Nhiều “lỗ hổng” trong ký kết hợp đồng lao động

(Baohatinh.vn) - Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là văn bản gốc để xác định quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, là căn cứ để cơ quan chức năng giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, việc ký kết HĐLĐ còn nhiều “lỗ hổng”, gây khó khăn cho việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong các cơ quan, doanh nghiệp.

6h30’ ngày 23/6/2017, 180 công nhân của Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh (KKT Vũng Áng) tổ chức đình công. Sau khi được công đoàn các cấp vận động, giải thích, lãnh đạo công ty mời về hội trường đối thoại trực tiếp, số công nhân trên đã trở lại nhà máy làm việc.

nhieu lo hong trong ky ket hop dong lao dong

Trang bị kiến thức về pháp luật lao động cho doanh nghiệp và người lao động sẽ góp phần hạn chế các vụ tranh chấp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Trong ảnh: LĐLĐ tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh phổ biến giáo dục pháp luật lao động cho doanh nghiệp và công nhân tại KKT Vũng Áng.

Tuy nhiên, liên tiếp các ngày sau đó, do chưa thỏa mãn những yêu cầu đưa ra, số công nhân trên lại tiếp tục đình công. Một số công nhân đã quay trở lại làm việc thì nhận được tin nhắn của ai đó đe dọa và đã tự động nghỉ việc, rời khỏi công ty. Sau rất nhiều nỗ lực của các bên liên quan, tình hình mới được giải quyết.

Vụ đình công nói trên chỉ là một trong rất nhiều vụ tranh chấp quan hệ lao động xảy ra thời gian gần đây. Mặc dù, ở tỉnh ta ít xảy ra những vụ đình công tập thể, quy mô lớn, nhưng những vụ việc tranh chấp nhỏ lẻ, tự phát, đặc biệt là trong các doanh nghiệp tư nhân diễn ra thường xuyên.

Ông Lê Văn Chí – Trưởng ban Chính sách và Pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động và người lao động chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến việc ký kết HĐLĐ. Tính đến nay, ở tỉnh ta, có 86,4% công nhân lao động trong doanh nghiệp được ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên, 15,6% còn lại (tương đương hơn 12.000 người) chưa được ký hoặc ký thời hạn dưới 3 tháng. Phần lớn các HĐLĐ nội dung còn sơ sài, các quy định chung chung, không thể hiện rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan; bất cập nhất vẫn là ở vấn đề thực hiện thỏa thuận tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… Do vậy, rất khó để cơ quan chức năng giải quyết khi có tranh chấp lao động xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người lao động”.

nhieu lo hong trong ky ket hop dong lao dong

Cần tăng cường đối thoại với lao động để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khi xảy ra tranh chấp

Trở lại vụ đình công của công nhân Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do những bất đồng trong việc thực hiện quy định của HĐLĐ.

Cụ thể: Công ty chậm trả lương cho công nhân lao động 7 ngày so với cam kết đã được ghi trong HĐLĐ; công nhân không đồng ý với việc tăng giờ làm thêm 30 phút/ngày để kịp tiến độ đơn hàng với phía đối tác Nhật Bản, mặc dù công ty đã có thông báo trước đó 2 tuần. Điều này cho thấy, những “lỗ hổng” trong thực hiện các quy định liên quan đến pháp luật lao động. Về phía công ty, chưa thực hiện đúng, đủ cam kết tiền lương, thời giờ làm việc đối với công nhân; chưa cụ thể hóa quy định của pháp luật lao động vào trong HĐLĐ. Người lao động chưa hiểu cặn kẽ quy định, không có sự chia sẻ với công ty trong những thời điểm khó khăn, gấp rút về tiến độ đơn hàng. Một số còn tự ý bỏ việc, phá vỡ hợp đồng, gây khó khăn cho công ty.

Qua các vụ tranh chấp có thể thấy, tổ chức công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động; đồng thời, phải trang bị kiến thức về pháp luật lao động để họ tự bảo vệ mình và thực hiện đầy đủ trách nhiệm với doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang đau đầu với những vấn đề nảy sinh trong quá trình sử dụng lao động.

Ông Nguyễn Xuân Biên – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tiến Minh (TX Kỳ Anh) chia sẻ: Nhiều lao động địa phương ý thức rất kém, họ không hiểu biết và không quan tâm đến những quy định của pháp luật về lao động, kể cả ký kết hợp đồng đàng hoàng thì khi có bất cứ sự không hài lòng nào, họ sẵn sàng phá hợp đồng, “nhảy” việc mà không cần đàm phán. Sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp thiếu chặt chẽ đã gây thiệt hại về kinh phí, thời gian đào tạo nhân lực, tiến độ SXKD của doanh nghiệp; đồng thời, tước đi của người lao động nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, thăng tiến.

Để hạn chế tình trạng này, rất cần vai trò phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan như Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh. Ông Lê Văn Chí – Trưởng ban Chính sách và Pháp luật LĐLĐ tỉnh cũng cho biết: Hiện nay, Văn phòng Tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh đang hoạt động khá tích cực trong việc tư vấn, trang bị kiến thức pháp luật và hỗ trợ giải quyết các vụ việc tranh chấp lao động. Các doanh nghiệp, người lao động khi nảy sinh bất kỳ vấn đề liên quan có thể tìm đến để được cán bộ liên đoàn tư vấn, hỗ trợ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast