Gặp lại thế hệ cử tri đầu tiên

(Baohatinh.vn) - Đã 70 năm trôi qua, những cử tri của cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên giờ đã ngoài 90. Thế nhưng, khi nói về giây phút lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu những người đủ đức, đủ tài lãnh đạo đất nước, các cụ vẫn nhớ như in.

Hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp:

Năm nay đã bước sang tuổi 94, cụ Nguyễn Công Hàm, trú tại thôn Trung Trạm, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) vẫn nhớ như in không khí ngày hội toàn dân 6/1/1946 - ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Khi ấy, cụ là xã đội trưởng, kiêm mảng thanh niên, tuyên truyền và cũng là cán bộ tiền khởi nghĩa.

Cử tri nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6/1/1946). Ảnh tư liệu

Cử tri nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6/1/1946). Ảnh tư liệu

Cụ Hàm kể: Tại các xã có các ban vận động bầu cử, phân công từng đồng chí đến từng nhà, từng thôn, xóm và đến cả những phiên chợ, hay nơi đông người để tuyên truyền về cuộc bầu cử. Ngày ấy, vật chất rất thiếu thốn, các khẩu hiệu thì dùng mẹt, nong và các phên nứa, tre đan lại rồi viết bằng phấn hoặc nhọ nồi. Thế nhưng, ở ngả đường nào cũng có khẩu hiệu với các dòng chữ như: Việt Nam độc lập muôn năm, hoan nghênh cuộc bầu cử Quốc hội khóa I...

Nhớ lại giây phút đầu tiên cầm lá phiếu, cụ Hàm nói: Lúc ấy, sung sướng, vinh dự và rất tự hào vì lần đầu tiên, nước ta thoát khỏi chế độ phong kiến cường bạo, được tự do, độc lập. Từ cuộc bầu cử năm 1946 ấy, cụ Hàm hiểu được sơ bộ về chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, có Đảng Cộng sản lãnh đạo. 94 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, nay lại được cầm lá phiếu đi bầu cử, cụ Hàm tỏ rõ niềm vinh dự, sung sướng và hạnh phúc.

Cụ Hàm mong muốn những người được chọn làm cán bộ, làm đại biểu của nhân dân hãy sâu sát tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Bên cạnh đó là rèn luyện tư tưởng, kiên quyết chống tham nhũng, phải làm cho dân tin, dân phục, dân phấn khởi thì đất nước mới thanh bình.

Cũng vinh dự lần đầu tiên cầm lá phiếu bầu những đại biểu Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Phúc Việt năm nay đã 95 tuổi - người được giao nhiệm vụ tuyên truyền cho cuộc bầu cử tại địa bàn xã Cẩm Bình thời đó nhớ lại: “Ngày đó, nói về bầu cử thì mới lạ lắm. Trong, ngoài thôn, các câu chuyện được nói nhiều nhất là chuyện bầu cử. Để người dân hiểu rõ về cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của mình, chúng tôi được phân công làm cán bộ tuyên truyền, giải thích. Cử tri chọn sẵn những người mình muốn bầu rồi viết lên lá phiếu. Với những người không biết chữ, ủy ban bỏ phiếu cử một số người khác viết hộ. Cử tri muốn bỏ phiếu cho ai thì nói tên người đó, khi viết xong, họ đọc lại cho người bỏ phiếu nghe, đồng ý, mới bỏ vào hòm phiếu.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I diễn ra vào ngày 6/1/1946 trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, nhưng không khí náo nức chẳng kém ngày nay. Nhân dân ai cũng hào hứng, tự tay cầm lá phiếu để chọn ra những người ưu tú nhất vào Quốc hội. Ai cũng xem đây như bắt đầu bước sang trang mới, nên chuẩn bị hết sức chu đáo.

Từ trái qua phải là các cụ: Nguyễn Công Hàm, Nguyễn Phúc Việt, Nguyễn Trọng Đề thuộc thế hệ cử tri đầu tiên.

Từ trái qua phải là các cụ: Nguyễn Công Hàm, Nguyễn Phúc Việt, Nguyễn Trọng Đề thuộc thế hệ cử tri đầu tiên.

Cùng với cụ Hàm và cụ Việt, cụ Nguyễn Trọng Đề năm nay đã 91 tuổi, là cán bộ tuyên truyền của xã Hồng Lộc (Lộc Hà), hồi tưởng giây phút lịch sử khi nước Việt Nam bước sang trang mới: “Ngày bầu cử đầu tiên, điều kiện đất nước đang khó khăn lắm, địa điểm bầu cử ở địa phương tôi chỉ có duy nhất một lá cờ Tổ quốc, các khẩu hiệu được làm bằng mẹt, nong dựng khắp các ngả đường, thể theo tâm nguyện của hàng triệu người dân Việt Nam. Trước cuộc bầu cử, người dân đổ ra đường mít tinh, ban đêm, đỏ đuốc khắp làng, chẳng ai bảo ai, cứ người này tuyên truyền cho người kia về cuộc bầu cử. Với người dân chúng tôi lúc ấy, niềm tin được gửi trọn vẹn trong lá phiếu.

Giờ công tác tuyên truyền hiện đại và khoa học hơn, có loa đài phát thanh tận xóm, có báo đọc hằng ngày, trên ti vi cũng rất nhiều thông tin về những cán bộ được chọn bầu, về cuộc bầu cử. Ngoài đường có cờ đỏ, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích được bố trí trang trọng và dày đặc. Thế nên, tôi tin chắc cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sắp tới sẽ thành công, nhân dân sẽ chọn được những người đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước”.

Năm 1946, trong lời kêu gọi đồng bào tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thành thục câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng...”. Đã 70 năm trôi qua, những người đại biểu của nhân dân đã thực hiện đúng lời cam kết của Bác trước quốc dân, đồng bào. Nay lại đến cuộc bầu cử mới, hàng vạn người dân Hà Tĩnh vẫn luôn tin tưởng vào những người đại biểu mà họ gửi gắm niềm tin.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast