Thoát nghèo bền vững - “xâu cá” và “cần câu” đạt chuẩn (bài 2): Nghèo vì đông con, bệnh tật…

(Baohatinh.vn) - Đói nghèo được tạo ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đông con và bệnh tật vẫn là hai nguyên nhân dẫn đến nghèo khổ đáng bàn, đáng quan tâm nhất hiện nay.

>> Bài 1: Tâm lý… thích nghèo!

Câu chuyện về người mẹ đẩy đứa con 13 tuổi vào đống lửa ở thị trấn Thạch Hà gây xôn xao dư luận gần đây là một ví dụ. Không nghề nghiệp ổn định, thu nhập thấp nhưng vợ chồng chị N.T.N vẫn sinh đến 4 đứa con. Đứa đầu (tên là H.) 13 tuổi, đứa út mới 7 tháng tuổi. Nghèo, lại đông con nên vợ chồng chị không có điều kiện chăm sóc các con chu đáo. Đó cũng là một trong những lý do khiến đứa con đầu của chị mới lên lớp 6 đã phải bỏ học.

Thoát nghèo bền vững - “xâu cá” và “cần câu” đạt chuẩn (bài 2): Nghèo vì đông con, bệnh tật… ảnh 1

Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở các vùng nông thôn, miền núi còn cao khiến chất lượng chăm sóc trẻ còn nhiều hạn chế. Trong ảnh: Hội LHPN Hà Nội trao quà cho trẻ em xã Hương Quang (Vũ Quang).

Không đến trường, gia đình lại không có việc phù hợp để H. phụ giúp nên em chỉ biết đi chơi lêu lổng với bạn bè và ngày một trở nên hư đốn. Mẹ H. quá bận bịu, mệt nhọc với việc mang bầu, sinh em bé; bố thì lo xoay xở cho cái ăn nên thay vì kèm cặp, dạy dỗ H., bố mẹ lại trút lên đầu em nỗi bực dọc do những nhọc nhằn của cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy, đã hư, em lại càng không nghe lời bố mẹ. Và cho đến một ngày, trong một tình huống, thời khắc không kìm nén được bức xúc, người mẹ đã đẩy em vào đống lửa.

Trong ngôi nhà không có gì đáng giá, nhìn những vết bỏng còn chưa khô trên thân thể của H., chị N. buồn tủi: “Chỉ tại hôm đó thấy nó là tôi lại điên lên. Bố mẹ thì vất vả, cực nhọc nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu. Lo cho chúng ăn hàng ngày, còn tiết kiệm đôi đồng phòng khi đau ốm nhưng nó lại… Giờ thì… khổ lắm!”.

Gia đình anh Đặng Văn Thái (xóm Thắng Hòa, xã Thạch Tân - Thạch Hà) là một hoàn cảnh khác. Anh Thái vốn làm nghề phụ xe. Thu nhập không cao nhưng cũng đủ để trang trải cho gia đình. Vợ anh ở nhà, chỉ chăm con và... đẻ. Tuy nhiên, đùng một cái, anh bị tai nạn. Hết đưa anh ra bệnh viện trung ương lại chuyển về bệnh viện tỉnh, quay vòng đến mấy lượt, bao nhiêu tiền dành dụm, ông bà nội, ngoại cho cũng không đủ để trang trải viện phí. Gia đình lại phải vay mượn...

Bà Đậu Thị Cháu (82 tuổi), bà cố của anh tay đưa nôi đứa bé mới 6 tháng tuổi mà rơm rớm nước mắt: “Khổ không nói hết. Mẹ nó và ông ngoại vừa chở bố nó đi bệnh viện để châm cứu. Ai ngờ có ngày như thế này đâu. Chúng tôi đã đi chữa chạy khắp nơi, khánh kiệt gia tài nhưng bệnh không chuyển biến, vẫn còn liệt cả người, chưa nói được… Vợ nó thì hết phục vụ chồng, lại thêm 3 đứa con nhỏ. Mà nó đẻ dày quá. Đứa đầu 5 tuổi; đứa thứ 2 tuổi nhưng đứa thứ 3 đã 6 tháng. Chồng bị liệt, con nheo nhóc nên không làm được chi mà ăn, toàn nhờ vào sự giúp đỡ của người khác”…

Thoát nghèo bền vững - “xâu cá” và “cần câu” đạt chuẩn (bài 2): Nghèo vì đông con, bệnh tật… ảnh 2

Từ hộ khá nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Bình (xóm 3, xã Cẩm Nam - Cẩm Xuyên) trở thành hộ nghèo, nợ nần nhiều vì gánh nặng bệnh tật của các con.

Cái nghèo thường đeo bám vì khó vượt qua được cái vòng luẩn quẩn cơm, áo hàng ngày. Nhưng với bệnh tật, tai nạn, nhất là những bệnh hiểm nghèo thì gánh nặng kinh tế đè lên vai người dân, càng khiến họ khó gượng dậy nổi. Nhiều gia đình đang thịnh bỗng suy sụp, trở thành hộ nghèo, thậm chí là con nợ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bình (xóm 3, xã Cẩm Nam - Cẩm Xuyên) là một điển hình. Chồng bà vốn là cán bộ Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên. Bà ở quê vừa chăm con, vừa công tác ở thôn, xóm. 10 năm liên tục, bà làm bí thư chi bộ thôn. Là một cán bộ tâm huyết, năng nổ, bà đã thể hiện được vai trò của một “đầu tàu”, vừa đưa phong trào thôn đi lên, vừa gương mẫu phát triển kinh tế gia đình.

Cuộc sống những tưởng bình yên nhưng đột nhiên con bà ngã bệnh, đi kiểm tra thì có kết quả là suy thận. Đứa thứ nhất chạy thận được một thời gian lại đến đứa thứ 2. Tài sản trong nhà lần lượt theo con vào bệnh viện. Bà chạy đôn, chạy đáo vay mượn khắp nơi mọi chốn để chạy chữa cho con và đã trở thành con nợ. Chưa hết, đến lượt chồng, ông cũng đổ bệnh nhưng không dám vào viện điều trị chỉ vì lý do kinh tế, mặc cho bà động viên hết lời.

Bà Bình nghẹn ngào: “Không biết còn trụ được đến bao giờ. Ngoài chở con đi chạy thận (mỗi tuần chạy 3 lần) là tôi lại làm việc quần quật, hết nuôi gà, nuôi bò lại đi làm thuê. Ai thuê gì tôi cũng làm, miễn là có tiền. Vậy nhưng, số tiền làm được so với số tiền phải chi hàng ngày không đáng là bao, lại còn nợ nần nữa. Giờ tôi không dám nghĩ gì khác, chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục chống đỡ cho gia đình”…

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast