Tái định cư – cơ hội thay đổi cơ cấu kinh tế cho người dân vùng mỏ

Đây là cơ hội làm thay đổi cơ cấu kinh tế trên cơ sở tái cơ cấu lại dân cư, ngành nghề nông thôn và lao động của các xã bị ảnh hưởng. Điều kiện và hoàn cảnh mới sẽ giúp người dân vùng mỏ năng động hơn, thay đổi nhanh các nếp nghĩ, cách làm cũ, tạo động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương

Thi công các hạng mục san lấp mặt bằng và xây dựng đường giao thông nội bộ Khu tái định cư phía Nam, điểm tái định cư số 1 xã Thạch Khê.
Thi công các hạng mục san lấp mặt bằng và xây dựng đường giao thông nội bộ Khu tái định cư phía Nam, điểm tái định cư số 1 xã Thạch Khê.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô ảnh hưởng lớn: có 6 xã vùng biển ngang của huyện Thạch Hà trong vùng dự án cần phải di dời, trong đó 4 xã Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Lạc, Thạch Trị phải di dời trên 50% số hộ dân và 2 xã Thạch Khê, Thạch Hải phải di dời gần 100% số hộ dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của các xã nêu trên bị chia cắt và phá hủy, do đó cần phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tái định cư.

Bản đồ qui hoạch chi tiết Khu tái định cư phía Nam, điểm tái định cư số 1.
Bản đồ qui hoạch chi tiết Khu tái định cư phía Nam, điểm tái định cư số 1.

Ông Hoàng Văn Quảng, Trưởng Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê cho biết: “Tổng chi phí cho Dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hơn 3.478 tỷ đồng, trong đó 1.504 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng, 1.186 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỷ thuật các điểm tái định cư, 45 tỷ đồng phục vụ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho các đối tượng lao động bị ảnh hưởng trong vùng Dự án. Để triển khai dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, phải giải phóng mặt bằng với qui mô diện tích 3.898 ha, tổ chức tái định cư cho gần 4.000 hộ dân của 6 xã vùng biển ngang. Trong tháng 11 này Ban QLDA sẽ triển khai khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phía Nam điểm tái định cư số 1, xã Thạch Khê (Thạch Hà) với tổng giá trị đầu tư xây dựng hơn 28 tỷ đồng. Điểm tái định cư này có diện tích 9,7 ha sẽ bố trí cho 235 hộ dân xã Thạch Khê đến định cư. Mỗi hộ dân ở đây được cấp đất từ 200 – 300 m2 và được hỗ trợ đời sống, hỗ trợ ổn định sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp theo Chính sách đặc thù của dự án”.

Đây là cơ hội làm thay đổi cơ cấu kinh tế trên cơ sở tái cơ cấu lại dân cư, ngành nghề nông thôn và lao động của các xã bị ảnh hưởng. Trong điều kiện và hoàn cảnh mới sẽ giúp người dân năng động hơn, thay đổi nhanh các lề thói và nếp nghĩ cũ, tạo động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đặc điểm nghề nghiệp dân cư trong vùng từ nhiều đời nay chủ yếu là nông nghiệp, làm muối và đánh bắt hải sản gần bờ; đời sống còn nhiều khó khăn tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (39%). Vì vậy, việc triển khai công tác đào tạo, chuyển đổi nghề, GQVL là hết sức cần thiết. Thời gian qua, Ban QLDA đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Thạch Hà và các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai đề án Đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Mục tiêu cụ thể của đề án là xác định phương hướng, các loại hình ngành nghề phải đào tạo, số lượng lao động phải đào tạo chuyển đổi nghề và thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ; tạo điều kiện cho người lao động có thể học tập các nghề mới tuỳ theo độ tuổi, sở trường để từ đó có cơ hội tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định để tạo lập cuộc sống nơi tái định cư bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất. Những lao động trẻ cần được đào tạo các nghề dài hạn để đảm bảo cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định trong tương lai, đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế xã hội; một bộ phận lao động do tuổi cao, khả năng thích nghi thấp, cần phải có hướng tìm nghề, đưa nghề về làng (nơi tái định cư) để họ tham gia.

Anh Nguyễn Xuân Tú (xóm 4 - Thạch Khê) một trong những hộ dân tái định cư đợt đầu cho biết: “Gia đình tôi đã nhiều đời làm nông nghiệp, cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Nay, về chỗ tái định cư, được đào tạo, chuyển đổi nghề mới hy vọng cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. Tuy phải dời dọn đến nơi ở mới, nhường chỗ cho dự án sắt Thạch Khê, song chúng tôi cũng như hàng ngàn hộ dân nơi đây sẵn sàng cho công tác tái định cư, tất cả vì dự án của tỉnh, của quốc gia”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast