về sum họp ngày toàn thắng. Trong số họ có người vợ trẻ bạn tôi: cô Dương Thị Cờ.

Nhưng bi tráng thay, bao cán bộ, chiến sĩ đã không tới được cái đích ngày toàn thắng 30-4-1975 lịch sử. Đó là các anh: Thiềng, Tân - Đại đội trưởng; Cù Huy Đường - Chính trị viên, rồi Trần Nhật Tân - Tham mưu trưởng Tiểu đoàn, dân Hà Nội chính mác, nổi tiếng nghiêm túc, ai cũng nể trọng. Vậy mà trong một chuyến đi thực địa cùng với Lân - đội viên trinh sát. Cả hai thầy trò cùng chịu chung quả đại bác của địch. Ông bị mất thi thể không tìm thấy mẩu xương thịt nào sót lại. Còn Lân, mảnh đạn đã cướp đi một con mắt. Mà đâu đã hết, còn Bằng, Hùng, Thọ, Lộc, Lành, Loan, Cương, nhiều lắm liệt kê có tới hàng trang giấy.

Còn Sơn bạn tôi? Vào trung tuần tháng 3-1968 không thể nào quên ấy, giứa cát trắng mênh mông Phúc Sa - Bắc Cửa Việt, Đại đội 1 và Đại đội 2 có nhiệm vụ án ngữ địch từ Cửa Việt tràn lên hỗ trợ cho Đồn 31 đóng tại Nhị Trung. Địch đã dùng một lực lượng lớn có cả phi pháo, xe tăng yểm trợ. Đặc biệt, lợi dụng dịa hình trống trải, máy bay trực thăng đổ quân xuống trận địa. Bốn phía chúng đánh úp lại chặn cả đường tiếp viện của ta. Đạn cạn kiệt, mỗi khẩu súng chỉ còn vài ba viên đạn, một hai trái lựu đạn phòng thân khi bị sa vào tay giặc, một mất một còn với chúng.

Thế là trận địa bị chọc thủng, số anh em sống sót cũng ở vào thế hết sức bi đát dẫn đến lần lượt hy sinh, quyết không chịu sa vào tay giặc. Sơn bị một viên đạn 12,8 ly xuyên qua đùi, gãy lìa một chân, máu đầm địa. Địch tràn lên, chúng lật qua, lật lại, tưởng đối phương đã chết thật rồi nên bỏ đi. Không ngờ chúng vừa qua khỏi, Sơn đã thở ra khá mạnh phát thành tiếng. Tên địch hầm hầm quay lại như một con thú say máu, xả thêm một loạt đạn vào ngực Sơn. Thế là anh phải vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời 24.

Địch rút, trận địa trở lại yên tĩnh. Tối hôm ấy, Nguyễn Anh Bơ cùng một số anh em được giao nhiệm vụ vào thu dọn chiến trường, làm công tác thương binh, liệt sĩ. Thương ôi, thân thể Sơn nhàu nát, dính đầy vết đạn đen nhẻm thuốc súng. Chỉ hàm răng trắng như còn mỉm cười và hai má lúm đồng tiền duyên như con gái là hiện rõ, không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, đôi mắt đăm đắm nhìn đồng đội như muốn nhắn gửi một điều gì thiêng liêng, tha thiết lắm.

Một thời và mãi mãi - Ảnh: QĐND Online
Một thời và mãi mãi - Ảnh: QĐND Online

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, như trăm ngàn người lính khác còn may mắn trở về, trong ngày đầu tiên, tôi đã tới nhà Sơn để thắp hương cho bạn, cùng hỏi thăm gia đình, chia sẻ nỗi đau thương mất mát. Một điều làm tôi bất ngờ đến nao lòng, khi xem giấy báo tử của Sơn, được biết thêm, đứa em ruột tên Hoàng Xuân Bình, hai anh em cùng hy sinh trong vòng một tháng, cách nhau chỉ ít ngày. Bình hy sinh tại thung lũng Khe Sanh, còn Sơn ngã xuống tại Phúc Sa, cùng mặt trận B5, chiến trường Quảng Trị. Tôi sững sờ đứng lặng hồi lâu mà không cầm được nước mắt.

Đành rằng, con cái, đứa nào cũng đều là máu thịt của bố mẹ, song ông Bảng - thân sinh của hai liệt sỹ, là đảng viên lão thành cách mạng, cán bộ nhà nước nghỉ hưu, còn nén được nỗi đau vào trong nhưng bà Bảng, từ khi nhận được liền hai giấy báo tử – dâng hiến hai người con cho Tổ quốc, bà suy sụp hoàn toàn về tinh thần lẫn sức khỏe. Bà khóc đến cạn kiệt nước mắt, đôi mắt bà từ đục mờ đến tắt hẳn ánh sáng, cụ ông và các con, cháu phải phục vụ trong mọi sinh hoạt. Thân thể bà tàn tạ đến không tưởng cho tới ngày rời dương thế. Hôm tôi đến thăm, bà sờ nắn từ đầu đến chân, tỏ ra mừng rỡ như con mình về vậy. Bà nói:

- Sơn ơi! Bình ơi! Các con đã về đây với mẹ rồi đó ư? Các con đi lâu quá, xa quá, làm cho mẹ phải mòn mỏi đợi chờ. Mà vợ con đâu? Thằng Sơn đã gặp vợ chưa? Hay nó còn đi làm đồng chưa về?

Bà vừa nói vừa vuốt ve tôi, nhưng miệng lại kêu Sơn, Bình như hai đứa con mình đang ngồi trước mẹ vậy. Hóa ra, bà đã lãng đi nhiều quá, lúc nhớ, lúc quên, vậy mà, trong tâm tưởng người mẹ cứ in đậm bóng dáng những đứa con máu thịt của mình. Rồi bà mệt quá, thiếp đi trên chiếc chõng tre thường ngày bà vẫn nằm vậy. Bất giác, tôi nhớ về một bài hát cấu tứ giản dị, tha thiết mà sâu lắng lạ. Lời bát hát miêu tả: Có người lính mùa thu ấy… ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa xuân ấy… ra đi từ đó không về… Dòng tên anh khắc vào đá núi… Cây ngàn có bóng mây che… Chiều biên cương trắng trời rừng núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo… Việt Nam ơi! Việt Nam… Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con…

Đến lượt ông Bảng nói: “Chú ạ - ông kêu tôi như vậy. Tôi hiểu cái giá phải trả cho độc lập, tự do của toàn dân tộc ta, cho đất nước. Nhưng đau lắm chú ạ! Một lúc mất những hai thằng con khỏe mạnh, vạm vỡ. Thằng em chưa vợ thì đã đành. Thằng anh đã có vợ nhưng không kịp để lại cho ông bà đứa cháu, cho đời một mầm xuân. Thương con rồi lại thương dâu, bao năm đằng đẵng chờ chồng. Giữa đoạn trường, cuộc đời con dâu tôi sẽ sao đây? Ngừng một lúc, ông tiếp:

- Con người ta chết được chôn nghĩa trang nọ, nghĩa trang kia. Còn con tôi, chết “chôn” sâu trong lòng cha mẹ!

Sau này, tôi mới vỡ lẽ, thi hài Sơn được an táng tại mặt trận nhưng sau đó bị bom đạn đào xới nên thất lạc luôn. Nhiều lần, anh em trong gia đình cất công tìm kiếm mà vẫn không hề nhận được phần mộ em mình. Ngay bức ảnh thờ cũng bị nước lụt năm 1972 dâng cao làm mục nát. May thay, mãi mấy mươi năm sau này, tôi soát xét, còn thấy lại tấm ảnh nhỏ của Sơn. Tôi trân trọng như một kỷ vật của người đồng đội. Và phóng to gửi tặng gia đình Sơn một tấm, còn một tấm lưu niệm tại nhà mình, ở dưới, tôi ghi mấy câu thơ để lại mai sau cho con cháu hiểu phần nào sự mất mát, hy sinh của thế hệ cha ông: Nhớ sao thuở ấy Sơn ơi/ Lên đường đánh Mỹ, ngút trời hờn căm/ Phúc Sa, mảnh đất Sơn nằm/ Tuổi xuân gửi lại ngàn năm cho đời/ Mình về thương lắm Sơn ơi!/ Quê hương ta đó, tình người thiết tha…

(Hội CCB tỉnh Đồng Nai)

Biên Hòa, ngày 30-6-2007

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast