Thị trường bánh kẹo: Hàng ngoại chiếm ưu thế

(Baohatinh.vn) - Với ưu thế đa dạng về chủng loại, hương vị và mẫu mã đẹp, thời gian gần đây, tại thị trường Hà Tĩnh, bánh kẹo ngoại nhập đã lên ngôi. Ngoài các sản phẩm xuất xứ từ Nga, Anh, Hàn Quốc, từ đầu năm 2015, khi thuế suất còn 0% đối với bánh kẹo nhập khẩu, thị trường còn “ồ ạt” xuất hiện hàng của các nước trong khối ASEAN như Malaysia, Indonesia, Thái Lan...

Không chỉ xuất hiện khiêm tốn ở siêu thị hoặc một số đại lý lớn như trước đây, hiện nay, người tiêu dùng không còn gặp khó khăn khi chọn mua một sản phẩm ngoại nhập. Hầu như các đại lý bánh kẹo ở khắp các ngả đường như Phan Đình Giót, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông, Xuân Diệu, Trần Phú, Hà Huy Tập… và các huyện, thị đều có kệ dành riêng trưng bày bánh kẹo ngoại. Theo ghi nhận của chúng tôi, có một số mặt hàng bánh kẹo ngoại còn tạo nên cơn “sốt” trên thị trường như kẹo quế, kẹo sâm, bánh Mochi Hàn Quốc; kẹo gừng dẻo Indonesia…

Chị L., chủ cửa hàng chuyên bán bánh kẹo nhập khẩu trên đường Phan Đình Giót (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trước đây, chúng tôi bán chủ yếu các loại bánh của Hàn Quốc, Anh, Nga nhưng từ khi thuế suất đối với các mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu còn 0% thì sản phẩm trở nên đa dạng hơn. Với mức giá từ 30.000-300.000 đồng/sản phẩm, đối tượng khách hàng cũng khá đa dạng. Ngoài thời điểm tết, người dân mua về dùng thì chủ yếu vẫn được mua với mục đích làm quà biếu hoặc tiếp khách (ở một số cơ quan)”.

Thị trường bánh kẹo: Hàng ngoại chiếm ưu thế ảnh 1

Nhiều loại bánh kẹo nhập khẩu đang chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

Theo quan sát của chúng tôi, tại siêu thị Vân Dũng, lượng bánh kẹo ngoại luôn chiếm ưu thế trên kệ trưng bày sản phẩm. Giá kẹo dao động từ 17.000 - 200.000 đồng/gói, giá bánh dao động từ 60.000 đến 200.000 đồng/hộp tùy trọng lượng và chủng loại. So sánh với giá của hàng nội thì mức chênh lệch khoảng 10-15%, nghiêng về hàng ngoại. Và với nhiều khách hàng thì để sở hữu một sản phẩm ngoại nhập, mức giá đó có thể chấp nhận được.

Trong xu thế người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì đây là thực tế đáng buồn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Việt Nam chưa thực sự có chiến lược (hoặc điều kiện) để cạnh tranh với hàng ngoại. Anh Nam - một khách hàng cho biết: “Tuy giá bánh kẹo ngoại cao hơn hàng nội, nhưng rõ ràng các tập đoàn hoặc công ty bánh kẹo lớn của Việt Nam đã bỏ ngỏ một số mặt hàng hoặc nếu có thì chất lượng, mẫu mã cũng không bằng. Vì vậy, khi có việc cần quà biếu hoặc dùng cho gia đình, tôi vẫn chọn các loại bánh kẹo của Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Anh”.

Ngoài các mặt hàng thưởng thức, đãi khách, nhiều năm lại nay, một số tập đoàn lớn ở Việt Nam như Kinh Đô (nay đã bán mảng sản xuất bánh kẹo cho một tập đoàn của Mỹ), Bibica, Hữu Nghị cũng đã đầu tư sản xuất các mặt hàng biếu tặng nhưng mức giá cạnh tranh không cao nên vẫn chưa được khách hàng đón nhận. Trong khi đó, các loại bánh Mochi của Hàn Quốc với nhiều vị lạ và ngon, bánh truyền thống Danisa thơm ngon nức tiếng của Anh, Choco pie gift của Malaysia… vừa đẹp về mẫu mã và giá cả chênh lệch rất ít nên đã thu hút một lượng lớn khách hàng.

Trong phân khúc thị trường bánh kẹo ngoại nhập, hàng Thái Lan có giá mềm hơn cả. Xuất hiện trên thị trường Hà Tĩnh nhiều năm nay thông qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các mặt hàng bánh kẹo Thái Lan trở thành sản phẩm tiêu dùng quen thuộc của người dân Hà Tĩnh. Tại TP Hà Tĩnh, bánh kẹo Thái Lan không chỉ được bày bán ở các đại lý, cửa hàng kinh doanh sản phẩm Thái, mà còn xuất hiện khá nhiều ở các quầy hàng trong chợ tỉnh. “Phủ sóng” nhiều nhất phải kể đến các loại kẹo Dynamite, XO, snack tăm, bánh gấu, bánh dứa, bánh trứng…

Chị H. - chủ một shop chuyên kinh doanh hàng Thái Lan cho biết: “So với các loại bánh kẹo của các nhãn hàng trong nước thì hàng nhập từ Thái Lan giá không cao hơn, hơn nữa lại được khách hàng đánh giá là có vị ngon đặc trưng, không quá ngọt, quá béo nên dễ ăn so với một số loại bánh kẹo sản xuất trong nước. Vì thế, mức tiêu thụ của mặt hàng này ở cửa hàng tôi khá cao, nhất là vào dịp tết, Quốc tế thiếu nhi 1/6, trung thu…”. Chị L. - chủ một cửa hàng ở thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) cho biết: “Với chất lượng và giá cả ổn định, nhiều năm nay, sản phẩm kẹo ngọt của Thái Lan như XO, Dynamite các vị… thu hút lượng khách hàng lớn. Tỷ lệ tiêu thụ hàng Thái và hàng Việt luôn ở mức 50-50”.

Với mức giá, mẫu mã, chất lượng cạnh tranh, các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu đang ngày càng phủ sóng rộng trên thị trường Hà Tĩnh. Mặc dù các cơ quan chức năng và truyền thông đang nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam nhưng thực tế là hàng ngoại nhập vẫn đang chiếm thị phần lớn trong phân khúc hàng bình dân lẫn hàng cao cấp.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast