Những người chuyên “bắt bệnh” tàu thuyền cho ngư dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau mỗi chuyến ra khơi, các chủ tàu lại tìm đến những người thợ lành nghề để kiếm tra, bảo dưỡng tàu thuyền. Không qua trường lớp, không có bằng cấp, những người thợ được ví như “bác sỹ” tàu thuyền ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vẫn luôn đồng hành cùng ngư dân bám biển.

Bằng những nhát búa rắn rỏi, thợ sửa tàu thuyền Nguyễn Tiến Thành (thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng) từng chút, từng chút một làm bật tung những con bulong to như ngón chân cái ra khỏi thân một con thuyền cũ kỹ. Hơn 15 năm trong nghề, mỗi lần đụng vào máy móc của tàu thuyền lại khiến anh có cảm giác khám phá và hào hứng “bắt bệnh” cho chúng.

Anh kể, gia đình anh làm nghề sửa chữa tàu thuyền từ thời cha ông. Từ thuở đôi mươi đến nay, hầu như thời gian của anh gắn liền với gỗ ván, búa đinh cùng cơ số máy móc. Thế nhưng, đó lại là niềm đam mê tâm huyết của anh nên HTX Tiến Thành luôn đông khách.

Những người chuyên “bắt bệnh” tàu thuyền cho ngư dân Hà Tĩnh

Tiếp nối nghề cha ông để lại, càng học, hành nghề, anh Nguyễn Tiến Thành (thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng) lại càng thích thú, đam mê với việc sửa chữa tàu thuyền

Để HTX hoạt động hiệu quả, từ năm 2004, anh Thành mạnh dạn vay mượn đầu tư, sửa chữa nhà xưởng, nạo vét luồng lạch làm chỗ nghỉ ngơi “chữa bệnh” cho tàu thuyền. Công việc hằng ngày của anh là làm mộc, tức là làm vỏ cho tàu thuyền rồi tới thay đinh, ươm xép, đại tu... Khi “bệnh nhân” đến thì anh “bắt bệnh”, hư gì sửa nấy. Gỗ, cưa máy, máy bào... đều phải đem lên tàu thuyền làm tại chỗ.

Chia sẻ về vất vả của nghề, anh chỉ khẽ cười và bảo nghề này công đoạn nào cũng cực nhọc, cần sức vóc, kiên trì mới làm được. Thế nhưng, khó khăn nhất vẫn là lúc đưa tàu thuyền lên bờ. “Dù ngày nay đã trang bị phương tiện đường ray bằng sắt, đồng, máy kéo... thay cho tấm gỗ như trước kia nhưng vẫn cần sự lai dắt để đưa tàu thuyền lên đúng vị trí để sửa chữa, bảo dưỡng”- anh Thành cho biết.

Những người chuyên “bắt bệnh” tàu thuyền cho ngư dân Hà Tĩnh

Dù có phương tiện máy móc hỗ trợ, nhưng mỗi lần kéo tàu thuyền lên bờ vẫn vô cùng vất vả, đòi hỏi sự lai dắt của anh Thành để tàu thuyền lên đúng đường ray

Trong số hơn 40 khách quen thường xuyên ghé xưởng của anh Thành, ông Nguyễn Thanh Tịnh, chủ thuyền cá HT20120TS chia sẻ: “Tranh thủ vào những lúc biển động hoặc ngay khi vừa đi biển về, chúng tôi thường mang tàu thuyền ra đây nhờ anh Thành sửa chữa hoặc bảo dưỡng lại. Cứ 3- 4 tháng sơn sửa, thay mới những vật dụng cần thiết thì ngư dân chúng tôi mới an tâm vươn khơi bám biển”.

Cũng đam mê theo đuổi nghề cha ông để lại, sau khi đi lính trở về vào năm 1991, cựu chiến binh Phạm Văn Tam (SN 1970) bắt đầu thành lập HTX Huy Tam (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) để phục vụ việc sửa chữa, đóng mới tàu thuyền.

Hiện, xưởng của ông có thể sửa chữa từ thân vỏ đến máy móc cho những tàu thuyền cá từ 48CV trở lên. Sau khi vay mượn trên 2 tỷ đồng để đầu tư vào xưởng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, HTX Huy Tam có khoảng 350 tàu thuyền cập bến để sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu. Đồng thời, HTX cũng giải quyết việc làm cho 10- 15 lao động địa phương trong đó có 6 CCB, cho thu nhập trung bình mỗi người từ 5-6 triệu đồng.

Những người chuyên “bắt bệnh” tàu thuyền cho ngư dân Hà Tĩnh

HTX Huy Tam của CCB Phạm Văn Tam (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) thành lập, trở thành nơi sửa chữa tàu thuyền của 10-15 người thợ lành nghề, trong đó có 6 CCB.

Những người thợ làm tại xưởng của ông Tam đều là tay ngang, không được đào tạo qua trường lớp mà hầu như chỉ học nghề từ những người đi trước. Làm lâu thành quen, dần trở nên thành thạo, mọi linh kiện đều được những người thợ nắm trong lòng bàn tay. Lỗi lớn hay nhỏ, họ cũng đều gắng tìm cho bằng được để sửa chữa, giúp ngư dân yên tâm ra khơi.

Túc trực 24/24h, ông Tam cùng những người thợ của mình luôn sẵn sàng có mặt mỗi khi tàu thuyền của ngư dân gặp sự cố. Không chỉ sẵn sàng “ứng cứu” ngư dân bất cứ lúc nào, những “bác sỹ” này còn “chẩn đoán” bệnh tình và hướng dẫn cho chủ tàu cách sửa chữa qua điện thoại trong trường hợp tàu thuyền chưa thể về bờ.

Những người chuyên “bắt bệnh” tàu thuyền cho ngư dân Hà Tĩnh

Với kinh nghiệm học hỏi từ những người đi trước, các tay thợ lành nghề tại đây có thể sửa chữa, bảo dưỡng hoặc đóng mới tàu thuyền từ 48CV trở lên.

“Tuỳ theo mức độ hỏng hóc của tàu thuyền mà có chiếc chỉ sửa trong vòng vài giờ, nhưng cũng có chiếc mất vài buổi, thậm chí vài tháng. Đêm hôm bà con đi biển gặp trục trặc kỹ thuật cần ứng cứu là anh em chúng tôi cũng sẵn sàng đến ngay để họ có phương tiện lên đường. Có những ngày sửa chữa tàu thuyền cho bà con không kịp ngủ, khi hoàn thành, nhận được lời cảm ơn chân thành của họ, chúng tôi không còn thấy mệt nữa mà yêu nghề hơn rất nhiều”- ông Tam bộc bạch.

Dù mùa nắng nóng hay rét mướt, những người thợ vẫn phải chui vào từng con tàu để sửa chữa máy móc hay cần mẫn sơn sửa những con thuyền cá. Có những bộ phận máy nặng hàng tạ cần căng sức khuân vác hay những tấm gỗ 2,3 người khiêng có thể đè vào tay chân gây thương tích bất cứ lúc nào. Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng họ vẫn chẳng nề hà, sẵn sàng công việc để những con thuyền sớm rẽ sóng vươn khơi...

Chủ đề Biển Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast