Cơ hội để Việt Nam thể hiện mình

Hội nghị Thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á lần thứ 44 chính thức bắt đầu hôm nay (3/5) với gần 50 hội nghị lớn - nhỏ bàn về những vấn đề “nóng” của kinh tế thế giới, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại hội nghị, nhiều vấn đề sẽ được đặt ra, trong đó việc tìm kiếm những giải pháp giải quyết lạm phát, giá lương thực tăng cao, những tác động của khủng hoảng Bắc Phi đến kinh tế thế giới…

Vì sao ADB chọn Việt Nam?

Trả lời câu hỏi vì sao ADB chọn Việt Nam là quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á ADB lần thứ 44, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng: Việc một quốc gia đứng ra tổ chức hội nghị thường niên của ADB sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. ADB rất vui mừng khi Việt Nam đứng ra đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 44 vì Việt Nam đang trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Với Việt Nam, Hội nghị này là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện mình như một quốc gia có thu nhập trung bình và trình bày quan điểm của mình, giới thiệu những thành tựu của Việt Nam trên nhiều phương diện cả về xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt từ khi Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn từ năm 1993 đến nay: GDP đã tăng lên gấp gần 6 lần và tỷ lệ nghèo giảm còn 1/6 so với trước đây.

Còn theo Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, ông Haruhiko Kuroda, có 2 lý do để ADB lựa chọn Việt Nam là nước đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á lần thứ 44. Thứ nhất Việt Nam là một trong những nước đang phát triển sử dụng viện trợ của ADB rất có hiệu quả. Thứ 2, không chỉ là một quốc gia thân thiện, hữu nghị và an toàn được cộng đồng quốc tế thừa nhận, Việt Nam còn ngày càng chứng tỏ được vai trò của mình trên các diễn đàn quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế lớn.

Đại biểu đăng ký tham dự Hội nghị

Đại biểu đăng ký tham dự Hội nghị

Trong chuyến thăm Việt Nam trước thềm Hội nghị, ông Haruhiko Kuroda khẳng định: “Việt Nam là một trong những nước thành viên sáng lập ADB và là một trong những đối tác tích cực trong sự phát triển của khu vực. Tôi cho rằng việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 44 đúng vào thời điểm thích hợp cho cả ADB và Việt Nam. Tôi đã đi thị sát và rất ấn tượng với công tác chuẩn bị của Việt Nam. Tôi cho rằng hội nghị lần này là cơ hội quan trọng để Việt Nam giới thiệu những thành tựu kinh tế xã hội của mình, trong đó là quốc gia có mức thu nhập trung bình".

Trong sáng nay (3/5), “Hội nghị cấp cao về thương mại và đầu tư Việt Nam”- sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á-ADB khai mạc, mở màn cho các hoạt động quan trọng trong khuôn khổi hội nghị. Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc sẽ chủ trì phiên họp này.

Hiện, Việt Nam có khoảng 100 dự án, công trình vốn ADB, với số vốn xấp xỉ 10 tỷ USD, trong đó các dự án đã hoàn thành ký kết khoảng 6 tỷ USD. Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia vay vốn ưu đãi nhiều nhất của ADB. ADB cũng giúp Việt Nam một số dự án trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tư vấn chính sách. Theo cam kết những năm tới, ADB thu xếp vốn khoảng 1,3 tỷ USD/năm và theo hướng mở rộng lĩnh vực hợp tác như tập trung nâng cao nguồn nhân lực và hạ tầng.

“Việt Nam đã làm rất tốt những cam kết với ADB, triển khai hiệu quả các nguồn vốn” – ông Nguyễn Văn Giàu – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định.

Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm

Việt Nam đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, khi trở thành nước có thu nhập trung bình-giống như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức mới đặt ra, trong đó có tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, khoảng cách giàu nghèo gia tăng….

Trong Báo cáo thường niên về triển vọng phát triển châu Á của ADB năm 2011, GDP của Việt Nam tăng 5,4% từ tháng 1 đến tháng 3/2011, thấp hơn so với 7,3% của quý IV/2010.

Ông A. Kosini dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,1% trong cả năm 2011, và có thể lên 6,7% trong năm 2012 và lạm phát vẫn sẽ cao trong cả năm nay, có thể lên tới 16% vào quý III, và trung bình là 13,3%.

Nhận thức rõ được những khó khăn này, Việt Nam đã và đang chủ động có những kế hoạch, chương trình cụ thể. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết:“Chính phủ Việt Nam đã ban hành 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội được thể hiện trong Nghị quyết 11 của Chính phủ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”.

Bình luận về việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam, ông A. Kosini – Chủ tịch ADB tại Việt Nam khẳng định, đây là một chính sách đúng đắn kiểm soát và kiềm chế lạm phát ở Việt Nam. Tuy nhiên, bất kể chính sách kinh tế vĩ mô nào, kể cả tiền tệ thì đòi hỏi phải có độ trễ. Việc điều chỉnh giá, cắt giảm chi tiêu công của Chính phủ là cần thiết.

Ông Kosini cũng đưa ra dự báo, từ tháng 5, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm dần xuống. Tất cả các con số chúng ta nhìn thấy là tốc độ tăng trưởng lạm phát tính theo năm. Thời điểm này năm 2010 lạm phát còn thấp. Cho dù Nghị quyết 11 cực kỳ thành công thì giai đoạn này so với năm trước còn cao hơn rất nhiều. Tỷ lệ trung bình cả năm có thể giảm nhưng so sánh từng giai đoạn sẽ rất cao do thời điểm này năm ngoái tốc độ lạm phát thấp hơn.

“Chúng tôi hy vọng, Chính phủ sẽ cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Nghị quyết này. Kiểm soát lạm phát phải có sự hy sinh nào đó. Thực tế sẽ không tránh được sự phàn nàn từ một số doanh nghiệp nào đó trong việc tiếp cận vốn” – ông A. Kosini nói.

Về hiệu quả của Nghị quyết 11 của Chính phủ, chỉ riêng trong lĩnh vực tiền tệ, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: Qua hơn 2 tháng thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, khả năng quản lý dư nợ dưới 20% trong năm 2011 là có thể đạt được (hết tháng 4, tăng trưởng tín dụng là 5,6%). Thị trường ngoại tệ, ngoại hối, vàng diễn biến thuận lợi, đi vào nề nếp và nằm trong tầm kiểm soát của NHNN và Chính phủ. Nghị quyết 11 ưu tiên việc kiềm chế lạm phát và thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong kiềm chế lạm phát”.

Việt Nam vẫn là nước nhập siêu. Những năm gần đây, trước tác động khủng hoảng, nhập siêu gia tăng làm cán cân thanh toán thâm hụt, tác động lên vấn đề tỷ giá.

“Chúng tôi nhận thức được việc đồng tiền Việt Nam mất giá nhưng trong các chính sách chúng tôi chọn lựa mục tiêu nào đạt hiệu quả cao hơn cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Vì thế, Việt Nam chọn mục tiêu tăng trưởng để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm. Nếu tăng trưởng thấp sẽ không tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động” – ông Nguyễn Văn Giàu nói.

“Qua nghiên cứu, chúng tôi chấp nhận kịch bản giảm giá đồng tiền Việt Nam, giảm cầu và tác động giảm tổng cầu. Chính vì vậy thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ song song với chính sách tài khóa (chi tiêu tiết kiệm, giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách và giảm tăng trưởng tín dụng). Đến nay các bước đi, các giải pháp của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn” – ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định./.

Nguồn: VOVnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast