Ngày doanh nhân nghĩ về văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) chính là tài sản vô hình của mỗi DN. Có thể hiểu VHDN là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một DN, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của DN và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của DN trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích.

VHDN xác lập một hệ thống các giá trị được mọi người làm trong DN chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo các giá trị đó.

Vai trò của VHDN rất quan trọng. Sự thắng thế của bất cứ một DN nào không chỉ ở chỗ là có bao nhiêu vốn và sử dụng công nghệ gì mà nó còn được quyết định bởi việc tổ chức những con người như thế nào. Con người ta có thể đi lên từ tay không về vốn nhưng không bao giờ từ tay không về văn hóa. Văn hóa chỉ có nền tảng chứ không có điểm mốc đầu cuối. Do vậy, xuất phát điểm của DN sẽ là rất cao nếu như nó được xây dựng trên nền tảng văn hóa. Các DN khi xây dựng đều phải có nhận thức và niềm tin triệt để, lúc đó văn hóa sẽ xuất hiện. Mọi cải cách chỉ thực sự có tính thuyết phục khi nó tách ra khỏi lợi ích cá nhân, còn VHDN thì phải bảo vệ cho mọi quyền lợi và lợi ích của cá nhân.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nguy cơ đồng hóa về văn hóa không hề nhỏ. Để tránh thế giới biến thành một thể thống nhất về văn hóa, mỗi người, mỗi dân tộc cần phải giữ gìn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Duy trì và giữ gìn nền VHDN có ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của DN. Theo các nhà nghiên cứu kinh tế, đây chính là sức mạnh cạnh tranh của DN trong tương lai. Bất kỳ một DN nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa, tri thức thì khó có thể đứng vững. Vì vậy, xây dựng VHDN là cái đầu tiên mà mỗi DN cần lưu tâm tới.

Nhiều người khi đánh giá về DN vẫn chú trọng đến thị trường, tổ chức, nhân sự, cơ cấu. Tuy nhiên, người nhận thức sâu sắc về giá trị của DN phải đánh giá được về cái gọi là: tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của DN. Khi mỗi DN xây dựng được môi trường sống lành mạnh thì bản thân người lao động cũng muốn làm việc quên mình và luôn cảm thấy nhớ, thấy thiếu khi xa nơi làm việc. Tạo cho người làm việc tâm lý khi đi đâu cũng cảm thấy tự hào mình là thành viên của DN chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của DN. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa trong mỗi DN làm sao để người lao động thấy được môi trường làm việc của DN cũng chính là môi trường sống của họ là điều mà các DN nên quan tâm.

Từ xa xưa, các cụ ta đã gắn chặt 2 từ giàu và sang với nhau, tức là người giàu, nhất thiết phải là người sang, cũng có nghĩa là gắn vật chất với văn hóa tinh thần vào với nhau. Các doanh nhân Việt Nam là dũng sĩ trên mặt trận làm giàu. Những dũng sĩ ấy phải được trân trọng, được ca ngợi, được khích lệ và phải được giúp đỡ, an ủi khi gặp rủi ro, hoạn nạn. Chính ở những con người này phải được xây dựng một nền tảng văn hóa vững chắc để làm cho những dũng sĩ ấy đã giàu, phải sang như các cụ xưa đã dạy: “giàu - sang”. Sang không giàu là cái sang của những nhà nho nghèo dưới chế độ phong kiến. Những nhà nho sang đấy nhưng đói ăn cũng không thể có trí lực để thúc đẩy xã hội tiến

Trung tâm thương mại và nội thất tổng hợp của Công ty TNHH Chế biến gỗ và Thương mại Hào Quang. Ảnh: Văn Bảy
Trung tâm thương mại và nội thất tổng hợp của Công ty TNHH Chế biến gỗ và Thương mại Hào Quang. Ảnh: Văn Bảy

lên được. Còn giàu mà không sang chỉ là những kẻ trọc phú, lấy đồng tiền làm mục đích. Hạnh phúc của những con người này là đếm tiền chứ không phải là làm cho đồng tiền sinh sôi, làm nên những ý tưởng tốt đẹp cho xã hội.

Do vậy, doanh nhân phải có “đạo làm giàu”. Người sớm dùng khái niệm “đạo làm giàu” ở nước ta đầu thế kỷ XX là cụ cử Lương Văn Can. Cụ từng viết rằng: “Cổ nhân thường khinh sự buôn là mạt nghệ, bởi vì người đời xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi mà ít nói thực, sợ mất cái lòng đạo đức đi”… Hơn thế, cụ còn gắn thêm mục đích làm giàu không chỉ để “vinh thân phì gia” mà còn biết làm việc nghĩa với đồng bào và kín đáo (vì khi đó đã mất nước) hô hào giúp nước… đó là cái gốc của văn hóa phương thức ứng xử xã hội để hướng tới mục tiêu xã hội.

Có văn hóa đồng nghĩa với việc có đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ và đầy đủ lòng tự tin để DN, doanh nhân tham gia hội nhập với nhân loại, để “hòa nhập” mà không “hòa tan”, để 2 bàn tay nắm lấy muôn triệu cánh tay của muôn nơi mà vẫn mang dáng dấp Việt Nam, tư thế Việt Nam, sự độc đáo Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast