Thành công từ ý chí và quyết tâm

Lâu nay việc sản xuất kinh doanh thua lỗ ở Cty CP may Hà Tĩnh không làm nhiều người ngạc nhiên. Thế nhưng ba năm lại nay mọi chuyện đã khác. Mặc dù hoạt động trong điều kiện cực kỳ khó khăn do khủng hoảng kinh tế kéo dài nhưng Cty CP may vẫn có lãi cũng khiến nhiều người cảm thấy..ngạc nhiên

“30 triệu đồng lãi trong năm 2010 quả là một con số rất khiêm tốn nhưng với chúng tôi con số này đặc biệt có ý nghĩa bởi đó là mốc son đánh dấu chấm hết cho điệp khúc thua lỗ triền miên hết năm này đến năm khác. Để rồi sau đó chúng tôi tự tin hơn trong hoạt động sản xuất và cuối năm 2011 phần lãi đã tăng lên 10 lần với 300 triệu đồng. Cho đến thời điểm này dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã có những tín hiệu cho thấy không hề kém năm trước mà lợi nhuận có phần tăng lên” Giám đốc Cty CP may Hà Tĩnh Bùi Tất Thắng vui vẻ mở đầu câu chuyện

Trong bức tranh khó khăn chung mà bất cứ một doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt là là giá cả nhiều mặt hàng tăng đột biên là chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao. Mặc dù từ đầu năm đến nay đơn hàng đã được cải thiện về giá cả và số lượng, song do nhu cầu tiêu thụ buộc khách hàng phải thay đổi về mẫu mã, kiểu dáng nên thời gian cung cấp tài liệu kỹ thuật chậm dẫn đến vỡ nhiều kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên khó khăn đó chỉ mang tính nhất thời mà căn bệnh trầm kha nhất hiện đối với Công ty may là nguồn lao động không ổn định

Con đường đến với nghề may chẳng có gì chông gai, sau đào tạo 3 tháng người lao động có thể được tiếp nhận vào làm việc. Đầu vào dễ và đương nhiên ra đi cũng chẳng khó. Đó là lý do những công nhân có tay nghề thường chẳng mấy mặn mà bám trụ. Bởi thu nhập thấp trong khi họ lại chịu nhiều áp lực. 95% là lao động nữ trong tổng số 450 CBCNV Công ty CP may Hà Tĩnh và phần lớn đều xuất phát từ những vùng nông thôn, trình độ nhận thức thức thấp. Và, vì lẽ đó việc lựa chọn người bạn đời có điều kiện kinh tế rất khó. Đôi khi những lao động này lại trở thành trụ cột trong gia đình do vậy tất tần tật mọi việc lớn nhỏ từ cơm áo gạo tiền, đến đám hiếu đám hỷ ở hai họ nội ngoại lại trút lên đầu họ.

Phó Giám đốc Công ty CP may Hà Tĩnh Hồ Văn Cát nói rằng, “độ tuổi cống hiến của công nhân chỉ từ 18- 23 tuổi rồi sau đó khi lập gia đình, mang bầu ,sinh con và công việc gia đình cứ thế cuốn hút khiến số lao động này không thể yên tâm với công việc của mình. Rồi đây từ 1/5/2013 chế độ nghỉ sinh 6 tháng của phụ nữ được áp dụng khó khăn lại chồng chất với chúng tôi” Áp lực đó chỉ được giải quyết nếu mức thu nhập cao mới mong trụ lại với nghề, tuy nhiên thu nhập cao lại hoàn toàn phụ thuộc vào doanh thu. Đơn hàng nhiều, doanh thu lớn đời sống của công nhân mới được cải thiện.

Nếu may hàng xuất khẩu trực tiếp doanh thu cao hơn nhiều nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro trong khi đó cơ sở vật chất, nguồn vốn thiếu thốn và nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay rủi ro vẫn chiếm nhiều ưu thế và con đường dẫn đến phá sản lại trở nên rất gần. Bởi vậy khi công ty lựa chọn sản xuất gia công thông qua đối tác trung gian để giảm bớt rủi ro cũng là điều dể hiểu. Mà đã làm thuê thì suy cho cùng giá cả cũng chỉ bèo bọt mà thôi.

2 bạn hàng và là đối tác truyền thống của công ty là Bian của Hàn Quốc và công ty Davis của Mỹ. Nhưng những sản phẩm của các đối tác chiến lược chỉ được sản xuất mang tính thời vụ. Nghĩa là sản xuất ồ ạt trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, khoảng thời gian còn lại công nhân sản xuất cầm chừng thậm chí phải “ngồi chơi xơi nước”. Trước những khó khăn hiện hữu, lanh đạo nhà máy đã đưa ra nhiều ý tưởng táo bạo trong đó có việc mở gian hàng giới thiệu mẫu mã và bán sản phẩm. Nhưng ý tưởng này bất thành bởi có quá nhiều rào cản, trong đó không thể không nhắc đến việc thay đổi mẫu mã thường xuyên phù hợp với thi hiếu đòi hỏi phải có những nhà thiết kế có đẳng cấp và đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Đó lại là những thách thức không nhỏ

Nói vậy nhưng không có nghĩa mọi việc đã bế tắc mà những năm gần đây, công ty đã từng bước cải thiện đời sống của đội ngũ công nhân bằng hình thức hỗ trợ tiền ăn ca, tiền xăng xe và xây dựng khu tập thể có thể đáp ứng cho hơn 200 lao động ăn nghỉ tại chỗ. Cùng với đó là tìm thêm đối tác để lao động có việc làm ổn định và cũng tăng thêm thu nhập cho người lao động. Cuối năm 2011 tin vui đến qua quá trình đàm phán công ty đã tìm kiếm thêm một hợp đồng mới với đối tác Nhật Bản, gia công sản phẩm áo quần bảo hộ lao động. Tất nhiên hợp đồng này cũng chẳng mấy dễ chịu bởi yêu cầu kỹ thuật của bạn hàng rất khắt khe trong khi giá cả thu được chẳng đáng là bao. Bù lại là công ty sản xuất được bao nhiêu bạn hàng chấp nhận bấy nhiêu không hạn chế số lượng. Bài toán bế tắc về phân bổ lao động theo kiểu “ăn đong” đã được giải tỏa một cách êm đẹp. 15.000 sản phẩm ban đầu dù vẫn còn khiếm khuyết nhưng theo ý kiến của kiểm định đối tác là “trong tầm kiểm soát” và chỉ là…chuyện nhỏ.

Có đơn hàng mới ổn định theo tính toán của những người trong cuộc thì cuối năm nay doanh thu sẽ đạt 24 tỷ đồng so với 2011 là 20 tỷ. Thu nhập của người lao động được cải thiện từ 2,5 triệu đồng/ người/ tháng (2011) sẽ được nâng lên trên 3 triệu đồng. Có thể còn quá sớm để “vẽ” ra một tương lai tươi sáng ở phía trước nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại khi các doanh nghiệp đang cầm cự từng ngày với biến động của thời cuộc thì sự ổn định và đi lên đã minh chứng cho ý chí và quyết tâm của tập thể CBCNV Công ty CP may Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast