Cảm cảnh cuộc sống của 7 anh em mồ côi

" Sẩy cha theo chân chú, sẩy mẹ bú vú dì". Thế nhưng, 7 đứa con của ông Nguyễn Khánh Trí ở xóm 4, xã Sơn Quang (Hương Sơn) sau khi đã mất cả cha lẫn mẹ chẳng biết bấu víu vào đâu. Để tồn tại 7 đứa trẻ bất hạnh đó đã phải lắt lay nuôi nhau trên một sào ruộng khoán.

Tận cùng nỗi bất hạnh.

Men theo con đường dọc Khu lưu niệm danh y Hải Thượng Lãn Ông, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Đình Giáp ( SN 1986), đứa con đầu của ông Trí, hiện đang phải thay cha mẹ ngày đêm lo toan nuôi 6 người em ăn học.

Ngôi nhà trống hoắc nơi 7 anh em Giáp rau cháo nuôi nhau.
Ngôi nhà trống hoắc nơi 7 anh em Giáp rau cháo nuôi nhau.

Nhìn ngôi nhà trống hoắc, xiêu vẹo không một vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc bàn cũ kĩ vừa dùng để tiếp khách, vừa để ăn cơm và vừa để cho các đứa em ngồi học là chiếc giường tồi tàn, chiếu nát tươm mà bấy lâu nay mấy anh em cùng ngủ.

Hai hàng nước mắt lăn dài trên dò má, vừa rót nước mời chúng tôi Giáp vừa kể về nỗi bất hạnh của anh em mình: Nhà vốn đã nghèo. Năm 2001, người mẹ qua đời sau một cơn đau ruột thừa. Khi mẹ mất đứa em út mới tròn 2 tháng tuổi. Bố Giáp rơi vào cảnh " gà trống nuôi con". Ngoài việc phải lo cho 6 đứa con ăn học, hàng đêm ông phải chạy vạy khắp nơi đi xin từng giọt sữa cho đứa con gái út mỗi khi nó khóc, thèm, nhớ bầu sữa của tình mẫu tử. Thương bố, Giáp nghỉ học, ngày đêm làm việc quần quật để phu giúp bố nuôi em.

Cái khổ của gia đình, sự nghiệt ngã của số phận giờ đây đã hằn rõ trên khuôn mặt tiều tụy của chàng trai mới 26 tuổi. Trông Giáp giống như một người đã qua tuổi 40.

Mười năm sau, kể từ ngày người mẹ qua đời, người bố- chỗ dựa quan trọng nhất của gia đình cũng lâm trọng bệnh. Không tiền để thuốc thang nên chỉ sau 1 năm tử thần đã cướp đi người cha của 7 đứa con thơ. Nói đến đây Giáp chỉ biết nấc lên mà khóc: " Nhà không đủ ăn thì nghĩa gì đến thuốc thang ạ anh. Mỗi lần nhìn thấy bố lên cơn đau, lòng em như bị ai xát muối. Ước gì lúc đó có chút tiền để mua thuốc cho bố cắt cơn".

Lắt lay rau cháo nuôi nhau.

Bố mẹ mất, Giáp trở thành trụ cột của gia đình lo lắng cho 6 đứa em thơ. Nhìn Giáp không ai nghĩ anh sinh năm 1986. Đôi mắt lõm sâu, nước da đen và dáng người khắc khổ là kết quả của sự bươn chải cho việc kiếm sống và nuôi các em.

Mặc dù đã có vợ và con nhỏ nhưng Giáp vẫn quyết tâm làm lụng để nuôi các em.
Mặc dù đã có vợ và con nhỏ nhưng Giáp vẫn quyết tâm làm lụng để nuôi các em.

Giáp kể: Nhà chỉ có 1 sào đất và 1,5 sào ruộng làm không đủ ăn chứ chưa nói là để lo cho các em. Để nuôi các em ăn học Giáp đã phải làm đủ các nghề như đi phụ hồ, bóc vỏ keo, bửa củi, cày thuê, cõng gạch….Hễ có người thuê là Giáp làm, bất kể thời gian và thời tiết.

Thương anh, người em gái thứ 3 là Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1992) đã bỏ học, âm thầm lặng lẽ vào miền Nam đi làm thuê để phụ anh cùng nuôi các em.

Khi biết Giang bỏ học đi làm thuê ở miền Nam, Giáp đã gọi các em lại và cấm từ nay trở đi không được ai bỏ học. Biết ý anh, các em của Giáp đều nổ lực hết mình. Hiện nay, em Nguyễn Thị Dung đang học Đại học kinh tế Đồng Nai. Còn Giang ngoài việc đi làm thuê cũng đang theo học trường trung cấp kinh tế.

Hai chị em Trang và Như dù nghèo nhưng năm nào cũng đạt học sinh giỏi.
Hai chị em Trang và Như dù nghèo nhưng năm nào cũng đạt học sinh giỏi.

" Năm nay em ở nhà làm keo, đi phụ hồ, làm gạch… cùng anh để có tiền sang năm đi thi. Em sẽ cố gắng để thi đỗ vào trường quân sự để không phụ lòng anh và cho anh đỡ khổ", em Nguyễn Quốc Sang ( SN 1994- người em thứ 5 của Giáp tâm sự).

Hai em sau cùng là Nguyễn Thị Trang ( SN 1989) đang là học sinh lớp 9, em Nguyễn Thị Quỳnh Như ( SN 1991) đang học lớp 6.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy- GV Trường THCS Hải Thượng Lãn Ông ( Hương Sơn- Hà Tĩnh) cho biết: " Hoàn cảnh của hai em Trang và Như rất đáng thương. Cả hai đều là những học sinh giỏi của trường. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng cả hai chưa bỏ học buổi nào".

Khi chúng tôi chuẩn bị bước chân ra về thì cũng là lúc Trang và Như đi học về. Nhìn đứa bé mô côi mẹ khi mơi 2 tháng tuổi nước da xanh xao, mặt quắt lại trong Quỳnh Như nhỏ hơn hẳn những đứa trẻ cùng lứa. Biết ý ông Thành, nhà bên cạnh nói: " Nó sống được đến thế này là may lắm rồi chú ạ. Tội nghiệp con bé".

" Tội nghiệp chúng nó lắm chú ơi. Đúng là "mô côi trải lá mà nằm". Ở xã này 7 anh em nhà nó chưa biết đến cái sướng là gì. Nhất là đến dịp Tết, khi mọi người đi mua sắm thì 7 anh em nhà nó chỉ gói vài cái bánh để thắp hương bố mẹ thôi. Cái khổ mà chúng phải gánh chịu đúng là tận cùng rồi", ông Nguyễn Văn Hài- Bí thứ chi bộ xóm 4 nghẹn ngào.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về gia đình anh Nguyễn Đình Giáp, xóm 4, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hoặc Báo Hà Tĩnh - 34 Nguyễn Công Trứ - TP Hà Tĩnh. ĐT: 0393.856715 - 0393.693427.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast