Hồi giáo sôi với Charlie Hebdo

Tại Niger, Trung tâm văn hóa Pháp bị đốt. Bốn người chết trong xung đột.

Ngày 17-1, dinh tổng thống Afghanistan đã phát thông cáo có nội dung như sau: “Tổng thống Mohammad Ashraf Ghani lên án mạnh mẽ biếm họa tiên tri Muhammad đăng mới đây trên báo Charlie Hebdo và đánh giá đó là xúc phạm Hồi giáo và thế giới Hồi giáo”. Thông cáo cho biết Tổng thống Ashraf Ghani đánh giá báo Charlie Hebdo đăng biếm họa ấy là “vô trách nhiệm”, tự do ngôn luận phải được sử dụng theo cách xây dựng để cổ vũ cho các tôn giáo cùng sống chung hòa bình.

Tại Pakistan, nước láng giềng của Afghanistan, các tín đồ Hồi giáo tại nhiều địa phương đã biểu tình phản đối báo Charlie Hebdo. Sự kiện báo Charlie Hebdo đăng biếm họa tiên tri Muhammad trên trang nhất số ngày 14-1 đã gây phẫn nộ ở Bắc Phi và Trung Đông.

Sau lễ cầu kinh thứ sáu ngày 16-1, các tín đồ Hồi giáo đã biểu tình rầm rộ đả kích báo Charlie Hebdo.

Biểu tình phản đối báoCharlie Hebdo ở Amman (Jordan) ngày 16-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Biểu tình phản đối báoCharlie Hebdo ở Amman (Jordan) ngày 16-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Ở khu vực Trung Đông, biểu tình đông đảo nhất diễn ra ở Amman (Jordan) với 2.500 người tham gia. Quốc vương Abdullah II nhận xét báo Charlie Hebdo là “vô trách nhiệm’ và “vô ý thức”.

Tại Qatar, Liên minh Các nhà thần học thế giới đã chỉ trích cộng đồng quốc tế giữ thái độ im lặng đáng xấu hổ trước hành vi xúc phạm tôn giáo của báo Charlie Hebdo. Trước đó, chính phủ đã tố cáo báo này kích động hằn thù.

Tại Bahrain, Bộ Ngoại giao lên án hành vi phát hành biếm họa sỉ nhục tiên tri Muhammad và ghi nhận hành vi đó đã tạo điều kiện thúc đẩy hằn thù và khủng bố.

Tại Đông Jerusalem, cờ Pháp đã bị đốt trong cuộc biểu tình của hàng trăm người Palestine.

Ở Bắc Phi, hơn 1.000 người biểu tình trước đại sứ quán Pháp ở Dakar (Senegal). Một lá cờ Pháp bị đốt. Cảnh sát phải dùng hơi cay giải tán biểu tình.

Tại Mali, hàng ngàn người xuống đường tại Bamako theo lời kêu gọi của Hội đồng Cấp cao Hồi giáo.

Tại Sudan, một số người biểu tình đòi trục xuất đại sứ Pháp và yêu cầu chính phủ Pháp phải xin lỗi. Tại Mauritania, Tổng thống Mohamed Ould Abdel Aziz phát biểu lên án chủ nghĩa khủng bố, đồng thời chỉ trích các bức biếm họa “nhơ bẩn”.

Đặc biệt tại Niger, khoảng 50 người biểu tình phá cửa vào Trung tâm văn hóa Pháp ở Zinder rồi phóng hỏa bất chấp cảnh sát bắn chỉ thiên. Ba nhà thờ Công giáo và Tin lành cũng bị đập phá.

Trên đường phố, những người biểu tình trang bị cung tên, gạch đá đã xung đột với cảnh sát. Tổng cộng có bốn người chết, trong đó có một cảnh sát và 45 người bị thương.

Tại Algeria, một số người biểu tình mang biểu ngữ “Tôi là Kouachi” để ủng hộ anh em nhà Kouachi (hai tên đã tấn công báo Charlie Hebdo). Xung đột với cảnh sát bùng nổ khi người biểu tình định vượt qua hàng rào cảnh sát bảo vệ tòa nhà Quốc hội.

AFP đưa tin ngày 16-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã chỉ trích mạnh mẽ báo Charlie Hebdo.

Ông tuyên bố: “Đây là một tạp chí nổi tiếng với các ấn bản khiêu khích các tín đồ Hồi giáo, Công giáo, mọi người… Đó không gọi là tự do, đó gọi là gieo rắc khủng bố bằng cách chà đạp tự do của người khác”.

Ngày 16-1 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeffrey Rathke tuyên bố Mỹ lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình phản đối báo Charlie Hebdo ở các nước Hồi giáo. Người phát ngôn khẳng định quyền phổ quát của báo chí là tự do công bố mọi thông tin, trong đó bao gồm biếm họa. Người phát ngôn kêu gọi kiềm chế và tôn trọng nhà nước pháp quyền.

Khi được hỏi về bạo lực xảy ra ở Pakistan và Niger đối với lợi ích của Pháp, người phát ngôn Jeffrey Rathke khẳng định: “Bất cứ hành vi báo chí hợp pháp nào, cho dù dưới mắt một số người hành vi đó mang tính chất xúc phạm, cũng không thể biện minh cho hành động sử dụng bạo lực”.

Theo Pháp luật TP.HCM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast