Ngược Ngàn Sâu xem… đất lở!

(Baohatinh.vn) - Dòng Ngàn Sâu vốn hiền hòa, trong xanh, mấy năm nay bỗng trở nên hung hãn, cuốn trôi hàng chục ha đất vườn, đất nhà và đường giao thông, khiến hàng trăm hộ dân ven sông hoang mang và lo lắng...

Cả bờ sông nứt toác, những vách đất sừng sững nay bị “gặm” nham nhở
Cả bờ sông nứt toác, những vách đất sừng sững nay bị “gặm” nham nhở

Chúng tôi ngược dòng Ngàn Sâu sau những trận lũ tháng 10 vừa qua. Đập vào mắt là cảnh tượng kinh hoàng. Cả bờ sông nứt toác, những vách đất sừng sững nay bị “gặm” nham nhở, lồi lõm, nhiều nơi hình thành hàm ếch, có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Các bụi cây ven sông một số thì bị nước sông cuốn trôi, một số thì nằm chênh vênh hàng hàng, lớp lớp.

Lênh đênh trên chiếc thuyền gỗ quan sát bờ sông, chúng tôi thấy rải rác khoảng 30 ngôi nhà cách bờ sông chỉ chừng 10-15m. Đây là những ngôi nhà của các hộ dân thuộc xóm 4, 5, 6, 7 và 10 xã Hà Linh, những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Sâu. Anh Nguyễn Văn Tâm (xóm 7) thở dài: “Chúng tôi trồng tre ven sông để giữ đất nhưng nay đều bị cuốn trôi, chỉ trơ lại gốc. Tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nhanh, sông “ăn” vào đất vườn, đất ở của người dân ngày một nhiều. Trung bình 1 năm có 3-4 sào đất sản xuất của bà con bị nước sông cuốn trôi. Với tình trạng này, chẳng mấy chốc, sông nuốt luôn ruộng vườn, nhà cửa”.

Sông "khoét" sâu vào đất vườn đoạn qua xã Hà Linh
Sông "khoét" sâu vào đất vườn đoạn qua xã Hà Linh

Đứng trên cầu Địa Lợi nhìn về bờ sông ăn sát vào ruộng ngô, ông Đặng Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Hà Linh cho biết: “Tạm thời chưa hộ dân nào nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời, nhưng với tình trạng sạt lở nhanh như hiện nay thì một vài năm nữa, hàng chục hộ sẽ mất nhà, mất vườn là điều không thể tránh khỏi”.

Sau nhiều lần vượt sóng qua những khúc cua, thuyền chúng tôi đến Hương Thủy. Không biết con sông Ngàn Sâu yêu hay ghét mảnh đất này mà khi chảy đến đây là cứ chuyển dòng liên tục, khiến cho tình trạng sạt lở diễn ra khủng khiếp hơn! Dọc bờ sông, chúng tôi đếm được hơn 50 ngôi nhà đang nằm trong vùng nguy hiểm. Sạt lở nặng nhất là khu vực thuộc xóm 8, bởi sau 2 trận lụt vừa qua, hầu hết cây cối chắn ven bờ đều bị cuốn trôi. Giờ đây, sông lấn vào vườn với tốc độ chóng mặt. Nhiều nhà dân chỉ cách bờ sông chừng mươi mét. Có khoảng 4-5 ha đất màu dọc bờ sông cũng bị cuốn trôi theo dòng nước.

Cảnh tượng kinh hoàng nhất trong chuyến hành trình ngược dòng Ngàn Sâu có lẽ là đoạn chảy qua xã Lộc Yên. Những mảng đất ập ra sông, nhiều đoạn khoét sâu vào vườn của bà con. Có nhiều bụi tre nằm gục dọc bờ sông, ngọn dúi xuống nước, rễ bật tung, trụi lá. Nỗi lo đất lở còn ám ảnh trong mỗi giấc ngủ của người dân Lộc Yên. “Lo lắm con ơi, cứ mỗi lần mưa là đất lại đổ ầm ầm xuống sông. Đêm nằm nghe đất lở mà nóng cả ruột gan” - bà Phan Thị Minh (xóm Hương Bình) cho biết.

Hơn 40 hộ dân xóm Hương Giang, xã Lộc Yên bất an bên dòng Ngàn Sâu
Hơn 40 hộ dân xóm Hương Giang, xã Lộc Yên bất an bên dòng Ngàn Sâu

Dọc bờ sông ở vùng Lộc Yên có nhiều ngôi nhà cửa đóng, then cài nằm chơi vơi bên bờ. Có nhiều hộ mua gạch đá để chuẩn bị xây nhà nhưng thấy tình trạng sạt lở diễn ra mạnh và nhanh nên không dám làm, đành ngậm ngùi rời làng đi nơi khác ở.

Theo Chủ tịch UBND xã Trần Đình Lâm, Lộc Yên có tới hơn 250 hộ dân bị sông ăn vào sát nhà và 750 hộ của 10 xóm có nguy cơ ảnh hưởng. Sông Ngàn Sâu đã xóa sổ một con đường chạy dọc bờ sông, 3 cây cầu gỗ bắc qua sông và cuốn trôi khoảng 3 ha trồng rau màu, đậu, lạc của người dân. Với tình trạng sạt lở như hiện nay, xã đã tiến hành quy hoạch để di dời 70-80 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó 25 hộ buộc phải di dời ngay vì sông lấn sát nhà.

Nhiều con thuyền lớn ngang nhiên thả những chiếc “vòi bạch tuộc” gặm sâu vào đất liền hút cát.
Nhiều con thuyền lớn ngang nhiên thả những chiếc “vòi bạch tuộc” gặm sâu vào đất liền hút cát.

Từ trên cầu treo Hương Giang nhìn xuống, Ngàn Sâu đang chuyển dòng, hướng dòng chảy hung hãn vào những ngôi làng ven sông. Có thể khẳng định, biến đổi khí hậu, tình trạng phá rừng đầu nguồn... đã khiến cho dòng chảy ngày càng dữ dội. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đặng Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Hà Linh khẳng định: Nạn khai thác cát trái phép cũng là một trong những nguyên nhân khiến sông chuyển dòng, đất đai sạt lở nghiêm trọng. Lênh đênh trên sông, chúng tôi bắt gặp khá nhiều con thuyền với những chiếc “vòi bạch tuộc” găm sâu vào đất liền hút cát. Cát hút lên, ruộng vườn trôi xuống. Mặc dù chính quyền xã đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng nạn khai thác cát trái phép vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Mặc dù tình trạng sạt lở dọc bờ sông Ngàn Sâu diễn ra khá lâu, nhưng đến nay, các cấp, ngành hữu quan vẫn chưa có biện pháp nào mang tính căn cơ, lâu dài để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho bà con. Mỗi khi mưa lũ, chính quyền địa phương lại tổ chức đóng cọc, đắp bao cát để kè tạm và vận động bà con di dời tạm thời. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế bởi cứ mỗi trận mưa lũ, đất ở và đất sản xuất lại trôi theo dòng nước. Không biết đến bao giờ người dân sống hai bên dòng Ngàn Sâu mới hết thấp thỏm, lo âu?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast