Nỗ lực vượt khó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch Covid-19

(Baohatinh.vn) - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 vào chiều 12/3 tại Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Nỗ lực vượt khó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch Covid-19

Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong dịch Covid 19 tại Hà Nội (Ảnh: SGGP).

Sản xuất nông nghiệp chịu thế “3 gọng kìm”

2 tháng đầu năm 2020, do chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình sản xuất nông nghiệp và việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn.

Kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Nỗ lực vượt khó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch Covid-19

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh

Trong khi đó, ngành nông nghiệp đang cùng một lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng và chưa dự báo được thời điểm kết thúc đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phức tạp, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, đầu tư và thương mại toàn cầu. Cùng với đó là sự gia tăng căng thẳng thương mại và rủi ro, suy thoái kinh tế trên diện rộng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại toàn cầu nói chung, thương mại nông sản nói riêng.

Trong nước, những tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp đã khó rõ rệt từ đầu năm nay. Đặc biệt là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ ảnh hưởng đến ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Nỗ lực vượt khó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch Covid-19

Hạn hán được dự báo sẽ còn gia tăng ở các tỉnh ĐBSCL (Ảnh: SGGP)

Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn. Từ đầu năm đến nay, dù tình hình được kiểm soát và nguy cơ tăng lây nhiễm giảm nhưng cả nước vẫn phát sinh thêm 24 ổ dịch, làm 20.177 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy.

Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 44 ổ dịch (39 ổ dịch do cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do cúm A/H5N1) tại 14 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là 137.180 con.

Đảm bảo an ninh lương thực và tăng cường xuất khẩu

Nỗ lực vượt khó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch Covid-19

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Phát biểu chỉ đao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Ngành nông nghiệp phải đảm nhận nhiệm vụ đặc thù, thúc đẩy sản xuất để giữ đà tăng trưởng, giảm thiểu những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế, đồng thời đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân... Chúng ta phải xác định vai trò của người đứng đầu, sáng tạo, thực hiện “4 tại chỗ” nhằm biến “nguy” thành “cơ” để dành thắng lợi các mục tiêu của ngành".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: Lương thực - thực phẩm phải là nhóm được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, thực hiện tái cơ cấu các lĩnh vực nông, lâm và thủy sản, phát huy lợi thế vùng, phát triển các sản phẩm chủ lực và tìm thị trường cho mặt hàng nông sản.

Nỗ lực vượt khó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch Covid-19

Các trại chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh vừa tăng cường công tác phòng dịch vừa tái đàn bền vững, chuẩn bị đón nhu cầu của thị trường (Ảnh: Thái Oanh)

Tiếp tục thực hiện biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, xử lý dứt điểm các loại dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn.

Liên quan đến giá lợn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi 17 tập đoàn lớn ủng hộ chủ trương của Chính phủ thực hiện giải pháp bình ổn, hạ giá lợn, bảo vệ môi trường phát triển chăn nuôi bền vững.

Đặc biệt, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Các địa phương cần chủ động triển khai xúc tiến thương mại, khôi phục, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Trong đó, sẵn sàng phương án, kịch bản về nhu cầu nông sản, thủy sản ở các thị trường sau dịch Covid-19…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhận định: Nhìn chung tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn ổn định. Trong đó, các đối tượng dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong tầm kiểm soát. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 2/175 xã có lợn nhiễm dịch tả châu Phi chưa qua 30 ngày; dịch cúm A/H5N1, A/H5N6 được cảnh báo sớm, chưa xuất hiện; bệnh đạo ôn trên lúa trong tầm kiểm soát tốt...

Nỗ lực vượt khó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng phó với dịch Covid-19

Liên quan đến những tác động của dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh dự báo, tình hình tiêu thụ một số mặt hàng vẫn còn khó khăn, nhất là 4 nhóm sản phẩm: Nông sản, chè, gỗ và thủy sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường chủ động, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT để thực hiện tháo gỡ, đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, người dân trong việc khôi phục sản xuất.

Liên quan đến bệnh đạo ôn trên lúa xuân 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục giám sát tình hình của bệnh, không được để xảy ra thiệt hại từ nguyên nhân sơ suất, thiếu kiểm soát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi toàn ngành chung tay thúc đẩy sản xuất, phấn đấu đưa kết quả ngành nông nghiệp đạt chỉ số tốt nhất trong điều kiện khó khăn.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast